Nếu áp dụng phương pháp lấy mẫu xét nghiệm mới mà TS. Nguyễn Thanh Mỹ và các kỹ sư ở công ty Rynan Technologies đề xuất, doanh nghiệp không chỉ cắt giảm được đáng kể chi phí xét nghiệm mà còn có thể duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn.
“Đau đầu” vì xét nghiệm COVID-19
Một trong những tiêu chí đầu tiên mà các doanh nghiệp cần đáp ứng để có thể tái hoạt động sản xuất, kinh doanh đó chính là thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động. Tuy nhiên, với số nhân viên lên đến hàng trăm hoặc thậm chí là hàng nghìn, đây là một bài toán khó đối với hầu hết doanh nghiệp sản xuất lớn, nhỏ.
Là người đứng đầu của một công ty đã thực hiện “ba tại chỗ” kể từ tháng bảy với khoảng 350 nhân viên, ông Nguyễn Thanh Mỹ - Giám đốc điều hành Rynan Technologies và Mỹ Lan Group cho biết, "do thực hiện quy trình 5K, mỗi tuần chúng tôi phải mất hơn bốn giờ để lần lượt tập trung tất cả nhân viên từ các bộ phận đến để lấy mẫu xét nghiệm. Trung bình mỗi giờ hoàn tất lấy mẫu cho gần 100 người nên để xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên phải hết hơn nửa ngày. Mỗi lần xét nghiệm như vậy hết 60 triệu đồng, một tháng là 240 triệu đồng. Do đó, cộng thêm việc mỗi tuần phải dừng sản xuất nửa ngày để lấy mẫu, doanh nghiệp chúng tôi mất doanh thu gần 4 tỷ đồng mỗi tháng”.
Song ông cho rằng, doanh nghiệp của mình vẫn còn may mắn khi số lượng nhân viên không quá đông. Bởi nếu áp cách tính toán này vào những doanh nghiệp sản xuất có số công nhân lên đến 5.000 người như công ty may mặc ở bên cạnh, thì “để xét nghiệm cho 50% nhân viên - số lượng người tối đa được làm việc theo ‘ba tại chỗ’, chi phí sẽ rơi vào khoảng hơn 1,4 tỉ đồng mỗi tháng, chưa kể họ phải dừng sản xuất để tập trung tất cả nhân viên và hoàn tất việc lấy mẫu".
Xét nghiệm COVID cho nhân viên là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp.
Ảnh: nld.com.vn
Từ trải nghiệm thực tế ấy, ông Thanh Mỹ tự đặt câu hỏi: Khi dịch bệnh còn kéo dài, có phương thức xét nghiệm nào khác để những doanh nghiệp với đông người lao động có thể thực hiện được với chi phí vừa phải, không phải dừng sản xuất mà vẫn có thể phát hiện nhanh chóng người bị nhiễm không?
Phương pháp lấy mẫu CNOK
Mục đích xét nghiệm virus là để có thể giám sát, phát hiện ca bệnh, khẳng định kết quả và sống chung với COVID-19, “mỗi mục đích khác nhau sẽ cần có phương thức xét nghiệm khác nhau. Để có thể sống chung được với dịch bệnh thì cần có một phương pháp lấy mẫu và xét nghiệm phù hợp hơn”, ông suy nghĩ. Những trăn trở ấy được ông đem ra bàn luận với ba kỹ sư trẻ tốt nghiệp chuyên ngành Toán ứng dụng đang làm việc trong công ty để cùng tìm lời giải. Ông chia sẻ, “phê phán thì dễ lắm, nhưng mình phê phán thì phải có đóng góp”. Và kết quả là phương pháp lấy mẫu xét nghiệm CNOK dựa trên cơ sở toán học xác suất thống kê đã ra đời, “trong đó, C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế, nhằm giúp phát hiện nhanh và tương đối chính xác người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong môi trường làm việc ‘ba tại chỗ’”, ông Mỹ nói.
Với cách lấy mẫu CNOK, nhân viên trong doanh nghiệp sẽ được chia thành các phân tổ để xét nghiệm đại diện. Số lượng phân tổ sẽ bằng tổng số nhân viên chia cho chu kỳ xét nghiệm 28 ngày - tương đương với hai chu kỳ ủ bệnh của virus. Cụ thể, doanh nghiệp với 350 nhân viên của ông Mỹ sẽ được chia thành 13 phân tổ. Trong đó, 12 phân tổ sẽ gồm những người có mức độ lây nhiễm bình thường và phân tổ còn lại bao gồm những người có mức độ lây nhiễm cao như bảo vệ và tài xế. Tiêu chí để chọn người trong mỗi phân tổ sẽ dựa trên mức độ thường xuyên tiếp xúc với nhau hoặc khoảng cách khi làm việc và nghỉ ngơi gần hơn 3 mét. Đồng thời, thay vì xét nghiệm RT-PCR, kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên với độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tối đa 90%) cũng được sử dụng. “Mỗi ngày, chúng ta chỉ cần thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho 13 người đại diện của 13 phân tổ và xoay vòng vào những ngày sau. Như vậy, mỗi ngày chúng ta vẫn biết được kết quả nhưng mỗi người ở trong phân tổ nguy cơ thấp sau 28 ngày mới cần xét nghiệm lại một lần, còn với những người trong phân tổ nguy cơ cao là sau 14 ngày. Nếu muốn rút ngắn chu kỳ xét nghiệm thì lấy mẫu gộp hai người cho mỗi phân tổ”, ông Mỹ nói.
