Hai năm thí điểm vừa qua là khoảng thời gian tương đối dài và các nhà quản lý chắn hẳn đã nhận diện được những vấn đề đặt ra cho họ.
Về mặt kinh tế, mô hình kinh doanh của Uber và Grab là hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử với sự tăng trưởng từ cả bên cung và bên cầu là không giới hạn. Người có được lợi thế về công nghệ sẽ có lợi nhuận vô cùng lớn. Thực tế, Uber và Grab chỉ cung cấp công nghệ, những tài xế tham gia vào quá trình này sẽ mang nguồn lực của mình đóng góp vào hạ tầng công nghệ để cùng phát triển và tạo ra lợi nhuận.
TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.
Về mặt xã hội, nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa người có công nghệ và
người tham gia vào chuỗi cung ứng. Người làm chủ platform và ứng dụng
trên platform sẽ có được lợi ích vô cùng lớn. Những người tham gia, đóng
góp nguồn lực có nguồn lợi đủ sống và hoàn toàn phụ thuộc vào platform.
Sau 2 năm triển khai thí điểm, nếu hiểu ra bản chất của những dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ, chúng ta sẽ không từ chối Uber và Grab. Nhưng chấp nhận đồng nghĩa với việc phải quản lý, cái khó nhất chính là xây dựng khung pháp lý chung. Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là việc đảm bảo an ninh cho lượng dữ liệu khổng lồ về khách hàng mà Uber và Grab sở hữu.
Trong thời đại của big data, Uber và Grab sở hữu khối lượng thông tin rất lớn. Cần hiểu rằng đây là tài sản của họ, nhưng việc bảo vệ những thông tin này như thế nào lại là do luật pháp quy định. Việt Nam cần có quy định đồng bộ với những quy định pháp lý trên thế giới về bảo vệ thông tin cá nhân.
Bên cạnh các quy định về luật pháp, chắc chắn các cơ quan nhà nước còn phải viện đến công nghệ để quản lý những dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ này. Ví dụ đối với việc thu thuế, Uber hay Grab có nền tảng để thu 20% phí sau mỗi giao dịch đặt xe của khách hàng. Vậy cơ quan thuế Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai hướng công nghệ này, theo đó, thuế nộp ngân sách sẽ đi theo một dòng riêng, song song với phí của công ty mẹ và phí trả cho tài xế.
Nếu triển khai thành công, mỗi ngày, cơ quan thuế sẽ nhận được hàng triệu dòng thuế thu từ các giao dịch đặt xe. Đáng nói, đây sẽ là ví dụ ban đầu cho việc thu thuế trong thời đại công nghệ. Cuối năm khi quyết toán, thực tế doanh nghiệp và cơ quan thuế không cần thống kê, quyết toán, bởi sau mỗi giao dịch, tiền thuế đã tự đổ về cơ quan thuế. Lúc này, chính cơ quan nhà nước cũng sở hữu một khối lượng big data khổng lồ. Câu hỏi đặt ra là, liệu cơ quan thuế có đủ khả năng bảo mật lượng dữ liệu đó? Để làm được điều này, theo tôi, cần có sự chung tay của cả nhà nước và doanh nghiệp trong việc xây dựng nền tảng công nghệ đủ mạnh.