Khi bị FBI thẩm vấn lần đầu tiên năm 2018, Anming Hu, công dân Canada gốc Trung Quốc và là nhà nghiên cứu công nghệ nano tại Đại học Tennessee, đã làm việc ở Mỹ hơn 4 năm. Tháng 2/2020, Hu bị truy tố vì tội lừa đảo - che giấu quan hệ với Trung Quốc trong các đơn xin tài trợ nghiên cứu nộp cho NASA.
“Đó là ngày tôi mất tất cả. Tôi đã làm việc chăm chỉ trong nhiều năm, và điều đó chỉ xảy ra trong vài phút," Hu nói.
Ông bị quản thúc tại gia từ đó cho đến cuối năm 2021, khi mọi cáo buộc được xóa bỏ. Hu trở lại phòng thí nghiệm trống trơn tại Đại học Tennessee vào ngày 1/2/2022 sau gần hai năm. Tất cả các thiết bị trị giá hàng chục nghìn USD - lasers, thấu kính và máy đo điện áp - mà Hu cần để tiếp tục nghiên cứu đều đã bị chuyển vào kho, chuyển đi nơi khác hoặc đã hỏng hóc, và khoảng thời gian hai năm không làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm có thể ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp của ông.
Năm 2018, chính phủ Mỹ khởi động Sáng kiến Trung Quốc như một nỗ lực chống lại hoạt động gián điệp kinh tế. Sáng kiến này thường nhằm vào các nhà nghiên cứu không công khai việc nhận nguồn tài trợ nghiên cứu từ Trung Quốc hoặc có quan hệ đối tác với các tổ chức Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) ngày 23/2/2022 thông báo đã kết thúc Sáng kiến Trung Quốc và thay thế nó bằng một chiến lược rộng hơn bao gồm Trung Quốc và một số quốc gia khác như Nga và Triều Tiên.
Các nhà nghiên cứu và các nhóm dân sự từng kêu gọi dừng Sáng kiến Trung Quốc, lại tiếp tục kêu gọi dừng chiến lược mới, vì cho rằng đây là các hành động mang tính phân biệt chủng tộc.
Hu hoan nghênh việc chấm dứt Sáng kiến Trung Quốc, nhưng ông muốn thấy chính phủ phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ. “Tôi đã mất hai năm cuộc đời,” Hu nói. "Ai là người gánh chịu hậu quả của việc đó?"
Anming Hu tại phòng thí nghiệm ởĐại học Tennessee, phần lớn thiết bị đã bị di dời sau khi Hu bị truy tố vào tháng 2/2020.
Ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp
Sau các cáo buộc đối với Hu vào tháng 2/2020, Đại học Tennessee đã đình chỉ hoạt động nghiên cứu của ông và dừng trả lương. Tám tháng sau, trường chính thức sa thải Hu sau khi ông mất quyền làm việc tại Mỹ. Thị thực làm việc của Hu hết hạn vào tháng 6/2020 khi ông đang chờ phán quyết của tòa, và Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ đã bác đơn xin thường trú của ông. Về việc xét xử, bồi thẩm đoàn đã không thể đi đến phán quyết, và phiên tòa bị hủy. Tháng 9/2021, thẩm phán tuyên trắng án cho Hu ở tất cả các tội danh, do không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ông đã che giấu quan hệ với Trung Quốc như cáo buộc.
Trong thời gian bị quản thúc tại gia, ông nhờ cộng đồng nhà thờ giúp mua thực phẩm, tạp hóa, và thậm chí đổ rác, vì không được phép ra ngoài. Mặc dù Đại học Tennessee đã cắt đứt quan hệ với Hu, một số đồng nghiệp lặng lẽ giúp đỡ Hu trong thời gian này.
Sau khi hoàn thành các chuẩn bị về mặt pháp lý, ông lao vào các công việc không được trả công để giúp khuây khỏa đầu óc trong khi chờ xét xử. Ông đã bình duyệt khoảng 400 bài báo khoa học và viết 6 bài cùng một cuốn sách về sản xuất laser và in 3D. Nhưng ông lo ngại hai năm không làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sẽ là "thảm họa" đối với sự nghiệp của mình.
