Nằm rải rác tại khu vực Nam Cực lạnh giá là những trạm nghiên cứu và khu căn cứ của con người. Một vài trong số chúng vẫn có sự ghé thăm và của các nhà khoa học. Số còn lại bị bỏ hoang từ cách đây hàng chục năm.

Quần đảo Palmer ở Nam Cực là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như cá voi lưng gù, hải cẩu voi, chim hải âu. Những dòng sông băng và các tảng băng trôi nhuốm màu xanh lam xuất hiện rải rác khắp khu vực và hoàng hôn kéo dài trong nhiều giờ. Tuy nhiên, nơi vắng vẻ và hoang sơ này cũng có một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ. Đây là căn cứ lâu dài đầu tiên của Anh tại Nam Cực, gọi là Port Lockroy. Nó được xây dựng vào năm 1944, sau đó bị bỏ hoang vào năm 1962. Hai mươi năm sau, hai thành viên thuộc nhóm khảo sát Nam Cực của Anh mới quay trở lại thăm ngôi nhà hoang vắng này.

Một trạm nghiên cứu tại Nam Cực. Ảnh: DeAgostini

“Những con chim cánh cụt Gentoo đậu và làm tổ ngay trước nhà. Chúng tò mò nhìn vào cửa sổ kính, giống như những vị khách du lịch hiếu kỳ đi ngang qua”, Alan Hemmings, một trong hai thành viên của nhóm khảo sát bây giờ là giáo sư tại Đại học Canterbury ở New Zealand, cho biết.

Nam Cực có khí hậu rất khắc nghiệt. Nhiệt độ thấp nhất từng được ghi nhận tại đây là -94°C, với sức gió tối đa lên tới 327 km/h. Chỉ có khoảng 4.000 người – chủ yếu là các nhà khoa học – sống tại Nam Cực trong suốt mùa hè và khoảng 1.000 người vào mùa đông. Tuy nhiên, những người đến tham quan trong những chuyến du lịch ngắn ngày lên tới hàng chục nghìn người.

Hiện nay, ảnh hưởng của con người đến Nam Cực ngày càng lớn. Nhiều vùng đất rộng lớn của lục địa này không còn được coi là vùng hoang dã nữa. Nằm rải rác trên khắp Nam Cực có tới 5.000 công trình xây dựng bao gồm các trạm nghiên cứu vắng vẻ, túp lều, ngọn hải đăng, nhà thờ. Đa số chúng nằm ở ven biển, nơi dễ tiếp cận hơn và chứa nhiều các loài thực vật, động vật để nghiên cứu. Một số công trình vẫn có thể sinh sống được, một số khác bị hư hỏng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đôi khi, người ta cố tình xây dựng những căn cứ vững chắc để củng cố các tuyên bố địa chính trị đối với đất đai, quyền đánh bắt thủy sản và khai thác khoáng sản.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability vào năm 2019, Shaun Brooks và các cộng sự tại Đại học Tasmania (Australia) phát hiện ít hơn 1% diện tích Nam Cực không có băng và 81% các trạm nghiên cứu nằm trên những khu vực đất trống này. Chỉ riêng ba quốc gia bao gồm Mỹ, Nga, Australia chịu trách nhiệm cho hơn một nửa diện tích đã bị xáo trộn trên lục địa Nam Cực.

Vào thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, khoảng một nửa trong số 76 trạm nghiên cứu đang hoạt động của lục địa này phải tạm ngừng đóng cửa mỗi khi mùa đông đến. Các trạm nghiên cứu còn lại đã bị bỏ hoang hoàn toàn.

Hiệp ước Nam Cực được ký kết năm 1959 bao gồm các quy định về bảo vệ môi trường (được gọi là Nghị định thư Madrid), liên quan đến các khu vực làm việc “bị bỏ hoang”. Về mặt lý thuyết, Nghị định thư Madrid nghiêm cấm để lại bất kỳ công trình nhân tạo nào không còn sử dụng trên lục địa. Bất kỳ ai xây dựng chúng phải có trách nhiệm tiêu hủy, dọn sạch, loại bỏ chúng ra khỏi môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, việc dọn dẹp rất tốn kém, khó khăn về mặt hậu cần, và các quy định vẫn có kẽ hở. Cụ thể, các điều luật miễn trừ cho bất kỳ công trình nào được xây dựng trước khi Nghị định thư Madrid có hiệu lực (khoảng 2/3 trong tổng số các trạm nghiên cứu hiện có), các công trình kỷ niệm, di tích lịch sử, và các công trình kiến trúc có thể gây ra ô nhiễm môi trường nếu bị loại bỏ.