Thực ra, những ý tưởng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí xét nghiệm theo các phương thức khác nhau cũng đã từng có trước đây, ví dụ như bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 “siêu nhạy” của TS. Hồ Hữu Thọ ở Viện Nghiên cứu Y học quân sự (Học viện Quân y), được cho là có thể giúp gộp 100 mẫu xét nghiệm mà không làm ảnh hưởng đến độ nhạy. Tuy nhiên, dù có tiềm năng và đã được ứng dụng để xét nghiệm với công suất rất lớn ở Bắc Giang vào tháng sáu vừa qua, bộ kit của TS. Thọ vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được một số chuyên gia do vẫn còn những băn khoăn về dữ liệu.
Hiểu rằng sẽ cần phải có các số liệu rất rõ ràng để một giải pháp lấy mẫu không giống như cách thức “truyền thống” có thể thuyết phục được người khác, ông Mỹ và các kỹ sư trẻ đã trình bày cụ thể các công thức tính toán xác suất này và trao đổi với một số nhà quản lý. Còn giải thích một cách đơn giản tại sao phương pháp này vẫn có thể đảm bảo độ chính xác khá cao, ông Mỹ cho hay, nếu xét nghiệm mỗi ngày cho toàn bộ nhân viên bằng phương thức RT-PCR, độ tin cậy để phát hiện được người nhiễm COVID sẽ là 100%. Còn nếu một tuần xét nghiệm một lần, tỉ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn hơn 70% do có đến sáu ngày không biết được kết quả. “Nếu muốn tăng tỉ lệ phát hiện, mình sẽ phải tăng tần suất xét nghiệm lên”, ông Mỹ nói. Tuy nhiên, nếu việc tăng tần suất được áp dụng cho toàn bộ nhân viên trong công ty thì chi phí sẽ vô cùng tốn kém. Thay vào đó, khi áp dụng xác suất thống kê để chia tổ và lấy mẫu mỗi tổ một hoặc hai người với sai số khoảng 5% thì “ngày nào chúng ta cũng sẽ nhận được kết quả với độ chính xác khoảng 85-90%. Do các nhân viên trong các phân tổ tiếp xúc gần và làm việc cùng nhau, nếu một người mắc thì chắc chắn sẽ lây lan ra những người khác trong phân tổ”, nhất là khi chủng Delta có chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng hai ngày, nên chỉ cần xét nghiệm 1-2 người đại diện cho phân tổ là có thể biết được kết quả cả phân tổ.
Với phương pháp này, chi phí cho xét nghiệm cho 350 người sẽ chỉ là hơn 72 triệu đồng mỗi tháng. Nếu thực hiện xét nghiệm dùng mẫu gộp hai (một kit test xét nghiệm cho hai người), thì chi phí sẽ chỉ còn lại hơn 36 triệu đồng. Quan trọng hơn, do mỗi ngày chỉ cần lấy mẫu cho vài nhân viên và có thể thực hiện ngay tại nơi làm việc mà không cần phụ thuộc vào cơ sở y tế, việc sản xuất của các doanh nghiệp sẽ có thể được duy trì liên tục mà không phải ngừng hoạt động như trước đây.
Cái đáng nói là ông Mỹ không tìm ra phương pháp này chỉ để áp dụng cho doanh nghiệp mình hay “hòng” kiếm lợi nhuận. Công thức tính toán lấy mẫu đã được ông chia sẻ rộng rãi ngay đến các doanh nghiệp, đồng thời công ty ông cũng phát triển phần mềm phục vụ TCOVI Web và ứng dụng trên điện thoại di động TCOVI App để giúp doanh nghiệp tự động sắp xếp lịch xét nghiệm cho mỗi phân tổ, “ai cần thì mình gửi ngay”. Giải pháp này sẽ phù hợp với những doanh nghiệp như thế nào? “Thực ra doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng, nhưng doanh nghiệp có số lượng nhân viên càng đông và càng nhiều lao động phổ thông thì càng phù hợp và tiết kiệm được nhiều chi phí xét nghiệm”, ông nói.
Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tự thực hiện việc xét nghiệm. Thế nên song song với việc tự test cho nhân viên theo phương pháp CNOK, mỗi hai tuần, doanh nghiệp của ông Mỹ vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên theo quy định. “Tôi luôn hy vọng nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành mới đây sẽ là cánh cửa mở để doanh nghiệp có thể tự lựa chọn phương thức xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hiệu quả nhất trong điều kiện vận hành doanh nghiệp của mình”, ông Mỹ mong mỏi, “hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải suy xét, đặt câu hỏi và tìm ra những giải pháp phù hợp chứ không thể làm theo quán tính”.