Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 cho thấy môi trường kinh doanh trong nước đang có xu hướng cải thiện, tuy nhiên khảo sát PCI-FDI cho thấy những điểm yếu lâu năm của nền kinh tế vẫn không có nhiều biến chuyển: chất lượng lao động thấp và doanh nghiệp Việt Nam ít khả năng hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính ở các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. PCI 2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xây dựng dựa trên phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp tư nhân, trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Bộ chỉ số được công bố vào sáng ngày thứ 5, 28/3.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện

Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia (54,8%) cho biết họ vẫn phải chi trả các chi phí không chính thức (phí bôi trơn quy mô nhỏ để xin cấp các loại giấy phép hay đẩy nhanh các thủ tục đất đai). Tỉ lệ này tương đối cao, nhưng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và đang có xu hướng giảm kể từ năm 2016.

Môi trường kinh doanh ở các tỉnh thành cũng đang có xu hướng trở nên bình đẳng hơn giữa các nhóm doanh nghiệp. Số doanh nghiệp cho rằng “Việc tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp” giảm từ 41,2% năm 2017 xuống còn 32,4% năm 2018. Đặc biệt, số doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân liên tục giảm trong những năm gần đây, từ 49% năm 2015 xuống 37% năm 2018.

Hầu hết các chỉ tiêu đo lường bởi chỉ số thành phần “Chi phí thời gian” trong PCI 2018 ghi nhận những cải thiện kể từ 2015, cho thấy doanh nghiệp phải dành ít thời gian hơn cho thủ tục hành chính. 74,1% doanh nghiệp cho rằng “thủ tục giấy tờ đơn giản” (so với mức 51,2% năm 2015) và 74,7% cho rằng “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”. Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc dự án PCI cho biết: “Các địa phương đã thực hiện thành công các cải cách tương đối dễ, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, v.v… nhưng những nhóm cải cách lớn hơn thì hiện nay đang gặp khó khăn”.

Nhìn chung PCI 2018 cho thấy môi trường kinh doanh tại các tỉnh thành tuy còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng có xu hướng cải thiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên qua khảo sát PCI-FDI, một phần của báo cáo PCI điều tra cảm nhận của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đánh giá rằng những điểm yếu cố hữu về trình độ người lao động và khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam không có xu hướng cải thiện.

Nhưng vẫn tồn tại điểm yếu cố hữu

Theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI, chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động không có nhiều thay đổi trong các năm gần đây. Doanh nghiệp FDI dễ dàng tiếp cận được với nguồn lao động phổ thông, tuy nhiên khó tuyển các vị trí kỹ thuật, giám sát và quản lý. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi tuyển dụng các vị trí này lần lượt là 74%, 84% và 91%. Thậm chí chất lượng đào tạo lao động ở địa phương trong 5 năm trở lại đây giảm hẳn so với năm 2013 và chưa có dấu hiệu phục hồi (theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI về đào tạo lao động tại địa phương trên thang điểm 6, năm 2013 đạt 4,1 điểm, các năm 2014 - 2018 dừng lại ở mức 3,7 và 3,8).

Bởi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội không cao, nên số doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam cũng có xu hướng ít đi trong những năm gần đây. Trong năm 2015 và 2016 có khoảng 69% doanh nghiệp mua nguyên liệu đầu vào từ các công ty tư nhân trong nước, tỉ lệ này giảm xuống 62,5% năm 2017 và tiếp tục giảm xuống 60,2% năm 2018.

Trao đổi với Báo KHPT, đại diện Công ty TNHH 4P, một doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh kiện điện tử cho các doanh nghiệp FDI như LG, Canon, cho biết để tham gia được vào chuỗi cung ứng doanh nghiệp Việt phải có khả năng cung cấp sản phẩm áp dụng các tiêu chuẩn cao về quy trình, chất lượng như 5S, 6-Sigma với một mức giá cạnh tranh. Gần một nửa (47,1%) doanh nghiệp FDI chuộng việc lựa chọn nhà cung ứng đến từ nước xuất xứ của nhà đầu tư, nên rất khó để nhà cung cấp Việt Nam có thể tham gia nếu không có lợi thế rõ ràng. “Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại”, theo Ths. Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam.

Phòng sạch trong dây chuyền hàn linh kiện bề mặt (SMT) tại nhà máy của Công ty TNHH 4P tại Hưng Yên. Ảnh: Công ty TNHH 4P.

Không chỉ riêng trong lĩnh vực điện tử, các DN vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói chung khó đạt được các lợi thế cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng do không có điều kiện để đầu tư công nghệ. Trong khi đó, “so với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ như đất đai, thuế…” theo Ths. Đỗ Thị Thúy Hương.

Theo Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn, chỉ số năm nay cũng cho thấy nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam - “nhóm là tương lai của nền kinh tế”, đang gặp khó khăn và đang tỏ ra bi quan hơn so với các DN lớn.

Do vậy, “các chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nhóm doanh nghiệp nhỏ này bằng những chương trình hỗ trợ thiết thực như hỗ trợ tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, đối tác”, ông Tuấn khuyến nghị.

Dấu hiệu chững lại ở tốp đầu

10 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI 2018 đều có điểm PCI tương đương với năm ngoái và không có nhiều biến chuyển. Năm nay Quảng Ninh tiếp tục đứng thứ nhất bảng xếp hạng PCI tuy nhiên đã giảm 0.33 điểm so với năm 2017, Đà Nẵng giảm 2.46 điểm; Đồng Tháp, Long An, Bến Tre có PCI tăng khoảng 0,9 – 1,4 điểm so với năm 2017. Những cải thiện về môi trường kinh doanh và khả năng điều hành kinh tế trên tổng thể chủ yếu đến từ sự cải thiện nhanh chóng của nhóm đứng dưới. Theo các tác giả báo cáo, “sự chững lại của nhóm tỉnh đứng đầu PCI là dấu hiệu đáng lo ngại”.

“Các địa phương đã thực hiện thành công các cải cách tương đối dễ, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, v.v… nhưng những nhóm cải cách lớn hơn, liên quan đến đất đai, phối hợp các sở ban ngành, thì hiện nay đang gặp khó khăn”, ông Đậu Anh Tuấn giải thích về sự chững lại của nhóm tỉnh đứng đầu PCI trong vài năm trở lại đây. “Liệu khuôn khổ thể chế, trần thể chế đang bó buộc họ, chưa tạo thuận lợi cho họ đột phá, sáng kiến mạnh mẽ hơn? Đây là một câu hỏi quan trọng”, ông Tuấn nói thêm.