Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục không phải là một giáo trình hay công thức để những bộ trưởng giáo dục có thể áp dụng và trở nên thành công hơn, nhưng nó có thể góp phần nuôi dưỡng tinh thần vì giáo dục.

Giáo dục là hệ thống công lớn nhất ở hầu hết mọi quốc gia, tác động đến cuộc sống của mọi công dân trong cả hiện tại lẫn tương lai. Rõ ràng, việc quản trị cả một hệ thống lớn như vậy để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững là một điều vô cùng phức tạp. Các chương trình, cơ hội phát triển chuyên môn cho lãnh đạo các hệ thống giáo dục lại thường đến với họ khi họ đã nắm quyền một thời gian và bị bủa vây bởi các mớ bòng bong. Có lẽ, Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục cũng không phải là một giáo trình hay công thức để những bộ trưởng giáo dục có thể áp dụng và trở nên thành công hơn. Tuy nhiên, nó có thể góp phần nuôi dưỡng những tinh thần vì giáo dục, bất kể là ở một quan chức, nhà quản lí giáo dục, giáo viên, phụ huynh, hay nhà giáo dục tương lai. Sự chiêm nhiệm của những nhà lãnh đạo cấp cao về những bài học xương máu, những vui mừng và nuối tiếc của họ chính là những thông điệp rõ ràng nhất để mỗi cá nhân liên quan tới giáo dục thấu hiểu thêm các góc nhìn của người khác, từ đó thực sự trân trọng tính cộng tác để hướng tới những mục tiêu chung.

Cuốn sách là tác phẩm đầu tiên thuộc Tủ sách Giáo dục do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) và Công ty Cổ phần Xuất bản và Dữ liệu ETS thuộc Alpha Publishing Group hợp tác triển khai với mong muốn lan tỏa tinh thần đổi mới cũng như sự ủng hộ và trợ giúp đối với những người làm giáo dục trong nước.

Cuốn sách bao gồm 19 chương, trong đó tác giả biên tập Fernando Reimers dành chương mở đầu để đúc rút những bài học ông thu nhận được từ 18 lá thư mà các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao…) gửi tới những người kế nhiệm. GS Fernando Reimers đồng thời là giảng viên của Chương trình Đào tạo Bộ trưởng Harvard, với các hoạt động xây dựng năng lực lãnh đạo cho các Bộ trưởng Giáo dục, Y tế, Kế hoạch và Tài chính. Bởi vậy, các chiêm nghiệm của ông có tính bao quát và kết nối thực tiễn. Trước hết, Reimers đã phác hoạ bản chất ‘hỗn độn’ của những thách thức về chuyển đổi giáo dục, bao gồm: (i) Các thách thức luôn phức tạp, còn năng lực luôn hạn chế; (ii) Các thách thức mang tính hệ thống; (iii) Cải tổ giáo dục cần phải có thời gian; (iv) Mọi thứ đều xoay quanh con người; (v) Tư duy là điều tối quan trọng; (vi) Niềm tin là chìa khoá; và (vii) Nỗi sợ hãi là rào cản. Từ các quan sát quá trình thực hành của các nhà lãnh đạo tham gia vào Chương trình đào tạo Bộ trưởng Harvard, cũng như các học viên Thạc sĩ về Chính sách Giáo dục Quốc tế, Reimers đã rút ra 10 nguyên lý đặc trưng cho cách thức giải quyết thách thức của các nhà lãnh đạo giáo dục. Trong đó, nguyên lý đầu tiên là về tính đạo đức của các nhà lãnh đạo; và nguyên lý cuối cùng kêu gọi bản thân các nhà lãnh đạo phải trở thành những người học tập suốt đời.

Phần chính của cuốn sách là 18 lá thư được viết bởi cựu lãnh đạo cao cấp của các hệ thống giáo dục trên khắp thế giới. Có những bức thư đề cập đến những vấn đề kỹ thuật (technical challenges) – các vấn đề rõ ràng, tuy phức tạp nhưng có thể giải quyết được với chuyên môn và nguồn lực phù hợp. Bên cạnh đó, có những thông điệp về những vấn đề mang tính thích ứng (adaptive challenges) – những khoảng trống dai dẳng giữa khát khao và thực tế, những vấn đề lặp đi lặp lại, cần phải tìm tòi, mổ xẻ với nhiều thời gian và tâm sức.

Tiết học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong năm học 2019-2020. Ảnh: INT

Người đọc có thể tìm được cách tiếp cận từ tốn và vững chắc để tránh bị lôi vào tham vọng của các nhà nghiên cứu, rằng “những phát hiện từ các dự án nghiên cứu của riêng họ sẽ được sử dụng bởi lãnh đạo của các hệ thống giáo dục hàng đầu” (Chương 10, bức thư từ Mexico). Vậy nên, bạn có thể nhận được lời khuyên rằng, trên cương vị Tân Bộ trưởng, bạn cần phải “tin tưởng vào các chuyên gia” (Chương 2, bức thư từ nước Úc). Nhưng rồi, bạn cũng sẽ nhận được thông điệp có vẻ trái ngược hoàn toàn – “Đừng tin tuyệt đối vào các chuyên gia” (Chương 13, bức thư từ Bồ Đào Nha).

