Hai nghiên cứu gần đây chỉ ra những yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của học sinh trong các lĩnh vực STEM và tác động đến sự thay đổi nhận thức của các thầy cô về Giáo dục STEM.

Tiết học STEM Robotics ở một trường THCS tư thục ở TPHCM. Ảnh: siu.edu.vn
Tiết học STEM Robotics ở một trường THCS tư thục ở TPHCM. Ảnh: siu.edu.vn

Giáo dục STEM - phương thức giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, giúp người học gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc triển khai giảng dạy STEM trong trường trung học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với hệ thống trường công lập bởi sự hạn chế về cơ sở vật chất của nhà trường cũng như kiến thức liên ngành và kinh nghiệm kỹ thuật thực tế của giáo viên.

Nhằm khắc phục khó khăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thực hiện hai dự án phát triển giáo dục STEM. Dự án thứ nhất do Khoa Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Sư phạm Hà Nội tiến hành, với nhiệm vụ chính là triển khai hoạt động trải nghiệm kỹ thuật cho trường trung học. Dự án thứ hai là “Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2” (SESDP2) nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng giáo viên trung học về Giáo dục STEM. Trong chương trình này, các giáo viên được cung cấp khái niệm về STEM, phương pháp thiết kế bài giảng và giảng dạy STEM.

Vai trò của sở thích và trải nghiệm đối với học sinh

Tính hiệu quả của dự án thứ nhất được nhóm nghiên cứu Khoa Sư phạm Kỹ thuật - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích đánh giá trong bài nghiên cứu “Engineering Experience at University: A Prospective Way to Foster STEM Education for Secondary School in Vietnam” và công bố trong Hội thảo khoa học quốc tế Đổi mới sáng tạo trong dạy học và đào tạo giáo viên - ILITE 2019 do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.

Bài viết trên tập trung trả lời hai câu hỏi lớn: (1) Quy trình thiết kế kỹ thuật trong giáo dục STEM cần thay đổi như thế nào cho phù hợp với thời lượng học tập có hạn; và (2) Trải nghiệm kỹ thuật có tác động thế nào đến định hướng nghề nghiệp, kỹ năng, và thái độ học tập các môn Khoa học - Công nghệ của học sinh.

234 học sinh lớp 11 của trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội (55,1% học sinh nam, 44,9% học sinh nữ) tham gia khoá học trải nghiệm kỹ thuật do Khoa Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, đã trả lời bảng khảo sát vào cuối khoá học. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sở thích và trải nghiệm của học sinh là nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp; trong đó có một bộ phận học sinh tỏ ra tự tin với định hướng nghề nghiệp của bản thân nhưng cũng có một bộ phận khác dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài như phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, việc cải thiện công tác tư vấn nghề nghiệp vốn đang là điểm yếu của các trường trung học tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, quy trình thiết kế kỹ thuật giáo dục STEM trong khóa học này đã được rút gọn và tập trung vào các nội dung chủ chốt để phù hợp với thời lượng quy định. Trong toàn bộ khoá học, học sinh chủ yếu được hướng dẫn kỹ năng thực hành, trong khi kỹ năng phân tích kỹ thuật và thiết kế thực tế không có cơ hội thực hiện do hạn chế về thời lượng khóa học. Hoạt động trải nghiệm kỹ thuật chỉ được tổ chức trong một buổi; ở đó, các bạn học sinh - chia thành từng nhóm nhỏ - tham gia vào quá trình thiết kế và sản xuất dựa trên các nguyên vật liệu và thiết bị đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, dưới sự hướng dẫn của giảng viên và các anh chị sinh viên năm cuối của Khoa Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nhóm tác giả đề xuất, khoá học cần được thiết kế theo lộ trình từng giai đoạn và tập trung vào một tiêu chí nhất định. Ví dụ, nếu giảng viên muốn phát huy tính sáng tạo của học sinh, cần chuẩn bị nhiều loại vật liệu và dành nhiều thời gian cho các em suy nghĩ và thiết kế thử. Ngoài ra, các trường đại học cần tiếp tục hỗ trợ giáo viên và các em học sinh trung học để hoạt động giáo dục STEM có thể phát triển.

