Chưa bao giờ điểm chuẩn trúng tuyến đại học cao, thậm chí, cao “ngất ngưởng” đến 30 điểm ba môn, lại gây nên nhiều băn khoăn, hoài nghi, lo lắng như kì tuyển sinh năm 2021 vừa được các trường đại học công bố mới đây.

Điểm cao không tự nhiên sinh ra

Lý giải một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến điểm tuyển sinh đại học tăng cao, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, do “tăng số lượng thí sinh xét tuyển đại học” (gần 800.000 thí sinh đăng kí xét tuyển đại học, tăng 24% so với năm 2020). Biến động tăng lượng thí sinh xét tuyển có thể dẫn đến điểm chuẩn đại học cao, mức độ cạnh tranh điểm giữa một số ngành có thể lớn. Nhưng tăng cao một cách đột ngột, thậm chí trong xét tuyển đợt 1, đã có 265 mã ngành tăng từ 5 điểm trở lên (chiếm 8% tổng số mã ngành), 30 mã ngành cao hơn điểm chuẩn của năm 2020 đến 9-11 điểm, thì vấn đề thực sự nằm lại ở gốc gác: kì thi tốt nghiệp THPT quá “dễ thở”, chưa thể phân loại năng lực học tập của học sinh và vì thế, khiến đại học cũng không lường hết biến động điểm chuẩn đầu vào.

Sự gia tăng điểm chuẩn đầu vào đại học là tất yếu và cũng là hệ quả khó tránh của kì thi THPT “dễ thở”, không mang tính cạnh tranh, phân loại cao của năm nay. Ảnh minh họa: Một buổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Nguồn: vov.vn

Kết quả kì thi tốt nghiệp THPT của khoảng 1.020.000 thí sinh cho thấy rất nhiều môn có điểm tăng: tiếng Anh tăng điểm trung bình lên đến 1,26 điểm, phổ điểm 8-9 chiếm tỉ lệ lớn và có đến 4.345 điểm 10 (gấp 19,3 lần năm 2020); môn Sinh học có 582 điểm 10 (năm 2020 chỉ là 121); môn Lịch sử có 266 điểm 10; môn Địa lý có phổ điểm trung bình là 6,96, có 227 điểm 10; môn Ngữ văn có hơn 145.800 thí sinh đạt điểm 8 trở lên, 3 điểm 10. Tổng cộng, kì thi THPT năm nay thiết lập kỉ lục 24.000 điểm 10, cao nhất trong 7 năm qua (vượt xa con số 5.812 điểm 10 của năm 2020).

Điểm thi từng môn tăng, phổ điểm trung bình lớn dĩ nhiên kéo theo điểm tổ hợp xét tuyển tăng, chẳng hạn tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh) có đỉnh trong khoảng 21-24 điểm; riêng điểm 25, 26, 27 lần lượt có 31.785, 18.060, 6.717 thí sinh. Tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) có điểm 25, 26, 27 lần lượt là 7.612, 4.592 và 2.112 thí sinh, trong đó có tới 476 thí sinh đạt điểm xét tuyển đại học C00 ở mức 28 điểm trở lên...

Mức độ “lạm phát” điểm trung bình cao hoặc đạt tuyệt đối trong kì thi tốt nghiệp THPT, thực chất, đã được dự báo trước và có thể “thông cảm” bởi những thí sinh “tuổi đẹp” 2003 năm nay phải trải qua nhiều đợt gián đoạn học tập do đại dịch COVID-19. Đề thi, từ đó, được xây dựng trên cơ sở nội dung tinh giản, vừa sức, hướng đến mục tiêu xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi các trường đại học chủ yếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT (chiếm 55% chỉ tiêu tuyển sinh so với 45% chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức khác như học bạ, tuyển thẳng, chứng chỉ ngoại ngữ,...) thì sự gia tăng điểm chuẩn đầu vào là tất yếu và cũng là hệ quả khó tránh của kì thi THPT không mang tính cạnh tranh, phân loại cao. Một kì thi mà có đến hơn 18.680 điểm 10 môn Giáo dục công dân thì hẳn nhiều trường đại học được phen thở phào nhẹ nhõm vì rất ít ngành đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển.

