Giữa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, vốn được tạo ra từ những thói quen canh tác quen thuộc của người nông dân, với các tiêu chuẩn cao đi kèm với những hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính là một khoảng cách rộng. Do đó, bộ tiêu chuẩn LocalGap được kỳ vọng có thể đáp ứng vai trò “cầu nối” đưa những sản phẩm đó gia nhập thị trường quốc tế.

Bà Vũ Kim Hạnh, (trái) chủ tịch HDNHVNCLC cùng bà Từ Thu Hiền, Tổ chức Hỗ trợ dân tộc thiểu số cải thiện sinh kế, thuộc Ủy ban Dân tộc Quốc hội ký kết tập huấn LocalGap.
Bà Vũ Kim Hạnh, (trái) chủ tịch HDNHVNCLC cùng bà Từ Thu Hiền, Tổ chức Hỗ trợ dân tộc thiểu số cải thiện sinh kế, thuộc Ủy ban Dân tộc Quốc hội ký kết tập huấn LocalGap.

Tưởng như nông sản Việt đang đứng trước những cơ hội to lớn sau một loạt các hiệp định thương mại mới phê chuẩn như CPTPP và mới đây nhất là EVFTA, nhưng trên thực tế điều kiện tiên quyết để người nông dân có thể chinh phục những thị trường khó tính này vẫn là phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng và thực hành sản xuất đồng thời được chứng nhận bởi các tổ chức uy tín như GlobalGap.

Nhưng GlobalGap dường như vẫn là ngưỡng cửa quá cao so với người nông dân và đa số doanh nghiệp Việt. 222 tiêu chí của GlobalGap yêu cầu phải đảm bảo cả chất lượng như thực phẩm an toàn, lành mạnh, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Thậm chí bộ tiêu chí này đòi hỏi người nông dân và doanh nghiệp đảm bảo một quá trình sản xuất bền vững, không tác động xấu đến môi trường cũng như quyền lợi người lao động, đặc biệt là nữ giới – đều là những khái niệm vẫn còn xa lạ với đa phần người nông dân và nhà sản xuất nhỏ lẻ ở Việt Nam.

Không dễ gì nông dân và doanh nghiệp Việt “đột ngột” chuyển từ sản xuất hàng hóa chưa chuẩn như trước đây sang một thực hành chặt chẽ và khắt khe ngay được. Chỉ thời gian rất ngắn mới đây, nông sản Việt đã “lĩnh” hàng trăm thư cảnh báo của FDA, trong đó chủ yếu là cảnh báo với các mặt hàng thủy sản, rau quả, theo thông tin khảo sát của Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp, Bộ NN&PTNT vào năm 2017. Chưa kể, các sản phẩm cũng vẫn chưa thực sự thuyết phục được chính người tiêu dùng trong nước, có tới 53% người tiêu dùng cho biết nghi ngờ nông sản tươi mình mua không đảm bảo chất lượng nhưng “bắt buộc” phải sử dụng vì chưa tìm được nguồn nông sản đủ tin tưởng hơn, và có khoảng ¼ số người được hỏi nghi ngờ dư lượng chất cấm trong hầu hết các thực phẩm sử dụng hằng ngày (kết quả điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2017 của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao).

Trong bối cảnh đó, người nông dân Việt rất cần được tiếp cận với một tiêu chuẩn bớt ngặt nghèo hơn so với GlobalGap nhưng vẫn phải được thị trường quốc tế chấp nhận. LocalGap chính là câu trả lời cho nhu cầu cấp thiết này.

Dừng như đã thấy trước thử thách to lớn này, từ hai năm nay, để giúp người nông dân và doanh nghiệp thoát khỏi thế “bị động”, làm quen dần với các tiêu chuẩn quốc tế, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC) đã xây dựng Bộ tiêu chí LocalGap để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác quốc tế.

LocalGap sử dụng 129/222 tiêu chí, bao gồm những tiêu chí cốt lõi về chất lượng sản phẩm của Global Gap, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân cải tiến hiệu quả quản lý trang trại, vùng sản xuất, giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. HDNHVNCLC đã ký kết hợp tác và được GlobalGap công nhận là thành viên kể từ năm 2018, đồng thời đã chấp nhận bộ tiêu chuẩn LocalGap của Hội. Nên kể từ năm 2018, những doanh nghiệp đạt chuẩn LocalGap sẽ được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của GlobalGap (cụ thể mỗi doanh nghiệp sẽ được GlobalGap cấp một mã số Localgap number để người mua hàng và các nhà bán lẻ dễ dàng kiểm tra tính an toàn của sản phẩm).