Nhu cầu “hiểu cơ bản” của giáo viên

Tính hiệu quả của dự án thứ hai “Chương trình phát triển chuyên môn giáo viên” của (SESDP2) được đánh giá trong bài nghiên cứu “Transformative Perceptions of In-service Teachers towards STEM Education: The Vietnamese Case Study” của nhóm tác giả đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết tập trung trả lời hai câu hỏi: nhận thức về STEM của giáo viên tham gia chương trình có thay đổi không; và những yếu tố nào dẫn đến sự thay đổi đó.

“Chương trình phát triển chuyên môn giáo viên được tổ chức tại Đà Nẵng và Hải Phòng, kéo dài bốn ngày vào tháng 3 năm 2019. Các học viên tham gia vào 4 hoạt động: Nói chuyện và thảo luận cùng chuyên gia; Đóng vai học sinh học STEM; Phân tích các video clip giảng dạy STEM; Xây dựng chủ đề và giáo án STEM theo nhóm.

150 người tham gia đã trả lời khảo sát sau khi kết thúc chương trình học (18,7% nam, 81,3% nữ). Giáo viên tham gia chương trình chủ yếu giảng dạy môn Khoa học (42%), Toán học (24%), Tin học (17,3%), Công nghệ (10%), các môn khác (0,7%), giảng dạy kết hợp hai môn (Hóa học-Sinh học, Sinh học-Công nghệ, Toán-Tin, Toán-Vật lý, Vật lý-Công nghệ, chiếm 6,1%).

Kết quả phân tích cho thấy, giáo viên tham gia chương trình đào tạo đã thay đổi nhận thức về Giáo dục STEM từ “biết nhưng không hiểu” sang mức độ cao hơn “hiểu cơ bản” vào cuối chương trình.

Bên cạnh đó, các học viên tham gia cũng đánh giá cao lợi ích thu được từ chương trình, đặc biệt là kinh nghiệm thực tế hữu ích và sự nhiệt tình của các chuyên gia. Nhiều học viên bày tỏ mong muốn được tham gia khóa học sau và được cung cấp nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn cho các môn học chính như Toán và Khoa học, thay vì chỉ giới hạn trong Vật lý và Hoá học.

Các nhân tố tác động đến sự thay đổi về nhận thức của người tham dự được chia vào sáu nhóm, bao gồm: Xây dựng chủ đề và giáo án; Nghiên cứu kiến thức nền tảng của học sinh; Thiết kế và hoàn thành sản phẩm; Chia sẻ và đánh giá sản phẩm; Kiến thức sư phạm; Phát triển chuyên môn.

Phân tích chỉ ra rằng thay đổi trong nhận thức của người tham gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự hướng dẫn kỹ lưỡng trong hoạt động “Xây dựng chủ đề và giáo án” và “Phát triển chuyên môn”. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất “Chương trình phát triển chuyên môn giáo viên” nên được tổ chức tại từng địa phương, nhờ đó giáo viên có thể trực tiếp tham khảo ý kiến và thảo luận cùng đồng nghiệp và học sinh của họ.

Tài liệu tham khảo:

MOET. (2017). Giáo dục STEM trong trường phổ thông: Không chỉ là lý thuyết. Moet.gov.vn. Retrieved 28 September 2020, from https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/CT-GDPT-Tong-The.aspx?ItemID=4683.

Dang, M., Vu, T., Le, X., Nguyen, T., Le, H., & Nguyen, H. (2019). Engineering Experience at University: A Prospective Way to Foster STEM Education for Secondary School in Vietnam. In Innovation in Learning Instruction and Teacher Education - ILITE 1. Vietnam. Retrieved 28 September 2020.

Nguyen, H., Le, X., Nguyen, V., Nguyen, V., Nguyen, T., Thai, H., & Le, H. (2020). Transformative Perceptions of In-Service Teachers towards STEM Education: The Vietnamese Case Study. Voprosy Obrazovaniya / Educational Studies Moscow, (2), 204-229. https://doi.org/10.17323/1814-9545-2020-2-204-229