Các nhà khoa học Tây Ban Nha đang “ăn mừng” một cách cẩn trọng về một cú thúc đẩy đáng chú ý cho ngân sách đầu tư cho khoa học của họ với hi vọng có thể tái thiết hệ thống khoa học quốc gia này, đảo ngược những thiệt hại sau một thập kỷ bị cắt giảm đầu tư.
Mới đây, Chính phủ Tây Ban Nha đã trình bày trước nghị viện các hạng mục ngân sách đầu tư năm 2021, trong đó có ngân sách cho Bộ Khoa học tăng gần 60% với năm 2020. Nếu được chấp thuận, cú thúc đẩy bất ngờ này có thể tăng ngân sách của Bộ Khoa học lên 3,2 tỉ euro (tương đương 3,8 tỉ USD) – khoản chi lớn nhất từ trước đến nay mà chính phủ nước này dành cho khoa học.
Chiếm phần lớn trong khoản tăng thêm của ngân sách năm tới là từ chương trình Châu Âu Thế hệ mới (NextGenerationEU), một chương trình dành cho các quốc gia thành viên bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, Tây Ban Nha sẽ nhận được 140 tỉ euro từ Liên minh châu Âu trong vòng sáu năm, một nửa dưới hình thức các khoản tài trợ theo dự án. Vào năm 2021, Chính phủ Tây Ban Nha cam kết trao 1,1 tỉ euro từ ngân sách của EU cho Bộ Khoa học, cùng với 2,1 tỉ euro từ kho bạc chính phủ. Một phần khác từ ngân sách của EU sẽ được rót cho khoa học thông qua ngân sách cả các bộ khác.
‘Tiền đầu tư cho khoa học là một tin tốt lành”, Jorge Barrero, Tổng giám đốc Quỹ Đổi mới sáng tạo Cotec ở Madrid - nơi đầu năm nay đã công bố một báo cáo về tình hình nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Tây Ban Nha – nhận định. “Nhưng cũng hơi buồn là một con virus đã cứu một nền khoa học trong khi khoa học cần phải cứu chúng ta khỏi con virus này mới phải”.
Tái thiết hệ thống khoa học
Nhiều nhà nghiên cứu hi vọng tiền sẽ giúp xây lại những phần quan trọng của hệ thống nghiên cứu đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Sau những năm rủng rỉnh đầu tư, đặc biệt là mức 2,6 tỉ euro vào năm 2009, những biện pháp thắt lưng buộc bụng đã được tiến hành khiến ngân sách đầu tư cho khoa học chỉ còn một nửa như năm 2013. Khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, đáng ngạc nhiên là các khoản chi cho khoa học lại không ở mức tỉ lệ thuận. Do đó, số lượng các nhà khoa học ở Tây Ban Nga đã giảm xuống từ 135.000 người trong năm 2010 xuống 122.000 vào năm 2015; đáng buồn là nhiều nhà nghiên cứu ở giai đoạn đầu sự nghiệp đã rời lĩnh vực khoa học. Kết quả là Tây Ban Nha đã mất đi một thế hệ các nhà khoa học, Barrero nói, và nhiều nhà nghiên cứu rơi vào trạng thái thất vọng.
Trong niềm vui mới, kinh phí có thể giúp nhiều viện nghiên cứu đang lâm vào cảnh thiếu đầu tư đổi mới cơ sở nghiên cứu và tuyển người mới. Một trong số đó là Viện Nghiên cứu vật lý thiên văn Canary (IAC) tại Santa Cruz de Tenerife, nơi chờ đợi khoản ngân sách được đầu tư tăng gần gấp đôi với con số 19,2 triệu euro. “Chúng tôi lập kế hoạch hiện đại hóa các phòng thí nghiệm và xây dựng một trung tâm mới về các hệ quang học tiên tiến,” giám đốc IAC Rafael Rebolo cho biết. “Đã 12 năm hoặc 13 năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi bắt đầu đề xuất kế hoạch này”.
