Mối quan hệ hợp tác công tư được thiết lập thông qua Horizon Europe, chương trình tài trợ cho khoa học lớn nhất châu Âu, sẽ có thể giúp lĩnh vực vận tải tưởng chừng cũ kỹ này trở thành một lĩnh vực vận tải dẫn đầu thế giới.

Năm 2021 sẽ là năm đường sắt châu Âu. Nguồn: EC
Năm 2021 sẽ là năm đường sắt châu Âu. Nguồn: EC

Hợp tác công tư để “xanh hóa” đường sắt

Vận tải hiện giờ là lĩnh vực duy nhất trong nền kinh tế châu Âu mà sự phát thải khí nhà kính vẫn còn đang không ngừng tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến kế hoạch giảm phát thải theo cam kết Paris về biến đổi khí hậu. Vì vậy, Hội đồng châu Âu và các thành viên nghị viện châu Âu đã đồng ý về một kế hoạch thiết kế những chuyến tàu có thể chở được nhiều người và hàng hóa hơn. Andreas Scheuer, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đức, hi vọng những con tàu đó đáp ứng được những yêu cầu lớn về môi trường trong lĩnh vực vận tải, như trung hòa khí carbon để giảm tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường hiệu quả năng lượng và độ an toàn.

Đức, một trong những quốc gia có tuyến đường sắt kết nối nhiều quốc gia bậc nhất châu Âu và dành nhiều kinh phí hỗ trợ ngành đường sắt nhất, hiện đang đảm nhiệm chức vụ chủ tịch EU luân phiên, đang thiết lập một nền tảng chính sách hỗ trợ ngành đường sắt nhằm hồi sinh mạng lưới tàu tốc hành Trans-Europ mang tính biểu tượng trên khắp châu lục này.

"Các chính sách này sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích lập ra cái gì đó mới mẻ, chuyển đổi hệ thống đường sắt truyền thống và lỗi thời thành hiện đại hơn”, Enno Wiebe, giám đốc kỹ thuật của Cộng đồng Đường sắt và các công ty cơ sở hạ tầng châu Âu (CER), một trong nhưng tổ chức công nghiệp tham gia mối quan hệ hợp tác này nhấn mạnh. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, giao thông vận tải “không thể làm đảo lộn mọi thứ như mong muốn được”. Nó cần phải là một cuộc cách mạng chứ không hẳn là sự cải tiến đơn thuần. Những cơ sở hạ tầng hiện có cần được chỉnh trang, nâng cấp nhưng lại không được phép làm gián đoạn dịch vụ.

“Tại thời điểm này, câu chuyện cải cách của đường sắt có ý nghĩa sống còn”, Wiebe nói. Đại dịch Covid-19 đã là thay đổi các mẫu hình vận chuyển. Trong khi phần lớn mọi người ít lựa chọn đường sắt cho các chuyến công cán và đi lại thông thường thì các chuyến đi lại vào kỳ nghỉ cuối tuần lại trở nên phổ biến hơn. Ngành công nghiệp này đành phải chấp nhận sự thật đó và tập trung vào một lớp nhu cầu khác của giao thông vận tải, dù nó phức tạp hơn.

Thúc đẩy cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo

Kế hoạch mới được xây dựng trên cơ sở Shift2Rail, dự án thuộc Horizon 2020 nhằm mục tiêu sáng tạo và liên kết mạng lưới đường sắt châu Âu bằng việc loại bỏ các chướng ngại kỹ thuật để có thể liên vận hành và đặt các nên tảng cho việc hoàn thiện các công nghệ số và công nghệ “xanh”. “Một thành công chính của Shift2Rail là tạo cầu nối cho tất cả các bên liên quan đến đường sắt châu Âu lại để tinh chỉnh chiến lược phát triển và làm việc cùng nhau, qua đó đem đến những đổi mới sáng tạo,” Furio nhận xét.

Shift2Rail có một khoản ngân sách 920 triệu euro trong vòng bảy năm. Do đó giới công nghiệp mong muốn chương trình mới có kinh phí lớn hơn, họ kêu gọi châu Âu một khoản ngân sách 1,5 tỷ euro, dự kiến một nửa từ Horizon Europe và nửa còn lại từ ngành công nghiệp.“Chúng tôi hi vọng Hội đồng châu Âu sẽ ủng hộ đề xuất này vì mục tiêu giảm phát thải carbon cho ngành vận tải,” Furio nói. “Đường sắt là phương thức vận tải duy nhất giảm thiểu được phát thải mà vẫn có thể tăng được hành khách cũng như số lượng hàng hóa, và cả việc cải thiện hiệu suất điện năng”.

