Nhiều nước và khu vực như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Anh, Pháp, Liên Minh châu Âu và Đức đã tuyên bố chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) và các kế hoạch, lộ trình phát triển AI của mình. Khi so sánh chiến lược AI của hai nước Đức và Trung Quốc, chúng ta có những bài học quý giá đáng phải suy ngẫm.
Hình thành mạng lưới trung tâm AI trong nước
Kế hoạch AI của Đức kêu gọi đầu tư 3 tỷ euro đến năm 2025 và hi vọng có thể tăng gấp đôi số tiền này bằng cách thu hút khu vực tư nhân tham gia nhằm biến “Đức và châu Âu trở thành một trung tâm về AI”.
Nhưng con số đó không là gì so với Trung Quốc, tham vọng của họ đến năm 2020 có được ngành công nghiệp lõi về AI trị giá ít nhất 150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 19 tỷ euro), tăng lên 400 tỷ nhân dân tệ (khoảng 50 tỷ euro) vào năm 2025 và đạt 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 125 tỷ euro) vào năm 2030.
Để đo lường các chiến lược, Stefan Heumann, chuyên gia của Viện chính sách Stiftung Neue Verantwortung đã cùng đồng nghiệp công bố một báo cáo năm 2018 mang tên “Benchmarking National AI Strategies” (Tạm dịch: Đối sánh các chiến lược AI quốc gia). Ông đưa ra nhiều cách thức so sánh chiến lược và phân biệt rõ hai loại đo lường - theo đầu vào, như số tiền đầu tư cho AI, và đầu ra, như quy mô ngành AI.
Trong khi Đức đặt một số mục tiêu đầu ra như hình thành mạng lưới quốc gia gồm 12 trung tâm nghiên cứu AI mới, 100 vị trí giảng viên AI mới và một chương trình do chính phủ tài trợ để cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến AI cho 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ hằng năm, thì kế hoạch của Trung Quốc lại đưa ra một danh sách dài những công nghệ cụ thể mà chính phủ muốn có bao gồm những thứ như vườn cây thông minh, vật dụng gia đình với khả năng kết nối và cảm biến nâng cao, hay hệ thống phân loại bưu kiện thông minh.
Để hiện thực hóa, họ thành lập được một tổ hợp gồm 35 trường đại học có chương trình giảng dạy AI. Gần như tất cả các tỉnh và thành phố ven biển đã công bố kế hoạch AI và chuẩn đối sánh của mình. Ít nhất 11 chính quyền địa phương muốn thành lập ngành công nghiệp lõi AI trị giá 400 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, nhiều hơn gấp đôi so với mục tiêu quốc gia.
Giáo dục và thu hút thế hệ tài năng AI kế tiếp
Để tạo ra sự thay đổi rộng rãi và bền vững từ giáo dục, Hiệp hội AI Đức đã đưa ra các khuyến nghị chính sách bao gồm việc đưa chương trình hướng dẫn bắt buộc về khoa học dữ liệu từ lớp 3. Tuy nhiên, kinh phí cho các vị trí ở trường đại học và chương trình giảng dạy của các trường lại do các bang quyết định chứ không phải chính phủ liên bang. Điều này gây lo ngại vì có thể mỗi bang một kế hoạch sẽ làm kế hoạch tổng thể bị chắp vá, không thống nhất. Theo góc nhìn của Heumann, các bang ở Đức đang gấp rút thành lập những tổ chức mới để có thể sẵn sàng nộp đơn xin quỹ liên bang.
Kế hoạch AI của Đức cũng kêu gọi thu hút các nhà nghiên cứu Đức đang làm việc ở nước ngoài. Đức có kế hoạch tuyển dụng 30 giảng viên quốc tế mới thông qua chương trình Học bổng giáo sư Alexander von Humboldt từ nay đến năm 2024 (tức 6 giảng viên mới mỗi năm). Chương trình này đi kèm với quỹ đầu tư cho khởi nghiệp trị giá 3,5 triệu hoặc 5 triệu euro, tùy thuộc vào bản chất của nghiên cứu.
