Ngay từ những năm 1980, Josh Goldman đã bắt đầu thiết kế và vận hành các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn khép kín (RAS).

Australis Barramundi, công ty do Goldman tham gia thành lập và điều hành, hiện đang là một trong số ít doanh nghiệp trên thế giới có đủ khả năng vận hành các hệ thống RAS nuôi cá chẽm sinh lời trên quy mô lớn tại Turner Falls (tiểu bang Massachusetts) trong suốt hơn một thập kỷ.

Nhưng kể từ 2018, Australis đã chủ động bán lại mảng hoạt động ở Massachusetts để tập trung cho các trại nuôi biển mà họ đang đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại, công ty đang vận hành song song cả hai hệ thống RAS trên đất liền lẫn đại dương, nhờ đó có được những hiểu biết dựa trên so sánh tương quan, nhất là về mặt chi phí vận hành.

Trại nuôi cá chẽm của Australis tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Australis Aquaculture.

Trại nuôi cá chẽm của Australis tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Australis Aquaculture.

Trong nhận thức của Goldman cùng Australis, công nghệ RAS là giải pháp tốt nhất cho nuôi cá giống nhằm tối ưu hiệu quả kinh tế theo vòng đời của sản phẩm. Không muốn chỉ giới hạn tri thức và kinh nghiệm của mình ở Massachusetts, ông đã xây dựng các trại giống RAS hiện đại ở ngay phía bắc thành phố nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Việt Nam, nơi có những bãi biển đẹp như trong tranh vẽ.

“Đầu tư của chúng tôi ở Việt Nam sẽ tập trung vào mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất với đối tượng cá giống", Goldman chia sẻ. RAS được chứng minh là có nhiều ưu điểm vượt trội, trong đó có việc giúp bảo vệ đàn cá khi chúng đang ở thời kỳ tăng trưởng nhanh nhất và nhạy cảm với các ký sinh trùng hay virus gây bệnh.

Kể từ năm 2016, trong số 61 dự án RAS đang được triển khai tại Mỹ, mới chỉ có 14 chính thức đi vào hoạt động. Theo nhận định của Goldman, có quá nhiều vấn đề hoặc sự cố có thể phát sinh mà người quản lý trại nuôi RAS cần lường hết để kịp thời xử lý. Mô hình RAS đòi hỏi sự tiêu chuẩn hóa đối với toàn bộ quy trình sản xuất trước khi được mở rộng thêm nữa – ông nói.

Josuah Goldman.

Josh Goldman, nhà sáng lập và CEO của Australis. Ảnh: Australis Aquaculture.

Thiếu kinh nghiệm

Một trong những mối lưu tâm lớn nhất tại các cuộc thảo luận là đang có quá ít chuyên gia đủ kinh nghiệm để vận hành các hệ thống RAS phức tạp.

“Rất khó để tìm kiếm những người đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn này. Bạn có thể là một bậc thầy nuôi trồng thủy sản, nhưng lại chỉ có kinh nghiệm với các bể nhỏ”, Jonathan Daen – CFO của Australis – cho biết. “Nhưng khi bước vào một cơ sở nuôi hàng triệu con cá, với lượng nước lưu chuyển lên tới 60 triệu gallon mỗi ngày thì đó lại là một thế giới hoàn toàn khác.”

Các thành viên nhóm Barramundi (cá chẽm) hiện giờ của Australis có tổng kinh nghiệm tích lũy lên tới 200 năm trong việc điều hành những hệ thống RAS lớn – Daen nói. “Nếu mắc phải sai lầm, dù nhỏ, bạn có thể sẽ phải mất cả năm để khắc phục, và điều này là đặc biệt tốn kém”, ông lưu ý.

Chiến lược mà Australis đang theo đuổi có đôi chút tương phản so với lĩnh vực nuôi cá hồi quy mô lớn trên đất liền bằng công nghệ RAS, tiêu biểu là dự án khổng lồ của Atlantic Sapphire tại Miami (tiểu bang Florida). Atlantic Sapphire, được điều hành bởi một đội ngũ chuyên gia thủy sản rất giàu kinh nghiệm của Na Uy, đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh kể từ khi chào bán lần đầu (IPO) ra công chúng năm 2018. Công ty đang chuẩn bị thu hoạch khoảng 10.000 tấn cá hồi Đại Tây Dương vào năm 2020. Thậm chí họ còn đang ấp ủ một kế hoạch tham vọng gấp bội phần: một cơ sở nuôi cho sản lượng 220.000 tấn sẽ đáp ứng hơn một nửa nhu cầu cá hồi nội địa của nước Mỹ.

Tuy nhiên, việc nuôi cá hồi bằng công nghệ RAS thật sự không hề dễ dàng, do đầu tư tốn kém cùng nhiều khó khăn phát sinh, chẳng hạn liên quan đến vấn đề kiểm soát rận biển, cho nên nhà đầu tư cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển mới, và các hoạt động tại vùng biển nhiệt đới tỏ ra là có nhiều lợi thế.

Nha Trang, Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.

Nha Trang, Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.

Chuyển dịch trong nuôi trồng thủy sản

Goldman dự báo, nuôi trồng thủy sản nhiệt đới sẽ là xu hướng lớn tiếp theo trong lĩnh vực đầy tiềm năng song cũng không ít rủi ro này. Sỡ dĩ có điều này là nhu cầu đối với các mặt hàng thủy sản từ vùng biển xung quanh Trung Quốc (cá mú, cá hồng, cá giò, cá chim vây vàng, cá chẽm, …) đang gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt là cá chẽm, Goldman tin rằng loài này sẽ có tiềm năng phát triển vượt trội so với hầu hết các loài thủy sản nhiệt đới khác nhờ hương vị cực kỳ ngon và đặc điểm phù hợp với phương thức nuôi xa bờ.

Nhờ sự ổn định của nhiệt độ nước (biến thiên nhiệt độ thấp), nuôi thủy sản nhiệt đới có nhiều thuận lợi hơn nhiều so với cá hồi (sinh trưởng ở vùng nước lạnh), hứa hẹn cho sản lượng ổn định. So với ngành tôm đang bão hòa, các loài thủy sản nhiệt đới cũng có cơ hội dễ được thị trường đón nhận và giúp cải thiện nhận thức về ngành. Ngoài ra, lĩnh vực mới mẻ này cũng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho các chủ doanh nghiệp ở những nước đang phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động – Goldman chia sẻ.

“Trong tầm nhìn của mình, chúng tôi rất muốn định hình lại những đối thoại về nuôi trồng thủy sản.” Goldman nói. “Và với một loài mới, chúng ta có thể bắt đầu thảo luận ngay từ đầu.”

Sản phẩm cá chẽm của Australis đang được bán rộng rãi tại các chuỗi cung cấp hải sản và nhà hàng trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Australis Aquaculture.

Sản phẩm cá chẽm của Australis đang được bán rộng rãi tại các chuỗi cung cấp hải sản và nhà hàng trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Australis Aquaculture.

Australis đã giành được nhiều khách hàng ở Mỹ, với một số lượng lớn (và còn tiếp tục tăng lên) các nhà bán lẻ hiện đang phân phối sản phẩm của hãng. Công ty cũng có mối quan hệ hợp tác lâu dài với chuỗi cửa hàng Whole Food Stores; hay HelloFresh đã bắt đầu bán cá chẽm của Australis trong các suất ăn sẵn, và mặt hàng này đang ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, cùng thoả thuận lâu dài với chuỗi thực phẩm US Foods, việc tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp Australis đảm bảo khả năng cung cấp cho một loạt các nhà hàng lớn ở Mỹ – Goldman cho biết.