Thêm vào đó, các quốc gia có lý do để giữ cho những công trình nhân tạo này đứng vững. “Chúng có giá trị chiến lược, đánh dấu sự hiện diện lâu dài của từng quốc gia”, Hemmings, giáo sư tại Đại học Canterbury (New Zealand), nhận định.

Ngoài ra, rất khó để xác định một trạm nghiên cứu đã bị bỏ hoang hay đơn giản là hiếm khi mở cửa. “Trên thực tế, có nhiều trạm nghiên cứu chỉ hoạt động vào mùa hè. Chúng có thể mở cửa trong vài tuần, hoặc sử dụng theo định kỳ”, Polly Penhale, cố vấn cao cấp về môi trường tại Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, cho biết.

Một số trạm nghiên cứu không có người ở nhưng chúng vẫn có thể gây ra tác động lâu dài đến môi trường. Ví dụ, trong những năm 1950, Mỹ và New Zealand đã xây dựng một căn cứ chung gần các đàn chim cánh cụt Adélie ở Mũi Hallett. Trạm nghiên cứu và những con đường chạy qua khu vực đã ảnh hưởng đến nơi sinh sống của khoảng 7.000 con chim cánh cụt.

Chúng ta cũng có thể nhìn vào trường hợp trạm nghiên cứu Wilkes của Australia, do Mỹ xây dựng. Kể từ khi nó bị bỏ hoang vào năm 1969, nhiều tấn chất thải nguy hại đã bị đóng băng trong lòng đất. Đôi khi, những vụ tan chảy băng lớn đã giải phóng các hóa chất, kim loại nặng và hydrocacbon vào môi trường tự nhiên. Các nhà khoa học từng phát hiện váng dầu gần quần thể chim cánh cụt và ở trong môi trường nước – nơi sinh sống của động vật thân mềm và nhiều loài sinh vật khác. “Nó giống như một quả bom hẹn giờ, chỉ chờ thời gian để bùng nổ”, Brooks, nhà nghiên cứu tại Đại học Tasmania, cho biết.

Vùng đất Nam Cực và các loài động vật sống trên đó – giống như các môi trường hoang sơ khác – cực kỳ nhạy cảm. Hoạt động của con người có vẻ không gây nguy hiểm như để lại dấu chân hoặc quan sát chim cánh cụt từ xa có thể ảnh hưởng đến khu vực theo những cách mà chúng ta không phải lúc nào cũng nhìn thấy ngay lập tức.

“Ngay cả những chuyến thăm của con người trong thời gian ngắn ngủi cũng có thể gây ra tác động lâu dài đến địa điểm họ đến thăm và các loài sinh vật. Họ có thể giẫm chân lên thảm thực vật và các cộng đồng sinh vật sống trong đất, khiến chúng phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi”, Rachel Leihy, người từng nghiên cứu tác động của con người đến Nam Cực khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Monash, cho biết.

Các nhà khoa học thậm chí còn phát hiện ra rằng một số khách du lịch đã vô tình mang theo các loài xâm lấn, chẳng hạn như cỏ Poa annua, đến lục địa Nam Cực.

Tại Nam Cực, các dấu hiệu ảnh hưởng của con người có thể rất khó nhận biết, nhưng chúng sẽ hiện diện nếu bạn biết cách quan sát.

Trên khắp Nam Cực có tới 5.000 công trình xây dựng bao gồm các trạm nghiên cứu vắng vẻ, túp lều, ngọn hải đăng, nhà thờ. Đa số chúng nằm ở ven biển, nơi dễ tiếp cận hơn và chứa nhiều các loài thực vật, động vật để nghiên cứu.