Còn Trung Quốc cũng ráo riết tuyển dụng thông qua “Kế hoạch ngàn nhân tài” từ trước khi đưa ra chiến lược AI cả một thập kỷ (cái tên đã cho thấy quy mô tham vọng Trung Quốc), nhằm tìm cách thu hút các nhà khoa học tài năng được đào tạo ở nước ngoài. Các dự án cũng đi kèm với những quỹ đầu tư khởi nghiệp từ 500.000 nhân dân tệ (khoảng 63.000 euro) đến 1.000.000 nhân dân tệ (khoảng 127.000 euro), trong đó ưu tiên các cơ chế tài trợ khác. Như vậy, mặc dù kinh phí ban đầu ở Trung Quốc có vẻ khiêm tốn hơn Đức nhưng các dự án lại đang được thực hiện ở quy mô lớn hơn nhiều.
Số hoá dữ liệu
Quá trình số hóa dữ liệu ở các doanh nghiệp cũng đặt ra thách thức mới.Nền kinh tế của Đức chủ yếu được thúc đẩy bởi những “nhà vô địch ẩn danh” là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những người chế tạo máy tại các thị trấn nhỏ nhưng dẫn đầu thị trường toàn cầu cho những sản phẩm cụ thể của mình. Nhưng “vì quy mô doanh nghiệp khá nhỏ, họ thiếu các tài nguyên, chẳng hạn không thể có được chuyên gia dữ liệu của riêng mình”, Heumann nói. Để giải quyết vấn đề đó, Chính phủ Đức đã thiết lập các “trung tâm số hóa” tích hợp với một chương trình tư vấn mới được nêu trong chiến lược AI nhằm hỗ trợ số hóa cho 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ hằng năm. Tuy nhiên, việc thực hiện điều này có thể khó khăn bởi loại nhân lực chuyên môn này đang cực kì thiếu trên thị trường, trong khi các hãng tư vấn hoặc tập đoàn lớn đang ra sức mua hết những tài năng đó. Bên cạnh đó, một trở ngại khác phát sinh từ một hệ sinh thái như vậy là các bộ dữ liệu nhỏ được giữ trong nhiều kho cách biệt.
Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng hồ sơ của các nhóm dữ liệu. Ở một số lĩnh vực nhất định, họ thậm chí đã định vị chúng rất tốt cho việc phát triển các công nghệ dựa trên dữ liệu. Ví dụ, Weixin (WeChat) của Trung Quốc là một ứng dụng đặc biệt mạnh trong việc nắm bắt nhiều loại thông tin trên cùng một người dùng thông qua tích hợp một loạt ứng dụng trong một “siêu ứng dụng”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có thể nắm được dữ liệu đa dạng người dùng hay không bởi các ứng dụng của Trung Quốc vẫn chỉ thành công hạn chế trên thị trường quốc tế và dữ liệu thu thập được liệu có đủ chất lượng để đào tạo AI?
Quân đội và an ninh
Heumann chỉ ra rằng kế hoạch AI của Đức đều thiếu vắng các ứng dụng quân sự và an ninh. Điều này trái ngược hoàn toàn với bức tranh chính trị và chính sách của Trung Quốc. Tham vọng quân sự là một yếu tố chính để thúc đẩy AI của quốc gia này. Trung Quốc đã thành lập một cơ quan đặc biệt là Ủy ban Trung ương về Phát triển Quân sự và Dân sự Tích hợp để tạo thuận lợi cho quá trình trên.
Để phục vụ mục đích đó, Trung Quốc đang mượn ý tưởng từ mô hình ‘tổ hợp công nghiệp-quân sự’ của Mỹ và tài trợ từ các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon. Các trường đại học cũng đang đảm nhận nhiệm vụ [hỗ trợ quân sự], như Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thanh Hoa đã từng nêu trong bài phát biểu vào tháng 6/2018.
Trong cuộc đua dẫn đầu về AI, khi Trung Quốc chuẩn bị từ rất sớm, thì Đức đã tham gia khá muộn (cuối năm 2018) Theo như nhận xét của chuyên gia về AI như Kai-Fu Lee, người từng làm trưởng đại diện của Google tại Trung Quốc, triển vọng Đức nói riêng và châu Âu nói chung có thể cạnh tranh toàn cầu trên lĩnh vực AI với Trung Quốc thực sự ảm đạm.
Chú thích:
Phong Du lược dịch từ bài viết “Germany has an AI strategy: How does it stack up against China’s” của Michael Laha, đăng ngày 3/10/2019 trên trang The Asia Dialogue của Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nottingham, UK.
*Tác giả Michael Laha là cán bộ chương trình của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Asia Society về quan hệ Mỹ-Trung tại New York.