Một số ngành và đại học gây choáng váng vì xét tuyển tổ hợp C00 lên đến trên 30 điểm. Ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (TP Thanh Hóa) lần lượt có điểm chuẩn 30,5 và 29,75, vượt mặt các trường sư phạm uy danh khác. Trong ảnh: Trường Đại học Hồng Đức. Nguồn: baodansinh.vn

Mục tiêu “hai trong một” của kì thi tốt nghiệp THPT - ngoài để xét tốt nghiệp, còn để giúp các trường đại học phân loại học sinh trong quá trình xét tuyển sinh viên cho mình - không đáp ứng được mục tiêu thứ hai. Biến động kết quả của kì thi này tùy thuộc quá lớn vào nội dung đề thi và công tác chấm thi (do địa phương thực hiện), các trường đại học, cao đẳng đành thúc thủ “chờ ngày hái quả” hơn là tự mình kiểm định, kiểm soát chất lượng. Trong thực tế, nhận thấy kì thi THPT chưa thể đảm bảo tiêu chí xét tuyển, một số trường đại học đã lên kế hoạch tổ chức thi tuyển riêng dưới dạng kiểm tra, đánh giá năng lực nhưng đại dịch, một lần nữa, không cho phép điều này diễn ra. Nếu điều kiện cho phép và khi các đại học tự chủ hình thức thi tuyển thì kì thi tốt nghiệp THPT liệu còn mang nhiều ý nghĩa không? Tôi nghĩ rằng, đại học cần trở lại một kì thi riêng và kì thi THPT có thể thay thế bằng hình thức xét điểm học bạ để công nhận tốt nghiệp. Chúng ta thường qui việc tổ chức kì thi đại học sẽ tốn kém, gây khó khăn cho thí sinh và xã hội. Nhưng liệu có nên đặt vấn đề tốn kém và chất lượng tuyển sinh đại học làm hai vế tương đồng để đong đếm? Chất lượng đầu vào, và từ đó, chất lượng giáo dục đại học cũng như nguồn nhân lực có trình độ đại học, theo tôi, phải được ưu tiên sức người sức của để đạt được. Mặt khác, kì thi tốt nghiệp THPT (với sự tham gia của đại học, cao đẳng) như hiện nay không hẳn đã giảm thiểu hoàn toàn chi phí tốn kém và nhiêu khê.

Muôn nỗi “đau đớn lòng”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong đợt xét tuyển đại học đợt 1, có 165 thí sinh đạt 27 điểm (chưa tính điểm ưu tiên) trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào. Trong đó, có ba em điểm trên 28; 61 em có điểm xét tuyển đã cộng ưu tiên đạt từ 29,5 trở lên. Quả thật, không chỉ bản thân các thí sinh này, mà dư luận xã hội cũng cảm thấy “sốc nặng” vì với số điểm “siêu khủng” như vậy vẫn không chạm đến cánh cổng đại học. Không ít người thảng thốt mừng húm cho bản thân mình vì đã thi đại học cách đây chừng 20 năm, thời mà chỉ khoảng 25 điểm là có thể đạt thủ khoa, là niềm tự hào của “cả làng cả tổng”.

