Cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của EU theo Hiệp đinh EVFTA tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, đó là những sức ép hợp lý để doanh nghiệp trong nước điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt nam phê chuẩn EVFTA và EVIPA với số phiếu gần như tuyệt đối | Ảnh: PLO
Ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt nam phê chuẩn EVFTA và EVIPA với số phiếu gần như tuyệt đối | Ảnh: PLO

Ngày 8/6, Quốc hội khóa XIV tiến hành họp đợt 2, Kỳ họp thứ 9, theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Hà Nội (trước đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 Quốc hội đã họp đợt 1 theo hình thức trực tuyến).

Phiên họp đã tiến hành thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, trong đó 457/457 đại biểu có mặt nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và 461/462 đại biểu có mặt nhất trí thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).

Trước đó, năm 2012, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện PCA là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại và nay trở thành Hiệp định về thương mại EVFTA và Hiệp định về đầu tư EVIPA - những hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích.

Ngày 30/6/2019, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký Hiệp định EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU). Theo thủ tục nội bộ của EU, hai Hiệp định cần được Nghị viện Châu Âu (EP) phê chuẩn và sau đó được Hội đồng Châu Âu (EC) ký duyệt để có hiệu lực.

Đối với EVFTA, ngày 12/2/2020, Nghị viện Châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn với tỷ lệ 63,35% số phiếu tán thành (401 phiếu tán thành, 192 phiếu phản đối và 40 phiếu trắng). Ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng Châu Âu cũng đã phê duyệt EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.

Ngày 20/4/2020, Chính phủ Việt Nam gửi Báo cáo thuyết minh về Hiệp định EVFTA lên Quốc hội.

Sau khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn (ngày 8/6/2020) và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực (dự kiến từ 1/8/2020). Như vậy, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Singapore, có hiệp định thương mại với EU.

Đối với EVIPA, mặc dù Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn (ngày 8/6/2020) nhưng phía EU vẫn đang trong quy trình. EVIPA còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực. Hiệp định này được Việt Nam kỳ vọng có thể thông qua trong năm 2021.

Việt Nam cũng sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện hai Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể đối với việc thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết.

Sức ép cạnh tranh thương mại theo lộ trình

Theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội hôm 20/5/2020, bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định EVFTA có thể mang lại một số thách thức nhất định.

Thứ nhất, cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của EU tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Mặt khác, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Thứ hai, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững... Những việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam, đã và đang được Chính phủ triển khai hết sức chủ động, khẩn trương.

Thứ ba, các cam kết về lao động, trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG), để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động, đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định.

Dự kiến, sau khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU và 65% hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Có tới 99% các loại thuế quan còn lại sẽ được Việt Nam bãi bỏ trong vòng 10 năm và EU bãi bỏ trong vòng 7 năm.