Những người khác bị buộc tội theo Sáng kiến Trung Quốc cũng lo lắng về thiệt hại cá nhân và sự nghiệp. Gang Chen, một kỹ sư cơ khí nổi tiếng tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Cambridge, nói rằng Quốc hội Mỹ nên yêu cầu FBI và DoJ phải chịu trách nhiệm về cách đối xử với các nhà nghiên cứu. Chen bị bắt vào tháng 1/2021 cũng với cáo buộc che giấu việc nhận tài trợ từ các tổ chức Trung Quốc trong đơn xin tài trợ. Chen được thả sau khi DoJ xóa bỏ các cáo buộc này.
Chen đã viết trong một bài xã luận trên tạp chíScience rằng MIT công khai hỗ trợ ông sau khi bị bắt, và các trường đại học và cơ quan tài trợ khác cũng nên đứng ra bảo vệ các nhà nghiên cứu bị truy tố một cách sai trái. Sự thật là nhiều nhà nghiên cứu, chẳng hạn như Hu, không được trường đại học nơi họ công tác hoặc cơ quan tài trợ đứng ra hỗ trợ.
Theo các tài liệu của tòa án từ phiên tòa xét xử Hu, Đại học Tennessee đã có bằng chứng từ năm 2014 cho thấy Hu không che giấu quan hệ với các tổ chức Trung Quốc. Ví dụ, năm 2016, Hu đã gửi một lá thư cho Đại học Tennessee nói rằng ông đang hợp tác với một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm bức xạ Synchrotron Quốc gia Trung Quốc, và dự định gửi các tài liệu liên quan trong đề xuất xin tài trợ nghiên cứu gửi NASA.
Nhưng một nhân viên của Đại học Tennessee sau đó đã yêu cầu Hu bỏ các tài liệu liên quan này trong đề xuất xin tài trợ, vì có thể xung đột với đơn đảm bảo mà Đại học Tennessee phải cung cấp cho NASA, trong đó nói rằng đề xuất xin tài trợ không có ràng buộc nào với Trung Quốc. (Luật năm 2011 của Mỹ cấm NASA tài trợ cho các hoạt động hợp tác với Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc.)
Anming Hu đã trở lại làm việc nhưng lo ngại khoảng thời gian xa phòng thí nghiệm sẽ là "thảm họa" cho sự nghiệp.
Gây dựng lại danh tiếng
Sau khi Hu được tuyên trắng án, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tennessee đã vận động để trường đại học nhận lại ông. Trường đã giúp Hu xin giấy phép lao động tạm thời, phục hồi chức danh giáo sư có thời hạn và hỗ trợ 300.000 USD để Hu khởi động lại các nghiên cứu. Hu sẽ dànhmột phần số tiền này để sửa chữa và thay thế trang thiết bị phòng thí nghiệm. Nhưng Hu cho biết Đại học Tennessee vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi.
Hu còn cho biết NASA đã nói ông có thể tiếp tục nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu, nhưng ông chưa có kế hoạch như vậy và sẽ cẩn thận trong việc cộng tác với ai và tìm nguồn tài trợ từ đâu.
Hu quyết định quay trở lại UT vì cảm thấy việc này chứng minh rằng ông không có tội và không đáng bị trừng phạt. “Tôi cần lấy lại danh tiếng của mình. Tôi cần để người khác thấy tôi không làm gì sai.”
Hu hy vọng sẽ sử dụng vị trí của mình tại trường đại học để lên tiếng về các tình huống như đã xảy ra với mình, và ngăn các tình huống tương tự xảy ra với những nhà nghiên cứu khác. Ngoài việc chia sẻ với giới truyền thông về kinh nghiệm của mình, Hu dự định sẽ phát biểu tại các sự kiện và các nhóm vận động chính sách. Ông cảnh báo các nhà nghiên cứu khác rằng họ “cần phải rất cẩn thận”.
Sáng kiến Trung Quốc có thể đã kết thúc, nhưng Hu nói rằng ông vẫn chờ đợi chính phủ Mỹ thay đổi cách đối xử với các nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc và các cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm FBI, chịu trách nhiệm về hành động của họ. “Tôi muốn thấy DoJ tôn trọng tự do học thuật và khuyến khích sự hợp tác và trao đổi quốc tế bình thường,” Hu nói.
Nguồn: