Rất ít nền kinh tế với xuất phát điểm thấp chỉ trong một thời gian ngắn có thể vươn lên gia nhập hàng ngũ giàu có theo cách ấn tượng như Đài Loan hồi thập niên 1970 – 1980.
Đóng góp lớn vào thành công đó là một đội ngũ những nhà kỹ trị tài giỏi như Tưởng Kinh Quốc, Tôn Vận Tuyền, Lý Đăng Huy, … và không thể không nhắc đến Lý Quốc Đỉnh – đại diện tiêu biểu của trường phái kinh tế tiến hóa (evolutionary economics).
Lý Quốc Đỉnh (1910 – 2001) thường được xưng tụng là “cha đẻ” của phép màu kinh tế và “cha đỡ đầu” của nền công nghệ Đài Loan, sinh tại Nam Kinh (Trung Quốc) vào cuối đời Thanh và đầu thời kỳ Dân quốc, Lý tốt nghiệp Đại học Quốc lập Trung ương (sau đổi tên thành ĐH Nam Kinh) năm 1930 rồi theo học ngành vật lý tại Cambridge năm 1934. Trở về Trung Quốc, ông đã có nhiều năm tham gia chính trường của Tưởng Giới Thạch.
Tại Đài Loan, ông được tin tưởng giao nắm giữ khá nhiều cương vị quan trọng trong các ngành công nghiệp và trên chính trường như: Chủ tịch Tập đoàn đóng tàu nhà nước (năm 1951), Thành viên Ủy ban Hoạch định Chính sách Phát triển Công nghiệp quốc gia (1953), Giám đốc Trung tâm Đầu tư và Phát triển Công nghiệp trực thuộc Hội đồng Tương trợ Mỹ (1959), Bộ trưởng Kinh tế (1965 – 1969), Bộ trưởng Tài chính (1969 – 1976), sau đó là Bộ trưởng không bộ, … Năm 1968, ông nhận giải Ramon Magsaysay của Mỹ vì những cống hiến to lớn, trọn đời. Tư tưởng của ông đã góp phần tạo nên chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, hỗ trợ họ huy động vốn, mang lại ưu thế về sau của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chế tạo linh kiện máy tính, thiết bị viễn thông và bán dẫn. Cùng với cố Thủ tướng Tôn Vận Tuyền (1913 – 2006), ông cũng đỡ đầu cho sự thành lập của Công viên Khoa học Tân Trúc – một trong những mô hình khu công nghệ cao phỏng theo Thung lũng Silicon (Mỹ) thành công nhất thế giới, hiện đang có gần 500 công ty công nghệ lớn nhỏ đặt bản doanh với doanh thu hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Chủ nghĩa thực dụng
Trong suốt cuộc đời mình, ông đã phục vụ chính quyền tổng cộng hơn 40 năm, trong đó có 10 năm ở Đại lục; quãng thời gian này cùng với nền tảng giáo dục thiên về khoa học duy lý phương Tây đã có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách hoạch định chính sách khi ra Đài Loan. Ông không hề trải qua đào tạo kinh tế chính thống, nhưng đã tích lũy phần lớn tri thức [kinh tế] thông qua tự học, kinh nghiệm thực tiễn và trong quá trình làm việc với các nhà chuyên môn. Bản thân ông cũng thừa nhận không xây dựng chính sách dựa trên các tư tưởng [kinh tế] phổ biến, mà thay vào đó được dẫn dắt bởi tư duy thực dụng (pragmatism). Ông cũng viết một vài cuốn sách song không quá tập trung vào các tranh luận học thuật, mà chủ yếu chỉ để chia sẻ những trải nghiệm trong quá trình hoạch định [chính sách] cho các quốc gia [đang phát triển] khác tham khảo, tiêu biểu là cuốn The Evolution of Policy Behind Taiwan’s Development Success (Tiến bộ chính sách đằng sau sự phát triển thành công của Đài Loan, xuất bản năm 1995).
Theo ông, môi trường mà chính sách được hoạch định là thứ luôn biến đổi và có hai vấn đề mà người làm chính sách phải lưu ý. Thứ nhất là tác động kinh tế và thứ hai là quan hệ nhân quả từ chính sách. Do đó, cần trả lời được câu hỏi: Tại sao ở vào một thời điểm nhất định, chính sách này là phù hợp?
Ông quan niệm sinh kế của người dân cần phải được đặt lên hàng đầu, ủng hộ việc tôn trọng quyền sở hữu tài sản (property right) và các nguyên tắc của thị trường tự do (free market), kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua hệ thống ngân hàng hiệu quả, thực hiện cắt giảm thuế cùng ban hành nhiều ưu đãi khác để khuyến khích doanh nghiệp mở động đầu tư, tăng cường xuất khẩu,…
Vai trò của nhà nước
Đối với những nền kinh tế có xuất phát điểm thấp và thiếu hụt đủ thứ, từ tài nguyên thiên nhiên, vốn, ngoại tệ, công nghệ, … cho đến tri thức quản trị, ông khẳng định nhà nước cần thực hiện một số can thiệp trực tiếp trong giai đoạn đầu như xây dựng cơ sở hạ tầng; cung cấp ưu đãi cho doanh nghiệp;…
Theo ông, có hai nhiệm vụ quan trọng mà nhà nước cần làm tốt. Một là áp đặt cạnh tranh; để thúc đẩy cạnh tranh trong một nền kinh tế nhỏ, đang phát triển, nhất thiết phải mở cửa; ông tin luật chống độc quyền là “thừa thãi” trong các nền kinh tế mở song nhà nước vẫn cần duy trì chính sách bảo hộ trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Hai là xác định rõ những ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, mang đặc điểm ngoại sinh (externality – tức ảnh hưởng do hoạt động của một chủ thể kinh tế này sẽ tác động trực tiếp tới chủ thể kinh tế khác theo cách tích cực hoặc tiêu cực) mà nhà nước đang quản lý để sớm “nhường sân” cho khu vực tư nhân khi nền kinh tế trở nên chín muồi. Trên tinh thần đó, nhà nước Đài Loan đã rất cố gắng để không cạnh tranh với khối doanh nghiệp tư nhân (trừ một số lĩnh vực trọng yếu, đe dọa an ninh quốc phòng như viễn thông, năng lượng, …); và hầu hết các mảng kinh doanh sinh lời đều dần được cổ phần hóa (capitalize) theo lộ trình.
Nhờ đó, trong giai đoạn 1965 – 1979, kinh tế Đài Loan đã tăng trưởng ngoạn mục trung bình 10,6%/năm, với những chỉ số như tỷ trọng công nghiệp hay đóng góp của lĩnh vực sản xuất chế tạo vào GDP, thặng dư thương mại, dự trữ ngoại tệ, phân phối thu nhập, tỷ lệ người biết đọc biết viết, tuổi thọ trung bình, … đều hết sức ấn tượng, vượt xa hầu hết các quốc gia đang phát triển khác và ngang hàng với Tây Âu. Đáng chú ý, trong cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Đài Loan chịu rất ít ảnh hưởng – khác với Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia – nhờ cách tiếp cận tài chính tương đối “bảo thủ” và sở hữu lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ khi đó (lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản).