Với các startup trong giai đoạn đầu hoạt động, thứ cần quan tâm không chỉ là sản phẩm, vốn, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu… mà còn là các vấn đề pháp lý, bởi nếu không hiểu đúng và đủ, hậu quả có thể sẽ rất nặng nề.

Ông Lê Nhật Quang (trái), Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP), và Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (phải), người sáng lập doanh nghiệp Inut trong chương trình đào tạo “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” . Ảnh: Đề án 844.
Ông Lê Nhật Quang (trái), Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP), và Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (phải), người sáng lập doanh nghiệp Inut trong chương trình đào tạo “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” . Ảnh: Đề án 844.

Cách đây không lâu, một doanh nghiệp ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội với số vốn đăng ký 144.000 tỉ đồng trong tháng 1/2020 đã gây xôn xao dư luận. Một doanh nghiệp mới trong lĩnh vực xây dựng, buôn bán vật liệu xây dựng, địa chỉ công ty tại một thôn nhỏ của huyện ngoại thành Hà Nội, mà số vốn tương đương với tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và lớn hơn vốn điều lệ của Viettel (hiện khoảng 141.000 tỉ đồng).

“Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, hóa ra đây là vốn ảo và doanh nghiệp đã bị khai tử. Việc đăng ký vốn không giống vốn thực tế là chuyện ‘thường gặp’ ở nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam. Vấn đề này có thể gây ra nhiều hệ quả mà chính doanh nghiệp cũng không thể lường trước” – LS Lê Văn Hồi - Công ty Luật My Way cho biết và khẳng định “Việc thiếu những hiểu biết pháp lý giai đoạn đầu khởi nghiệp có thể khiến các startup dù thành công hay thất bại có thể phải bỏ ra số tiền không nhỏ để khắc phục hậu quả”.

Thực tế, điều dễ gặp trong giới khởi nghiệp, nhà sáng lập thường là anh em, bạn bè thân thiết, chung chí hướng, có ý tưởng hùn vốn làm ăn. Sự eo hẹp về tài chính giai đoạn đầu khiến startup tìm mọi cách tiết kiệm chi phí và đánh giá trong giai đoạn đầu, vấn đề pháp lý chưa cần thiết, lúc nào có tiền thì thuê luật sự. Tuy nhiên, các luật sư cho rằng, đây là suy nghĩ chưa đúng.

Đơn cử, chuyện thường gặp nhất là một nhóm bạn cùng khởi nghiệp với thỏa thuận miệng “người góp vốn - người góp chất xám, người làm sản phẩm - người phụ trách kinh doanh”. Tuy nhiên, vấn đề sẽ xảy ra khi người giữ công nghệ tách khỏi công ty mà không chuyển giao công nghệ. Khi không còn cái lõi, có nghĩa là công ty đó hết giá trị và có thể phải đối mặt với việc đóng cửa.

Năm lỗi phổ biến startup thường gặp

Với kinh nghiệm trong ngành luật nhiều năm tại thị trường Việt Nam, các luật sư chỉ ra năm lỗi mà startup thường gặp liên quan đến pháp lý.

Thứ nhất, như đã nói ở trên, doanh nghiệp Việt Nam thường không đăng ký vốn không đúng với số vốn góp thực tế. Do chưa có quy định chứng minh việc góp vốn thực nên doanh nghiệp đăng ký “tùy hứng” hoặc “để thể hiện tầm vóc của công ty”.

Việc này theo LS Lê Văn Hồi, ngoài việc bị xử phạt hành chính với khung từ 20-30 triệu đồng, thì doanh nghiệp có thể gặp rắc rối liên quan đến kê khai thuế.

“Có doanh nghiệp đăng ký vốn cao hơn thực tế nhưng chưa góp đủ theo quy định. Trong báo cáo thuế, khi doanh nghiệp kê khai lãi trả ngân hàng hằng tháng vào chi phí sẽ bị cơ quan thuế gạt ra với luận điểm: ‘Vốn mà các cổ đông đóng góp vẫn chưa hết so với vốn đăng ký nên việc vay ngân hàng là không hợp lý”. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang lỗ chuyển sang lãi và đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế bổ sung, thậm chí là phạt” – LS Hồi giải thích và đề nghị các công ty nên đăng ký vốn đúng thực tế.

Điểm thứ hai, cũng liên quan đến chuyện vốn, startup thường không có thỏa thuận cổ đông và điều lệ công ty ngay từ khi thành lập. Điều này sẽ gây ra không ít rắc rối cho những hoạt động về sau.

Theo LS Lê Văn Hồi, tư duy "100 cái lý không bằng một tý cái tình" khiến các nhà sáng lập thỏa thuận miệng, không phân định rõ ràng những điều khoản trong công ty. Những cổ đông góp 30% vốn nhưng mang về nhiều hợp đồng, doanh thu sẽ được chia lợi nhuận như thế nào với cổ đông góp 70% vốn?

“Nếu lợi nhuận là 1 triệu thì đơn giản nhưng là 1 tỷ thì chuyện đã khác” – LS Hồi cho hay.

Đồng tình với ý kiến này, LS Hoàng Minh Đức hãng luật Duane Morris cho biết, thỏa thuận cổ đông và điều lệ công ty là hai văn bản phải có ngay khi công ty thành lập. Trong đó, thỏa thuận cổ đông được lưu hành nội bộ, ghi những điều khoản chỉ các sáng lập viên biết, có ý nghĩa như hợp đồng ràng buộc các bên với nhau, quy định về quyền lợi kinh tế và quyền kiểm soát công ty. Thỏa thuận có thể quy định: mỗi bên đóng góp bao nhiêu cổ phần, thời điểm góp là bao nhiêu, nếu một trong hai bên muốn rút vốn thì cần ưu tiên bán cho bên còn lại với giá bao nhiêu?... Đối với quyền quyết định hoạt động trong công ty, tùy vào số vốn đóng góp của từng cá nhân. Ví dụ, các hợp đồng có giá trị trên 500 triệu hay sửa đổi điều lệ công ty phải thông qua ý kiến 100% cổ đông, những hợp đồng có giá trị nhỏ hơn do giám đốc điều hành quyết định…

Trong khi đó, điều lệ có ý nghĩa như hiến pháp của công ty và có thể công bố với đối tác. “Khi kí các hợp đồng giá trị cao, thông thường các công ty sẽ dựa theo điều lệ công ty để biết được, những nhân sự nào có quyền ra quyết định và đảm bảo tính hợp pháp trước pháp luật” – LS Hoàng Minh Đức nói.

Thứ ba, startup không đăng ký bảo hộ cho tài sản trí tuệ từ giai đoạn đầu và có quy định rõ về việc chuyển giao công nghệ từ sở hữu cá nhân sang sở hữu công ty. LS Lê Văn Hồi cho biết, “nhiều doanh nghiệp đã phải trả cái giá rất đắt trong khi chi phí đăng ký ban đầu không hề lớn”.

“Về luật nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu mà công ty sử dụng dấu hiệu trùng, gây nhầm nhẫn hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó thì được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu” – LS Lê Văn Hồi cho biết. Vì thế, LS cho rằng, đây là vấn đề các doanh nghiệp không được bỏ qua.

Một điểm khác mà doanh nghiệp khởi nghiệp hay gặp phải là kê khai thuế không đúng quy định, và “bị phạt do thiếu hiểu biết”. Do giai đoạn đầu chưa có nhiều vốn lại chỉ quan tâm tới việc phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường nên doanh nghiệp thường tự kê khai mà không thuê kế toán chuyên nghiệp. Ví dụ sau khi thành lập doanh nghiệp phải nộp thuế môn bài và nộp kê khai hàng quý lên cơ quan thuế.

Do chưa có doanh thu giai đoạn đầu nên không ít startup cho rằng không cần kê khai. “Theo luật, nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc người nộp thuế đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn quy định. Điều này khiến nhiều startup sau vài năm mở doanh nghiệp muốn đóng cửa gặp rất nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp bị phạt cả trăm triệu đồng vì chậm nộp thuế, không nộp hồ sơ kê khai thuế vài năm liền” – LS Lê Văn Hồi chia sẻ.

Yếu tố pháp lý cuối cùng mà LS Lê Văn Hồi dành lời khuyên cho startup là không nên sử dụng các mẫu hợp đồng thương mại có sẵn trên internet. Đây là điều thường thấy trong nhiều startup chưa có bộ phận pháp chế. Tuy nhiên, những hợp đồng (hợp đồng lao động, kinh tế…) này không mang tính đặc thù cho từng nhóm công việc nên nếu gặp vấn đề sẽ bất lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.

“Những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể khiến startup chịu tổn thất nặng nề, trong khi chi phí ban đầu bỏ ra để chặt chẽ hóa nhỏ hơn rất nhiều” – LS Lê Văn Hồi nhấn mạnh và đề nghị các startup nên coi vấn đề pháp lý như một trong những yếu tố sống khi khởi nghiệp.