Nhưng có thể đã có nhiều ngân sách cho các khoản tài trợ cạnh tranh thông qua việc nộp hồ sơ đề xuất tài trợ, Luís Serrano, một thành viên của ban điều phối SOMMa, một liên minh các trung tâm nghiên cứu tại Tây Ban Nha. Cơ quan nghiên cứu quốc gia (AEI), tổ chức tài trợ chính cho khoa học Tây Ban Nha, được ấn định sẽ nhận 29% số tăng thêm, qua đó nhận được tổng ngân sách là 825 triệu euro. Serrano nói tổng số tiền lẽ ra có thể tăng lên gấp đôi để tương đương với mức cao nhất trong lịch sử khoa học quốc gia này vào năm 2007.
Nhiều nhà khoa học, trong đó có Serrano, đều lo ngại đến một ngày, khoản kinh phí tăng thêm có thể không bền vững, sau khi tiền của châu Âu không còn rót vào nữa. “Nếu họ trao cho anh số tiền đủ tiêu trong 18 tháng, anh sẽ thuê được người và sau đó có thể phải sa thải họ bởi kinh phí không còn đủ duy trì nữa,” Serrano cảnh báo khả năng có thể xảy ra.
Chính phủ “chống lưng”
Dẫu vậy thì theo các nhà nghiên cứu, việc thúc đẩy đầu tư cho khoa học phản ánh môt cách tích cực việc quản trị đất nước của Thủ tướng Pedro Sánchez, người dẫn dắt chính phủ liên minh cánh tả. Khi ông cầm quyền vào năm 2018, ông tái xây dựng Bộ Khoa học, vốn bị người tiền nhiệm bảo thủ của mình loại bỏ, và bổ nhiệm Pedro Duque, một nhà du hành vũ trụ Tây Ban Nha, làm Bộ trưởng.
Ông Duque cho biết, ông lên kế hoạch về việc ngân sách khoa học sẽ gia tăng hằng năm, và cuối cùng thì toàn bộ ngân sách đều từ Chính phủ Tây Ban Nha, không còn phụ thuộc vào EC nữa. Ông cũng hi vọng chính phủ sẽ dành 1,25% GDP cho khoa học vào năm 2030. Với sự đầu tư của khối tư nhân, có thể con số này sẽ tăng lên 3% GDP – một mục tiêu mà châu Âu sẽ đặt ra cho việc đầu tư cho R&D.
Duque đang hoàn tất một đề xuất tạo ra các suất “biên chế” với các nhà khoa học – một điều mong muốn từ lâu của cộng đồng khoa học. Để tạo ra sự thu hút của hệ thống KH&CN Tây Ban Nha, các nhà khoa học phải có được niềm tin vào sự ổn định trong nghề nghiệp mà họ sẽ theo đuổi, theo giải thích của Cristina Murcia García, chủ tịch CERFA, Hội Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha tại Đức.
Ngân sách dự định cho năm tới phải được nghị viện thông qua. Duque tự tin là nó sẽ được chấp thuận bởi vì mọt ngân sách mà chính phủ đề xuất là trên số tiền mà EC rót vào. Truyền thông Tây Ban Nha cho biết chính phủ đặt mục tiêu thông qua ngân sách trước khi vùng Catalan bầu cử, dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 2/2021.
Khoa học cũng như y tế và giáo dục, cần được sự ủng hộ lớn lao của xã hội; chúng tôi cần một cam kết của chính phủ để đảm bảo cho điều đó thực sự diễn ra”, Alicia Durán, một nhà vật lý có uy tín của Tây Ban Nha, làm việc tại Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), nói. Năm 2018, bà từng ký vào một bản kiến nghị của các nhà khoa học gửi nghị viện Tây Ban Nha phản đối việc cắt giảm đầu tư cho khoa học. Khi đó, Liên đoàn các tổ chức khoa học Tây Ban Nha (COSCE) đã phân tích và đê xuất là mức tài trợ tiêu chuẩn cho khoa học cơ bản phải tăng lên tới 226 triệu euro để đạt tới con số 2,8 tỉ euro. Khi đó, bà cho rằng, “Chúng tôi ước tính là mỗi năm cần tăng khoảng 525 triệu euro để tới năm 2020 có thể đạt tới mức như năm 2009”.. |