Thị trường lao động nước ta đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng còn thiếu tính bền vững do tỷ lệ việc làm phi chính thức khá cao.


Tình hình lao động, việc làm quý III có sự cải thiện. Ảnh:congthuong.vn/

Đó là con số do Tổng cục Thống kê công bố tại họp báo hôm 6/10 về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2020.

Nhìn chung, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động đều có sự cải thiện so với quý trước dù vẫn thấp hơn so với mức cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 53,3 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258 nghìn đồng so với quý trước và giảm 115 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị là là 4,0%, giảm 0,46 điểm phần trăm so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III các năm giai đoạn 2011-2020 chia theo thành thị, nông thôn. Đơn vị: %. Nguồn: TCTK

Giải thích thêm về tỷ lệ thất nghiệp, bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế ILO Việt Nam, cho biết, đây là chỉ số quan trọng và thường được quan tâm nhiều nhất khi thị trường lao động có những cú sốc như đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nó không cung cấp cho chúng ta toàn bộ thông tin về thị trường lao động.

“Ví dụ, nếu một người đột nhiên mất việc, họ có thể lựa chọn tìm kiếm việc làm khác hoặc không làm việc nữa vì nhiều nguyên nhân như phải ở nhà trông con. Những người quyết định tiếp tục tìm việc sẽ được coi là những người thất nghiệp, còn những người quyết định không tìm việc nữa thì sẽ được xếp vào nhóm không tham gia vào thị trường lao động. Điều này dẫn đến việc, trong quý III, chúng ta mất hơn 1 triệu người trong lực lượng lao động nhưng tỉ lệ thất nghiệp lại không tăng nhiều”, bà Valentina Barcucci nói.

Để đánh giá tình hình, theo bà Valentina Barcucci, cần nhìn sâu vào bản chất của thị trường lao động thông qua nhiều chỉ số khác như đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam, đặc điểm của các nhóm tham gia và không tham gia vào thị trường lao động, “công việc của họ có tốt không, chất lượng, điều kiện làm việc của họ như thế nào hoặc tại sao họ quyết định rời khỏi thị trường lao động”.

Sự phục hồi còn thiếu tính bền vững

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, dù tình hình có khởi sắc, song tỷ lệ việc làm phi chính thức lại tăng cao và chiếm đến 57,0%. “Tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng lao động có việc làm chính thức (tương ứng là 5,8% và 0,8%), cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định.

Dự đoán về tình hình lao động - việc làm trong những tháng sắp tới, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ phó Vụ Thống kê dân số và Lao động, nhận định, quý III dù có dịch bùng phát nhưng rõ ràng tình hình kinh tế đã được cải thiện so với quý II. “Nếu đà này được duy trì trong quý IV thì lực lượng lao động sẽ dần được phục hồi và tiếp tục tăng lên so với quý III; số lao động có việc làm sẽ tăng tương ứng; lao động thất nghiệp sẽ giảm đi; các chỉ số liên quan đến chất lượng của người lao động cũng sẽ có khả năng được cải thiện”.

Thêm vào đó, quý IV sắp tới với Tết Nguyên đán gần kề được kỳ vọng sẽ kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh và đem lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động. “Bởi vậy, mục tiêu giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% do Quốc hội đề ra sẽ hoàn toàn có thể đạt được trong năm nay”, đại diện Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết. Tuy nhiên, bà cũng dự đoán, tỉ lệ lao động phi chính thức trong quý tới khó có thể cải thiện do thời điểm cận Tết chủ yếu huy động lực lượng lao động thời vụ.

Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả; tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh; nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế; đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành.

Cũng tại buổi họp báo nói trên, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% số người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.