Như vậy, khi thực hành sản xuất theo bộ tiêu chí này, người dân và doanh nghiệp Việt có thể chứng thực quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn, thông qua đó đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào các thị trường địa phương, khu vực… LocalGap là bước đệm cho nông dân dần thích nghi với các tiêu chuẩn cao của các chứng nhận kỹ thuật như GlobalGap hoặc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khác (vì Global Gap có thể hợp chuẩn với các tiêu chuẩn phổ biến khác trên thế giới). Khi doanh nghiệp và người dân đáp ứng được bộ công cụ này cùng với các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc thì đã đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.


LocalGap là bước đệm cho nông dân dần thích nghi với các tiêu chuẩn cao của các chứng nhận kỹ thuật như GlobalGap hoặc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khác (vì Global Gap có thể hợp chuẩn với các tiêu chuẩn phổ biến khác trên thế giới).

Hội đồng chuyên gia (gồm các chuyên gia của Tổng cục Đo lường chất lượng giới thiệu, Trung tâm chứng nhận phù hợp QUACERT, Sở KH&CN TP HCM và chuyên gia của từng nhóm ngành thực phẩm) sẽ lựa chọn và đánh giá từng doanh nghiệp có thực hành đầy đủ các tiêu chí của LocalGap đưa ra hay không.

Nhưng đưa LocalGap trở thành một thực hành thường xuyên, duy trì liên tục từ ruộng đồng đến siêu thị lại là một câu chuyện khác bởi nếu không được người dân áp dụng, bộ tiêu chuẩn này cũng có thể lặp lại thất bại như những bộ tiêu chí khác hoặc ít có tính lan tỏa. Và như vậy, cơ hội vào châu Âu hoặc các thị trường khác, ngay cả Trung Quốc vẫn còn rất hẹp. Làm sao để người nông dân quan tâm thực hành trong khi họ vốn “trồng dựa trên kinh nghiệm chứ không căn cứ vào quy trình khoa học, xịt thuốc bảo vệ thực vật thường phải dùng loại xịt xong sâu lăn quèo ra chết ngay, vốn quen bán ra chợ hơn là bán cho hợp tác xã để đưa vào siêu thị” – như bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chuyên gia của HDNHVNCLC kể.

Do đó, chuyên gia của Hội lại lặn lội xuống từng hợp tác xã, gặp từng nông hộ để thuyết phục người nông dân theo cách “cầm tay chỉ việc”, chỉ ra lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn mới này và cùng nông dân thực hành một cách “trơn tru” thay cho thói quen cũ. Thậm chí ngay cả các hợp tác xã cũng không có chuyên môn nên chuyên gia lại phải kiêm luôn tư vấn lại cho quy trình sản xuất cho cả hợp tác xã. Trước nhiều khó khăn và bỡ ngỡ như vậy nên bước đầu Hội và các tổ chức quốc tế mới hỗ trợ được cho hai hợp tác xã sản xuất lúa và trồng nhãn ở Đồng Tháp, tháng bảy tới đây sẽ được trao hai đánh giá chứng nhận đầu tiên của LocalGap.

Sau bước khởi đầu này, Hội sẽ tiếp tục cùng với Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác thuộc Trường Cán bộ Quản lý của NN&PTNT phía Nam, Tổ chức Hỗ trợ dân tộc thiểu số cải thiện sinh kế, thuộc Ủy ban Dân tộc Quốc hội cùng tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cho nhiều lãnh đạo, xã viên các HTX sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Trước những nỗ lực này của Hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá những chuẩn bị rất sớm từ ngay trước khi EVFTA được phê chuẩn là cách tiếp cận rất kịp thời khi yêu cầu của người tiêu dùng – cả nước ngoài và trong nước ngày càng cao. Những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, chẳng hạn như ngay cả nông sản đi Trung Quốc cũng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, không chỉ là một hàng rào kỹ thuật mà còn thể hiện nhu cầu của người tiêu dùng đã nâng cao lên rất nhiều. “Do đó khi doanh nghiệp đạt được các tiêu chí này là đã đạt được niềm tin của người tiêu dùng lẫn tiêu chuẩn về khoa học kỹ thuật. Người Việt Nam cũng được sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, chứ không phải là có tình trạng có luống rau chuyên xuất khẩu và để bán nội địa”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói. Bộ tiêu chí này giúp người tiêu dùng Việt Nam – lâu nay chưa thực sự được quan tâm chú ý - cũng được sử dụng hàng hóa có chất lượng cao với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ trưởng cũng đánh giá, bộ tiêu chí mới này cũng thể hiện cách làm mới của cơ quan quản lý nhà nước với một hiệp hội, với doanh nghiệp. “Trước đây chúng ta thường thấy có một khoảng cách khá lớn giữa cơ quan quản lý nhà nước với người nông dân. Với vai trò trung giang của Hiệp hội, thì khoảng cách này đã được giảm đi rất nhiều”, ông nói. Cụ thể, Bộ KH&CN đã thường xuyên và sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên gia về tiêu chuẩn, đồng hành cùng HDNHVNCLC.