“Yêu cầu này đan xen giữa tham vọng và thực tế”, Wiebe nhận xét. ”Nếu chúng ta đặt nó vào bối cảnh Thỏa thuận Xanh và cần một khoản ngân sách nhất định cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, cùng với một ngân sách cho triển khai công việc để đưa các kết quả đó vào thực tế”.

Tuy cần nhiều tiền nhưng ông Furio lưu ý “Vận tải đường sắt là trục chính của di chuyển trong tương lai Có thể thấy điều này qua báo cáo của Hội đồng tư vấn nghiên cứu đường sắt châu Âu cho tầm nhìn 2050”.

Các nhà hoạch định chính sách và các nhà công nghiệp đang hi vọng, bằng các giải pháp như các máy bán vé số hóa và sử dụng công nghệ mới để tăng cường tốc độ bảo trì, gia tăng tuổi thọ cơ sở hạ tầng đã bị lão hóa. Ngành công nghiệp cho rằng vận tải đường sắt sẽ trở thành sự lựa chọn số một cho các khách du lịch và vận chuyển hàng hóa quanh châu Âu, khi hoàn tất những điều đó.

Các hệ thống đường sắt phải có sự liên kết tốt hơn với những phương thức vận tải khác. Thông thường, một chuyến đi từ A đến B bao gồm nhiều phương thức vận chuyển, trong đó các chuyến tàu lại không thể thay thế. Sự kết nối tốt hơn sẽ đóng vai trò quyết định trong việc tăng sức cạnh tranh của đường sắt, Furio phân tích.

Xét về phạm vi toàn cầu, châu Âu đang dẫn đầu về công nghệ trong hệ thống đường sắt. Tuy nhiên, những kẻ cạnh tranh mới đang xuất hiện với sự hỗ trợ rất lớn của chính phủ. Đây là thách thức đối với các công ty châu Âu và làm giảm đi sức cạnh tranh của họ. “Với chúng tôi, quan trọng là nhận được hỗ trợ của EU để chúng tôi có thể giữ vững vị trí dẫn đầu về cung cấp công nghệ,” Furio nói.

Các hệ thống đường ray có quãng thời gian sử dụng rất dài và để đạt tới các mục tiêu môi trường ở năm 2050, dự án mới với mối quan hệ đối tác mới phải bắt đầu cải thiện công nghệ ngay từ bây giờ. “Chúng ta không làm việc với các con búp bê Barbie,” Wiebe nói. “Barbie thì chỉ tồn tại có hai đến ba năm và sau đó là phải mua mới. Với một đoàn tàu, vòng đời vào khoảng 15 đến 20 năm.”

Mở với tất cả

Mạng lưới đường sắt lan tỏa khắp châu Âu, từ Lisbon đến Helsinki, Bucharest. Điều này cũng giữ cho cân bằng địa lý trong mối quan hệ đối tác công tư sẽ đóng vai trò chính để triển khai công nghệ mới trên khắp lục địa. “Tất cả đều được kết nối với nhau nên chúng ta cần những đối tác tham gia có khả năng tương đương nhau ở mọi nơi. Tuy nhiên thách thức là “tình hình ở châu Âu không thực sự cân bằng như trên bản đồ ngành đường sắt”, Wiebe nói, hàm ý đến việc bên cạnh một số hệ thống đường sắt rất hiện đại thì vẫn tồn tại những hệ thống khác ở chất lượng rất tệ.

Các đối tác sẽ phải ngồi lại với nhau. Việc hợp tác giữa họ sẽ vận hành dưới hai trụ cột là hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt và đổi mới sáng tạo, do đó cần phát triển kiến ​​trúc cho hệ thống đường sắt châu Âu trước, sau đó sẽ cung cấp những tiến bộ kỹ thuật để hỗ trợ.

Furio hy vọng trụ cột hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ có sự tham gia của các bên liên quan từ tất cả các nước EU, bao gồm cả những nước không có khả năng đóng góp tài chính, còn những quốc gia có khả năng đóng góp tài chính sẽ dẫn dắt sự phát triển của công nghệ.

“Chúng tôi cần đảm bảo đầu tư từ khu vực tư nhân, nhưng cũng cần có sự linh hoạt trong chương trình để đảm bảo bên nào cũng có thể tham gia vào cuộc chơi và tiếp cận các hoạt động đổi mới này. Chúng tôi hy vọng sẽ có một số quy định linh hoạt ở Horizon Europe cho phép thực hiện mục tiêu này”, Furio nói.

“Mặc dù không thể đưa tất cả các quốc gia vào cuộc chơi này thì chúng tôi vẫn muốn đảm bảo rằng họ được hưởng lợi từ kết quả và việc triển khai,” Wiebe nói.

Nguồn: sciencebusiness.net, consilium.europa.eu