Một trải nghiệm lí thú mà độc giả có thể tự tiến hành, đó là xây dựng mối liên hệ giữa trải nghiệm của các nhà lãnh đạo giáo dục ở các thời điểm khác nhau, với các tâm thế khác nhau. Ví dụ, chiêm nhiệm của Otto Granados, Bộ trưởng Giáo dục Mexico trong năm cuối nhiệm kì (Chương 8) đã vạch ra những ranh giới cũng như sự liên thuộc giữa chính trị, chính sách và giáo dục. Từ đó, ông nhấn mạnh các thông điệp hướng tới sự hành động mạnh mẽ mà các bộ trưởng cần có, thay vì tập trung vào các tranh cãi về tư tưởng hay thái độ.

Trong khi đó, ngài Nuno Crato – nguyên Bộ trưởng Giáo dục Bồ Đào Nha lại chia sẻ những điều mà ông nhận ra khi mới tới nhiệm sở, xoay quanh tầm quan trọng của việc nhìn nhận đúng bản chất của các dữ liệu giáo dục và lối hành xử đúng mực với các chuyên gia (Chương 13). Cuối cùng, ông đưa ra lời cảnh tỉnh về các tuyên bố nghe có vẻ rất công bằng nhưng lại chẳng hề hướng tới học sinh – trung tâm của các cuộc cải tổ.

Tuy rằng bối cảnh các cuộc cải tổ rất khác nhau, nhưng chúng đều có chung một mục đích: Hướng tới một hệ thống giáo dục nhân văn, hiệu quả và bền vững, với sự tham gia hài hoà của tất cả các bên liên quan. Thế nhưng, thật khó để có thể cụ thể hoá mục tiêu giáo dục này thành những thành quả cân đong đo đếm được. Bởi vậy, các bài kiểm tra chuẩn hoá vẫn là công cụ được ưa chuộng để xác định các cải tổ giáo dục. Trong các bức thư mà các nguyên lãnh đạo giáo dục cao cấp đã đóng góp cho cuốn sách này, bạn cũng có thể nhận thấy vai trò của các chương trình đánh giá như PISA, TIMSS, hay PIRLS; các chương trình nghiên cứu như INES, TALIS, và PIAAC.

Một góc nhìn khác thường được đề cập, đó là quy mô của các cuộc cải tổ. Bức thư từ Nhật Bản cho chúng ta thêm kinh nghiệm về việc thực thi các cải tổ quy mô lớn khi muốn thay đổi mục tiêu của các chương trình giảng dạy (Chương 7). Mặc dù chương trình học là yếu tố trọng tâm, nhưng cũng cần có sự cải cách đồng bộ về việc kiểm tra đánh giá, xây dựng hệ thống phát triển chuyên môn cho giáo viên, tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với cộng đồng, và sự đảm bảo các nguồn lực tài chính.

Trong một bối cảnh rất khác, bức thư từ Brazil (Chương 3) đã bao hàm những nỗ lực đáng khâm phục của chương trình “Trường học Tương Lai” – hướng tới hình thành một tư duy chung về giáo dục bền vững, chất lượng tại một thành phố đầy rẫy bất bình đẳng xã hội, giữa các cuộc xung đột của các nhóm buôn bán ma tuý và phiến quân địa phương. Với quy mô một tỉ dân, bài toán cải cách giáo dục ở Ấn Độ khó lòng thực thi được với sự lãnh đạo tập trung. Cũng như quá trình phi tập trung hoá việc quản lí chương trình đào tạo, các cải tổ giáo dục ở Ấn Độ cũng được tiến hành với các cách tiếp cận phân quyền (Chương 6).

Cũng phải đối mặt với sự phức tạp bởi tính không đồng nhất giữa các vùng lãnh thổ, LB Nga còn phải giải quyết bài toán khó khăn của riêng mình: Các hệ quả chất chồng do các cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp từ thời Liên bang Xô viết tan rã. Bài học về các cuộc cải cách giáo dục ở LB Nga từ 2001 đến 2017 (Chương 14) nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhất quán trong các đường lối cải cách. Cụ thể, “các cải tổ không đồng bộ, không bổ khuyết cho nhau và diễn ra theo các bước không ổn định” sẽ chẳng đi đâu về đâu. Nhất là nếu như các cải tổ chỉ đơn thuần theo hướng từ trên áp xuống, bỏ qua sự ủng hộ của các bên liên quan, nhất là đội ngũ giáo viên.

Xét một cách tổng thể, cuốn sách đã cung cấp những bài học xương máu cùng với những diễn giải thực tâm từ những nhà lãnh đạo giáo dục cấp cao trên toàn thế giới. Bên cạnh bài học thành công từ các nước phát triển, chúng ta cũng có thể thấy sự thành công bước đầu của những nước khó khăn như Ghana (Chương 18) hay Yemen (Chương 19). Đây thực sự là bài học quý báu dành cho các quốc gia đang phát triển nhanh như Việt Nam nơi mà các cải tổ giáo dục không chỉ nằm trong mối liên thuộc chính trị-xã hội, mà còn phải chịu áp lực của sự thiếu thốn nguồn lực, và thiếu thốn sự ổn định trong việc phân bổ các nguồn lực.

Độc giả của cuốn sách này, có lẽ không nên giới hạn trong đội ngũ các nhà lãnh đạo giáo dục, mà nên mở rộng đến tất cả những ai quan tâm tới giáo dục. Đóng góp lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy ở cuốn sách, là việc nó đã minh bạch hoá các bài học xương máu. Bất kể đó là bài học về thất bại hay thành công, sự cáo bạch đó đều làm cho giá trị của mỗi bài học gia tăng nhiều lần.