Một số ngành và đại học gây choáng váng vì xét tuyển tổ hợp C00 lên đến trên 30 điểm. Ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử chất lượng cao của Đại học Hồng Đức, TP. Thanh Hoá lần lượt có điểm chuẩn 30,5 và 29,75, vượt mặt các trường sư phạm uy danh khác. Nguyên nhân được nêu ra là vì chỉ tiêu tuyển thấp và thí sinh được cộng thêm điểm ưu tiên. Tuy nhiên, theo qui định thì điểm cộng ưu tiên tối đa cũng chỉ 2,75 nên muốn vào ngành học này, điểm thi đều phải tầm 26, 27 cho ba môn. Trước đây, thí sinh học khối C (Văn, Sử, Địa) vẫn chịu định kiến “học thuộc lòng” và làm theo “văn mẫu”, chỉ những em giỏi thực sự mới đạt điểm 8 trở lên. Nhưng với tình hình điểm tuyển sinh khối C không ngừng tăng như hiện nay, phải chăng định kiến trên sẽ biến mất?

Trượt đại học dù điểm cao đã “đau đớn lòng”. Song điểm cao xấp xỉ ngưỡng 30 mới đỗ đại học cũng không làm xã hội quá mừng vui. Dư luận coi những con số trên 30 điểm ấy gần như là chuyện phi lí, khó tin bởi trong quá khứ, chuyện thi đại học được coi như cuộc vượt vũ môn gian nan, thử thách nhất trong đời học sinh. Từ năm 2001 trở về trước, lúc các trường đại học còn tự thi tuyển, những thí sinh đạt điểm tuyệt đối hoặc điểm 8, 9 đều nhận được sự ngưỡng mộ nhất định. Còn hiện nay, ngay cả với thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ Văn mà báo chí, truyền thông tung hô, tôi e rằng cũng không làm tất cả chúng ta bận tâm. Và cũng chẳng ai dám khẳng định rằng, điểm cao của hôm nay cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông đã vượt trội hơn hẳn so với trước. Chuyện điểm cao mà dần “mất thiêng”, “mất giá” trong cái nhìn của xã hội liệu có khiến những thí sinh trên 30 điểm cảm thấy nhói lòng? Ít nhận được sự thừa nhận, khâm phục từ xã hội, tôi nghĩ, những điểm số cao chót vót cuối cùng chỉ tồn tại trong bảng thống kê gây giật mình, rất khó tạo thành mục tiêu phấn đấu, vươn tới cho thế hệ tiếp theo. Ngưỡng 30 điểm mà trượt đại học thì còn biết phấn đấu đến điểm số nào đây?

Trong khi mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng thì những thí sinh được cộng điểm ưu tiên theo khu vực càng có lợi thế. Chính sách cộng điểm ưu tiên theo khu vực, thiển nghĩ, chỉ thực sự đúng ý nghĩa khi đề thi đảm bảo độ khó cao, độ phân loại mạnh. Còn khi đề thi sàn sàn, tương tự như giải thể thao phong trào, thì một thí sinh ở miền núi, vùng cao cũng không gặp vấn đề lớn, không phải chịu thua thiệt khi bước vào tranh tài. Ngược lại, các thí sinh thành thị dù nỗ lực thì cũng đến mức 30 điểm là hết cỡ, và đành chịu thua ở số điểm cộng thêm mà đề thi không có. Cho nên, với mức điểm trên 30 như ngành sư phạm chất lượng cao của Đại học Hồng Đức công bố thì ngay cả thí sinh thủ khoa khối C thi THPT vẫn trượt nếu không có điểm ưu tiên! Liệu đại học tuyển đúng nhân tài, đúng thí sinh chất lượng hay đơn giản là tuyển được thí sinh may mắn?

Nói đến may mắn thì phải thừa nhận các thí sinh đỗ ngành sư phạm năm nay có nhiều may mắn. Sinh viên ngành sư phạm kể từ năm học 2021-2022 vừa được miễn học phí, vừa được hỗ trợ phi phí sinh hoạt hằng tháng (nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp mà không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian qui định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí hỗ trợ). Tuy nhiên, để sinh viên ngành sư phạm tìm được công việc đúng chuyên môn đào tạo không phải dễ dàng. Niềm vui, thật ra, ngắn chửa tày gang, mà nỗi lo thì vẫn còn nguyên mãi đó.