Không chỉ dừng lại ở trong biên giới Việt Nam, những bước chân đi bộ của anh Nguyễn Quang Thạch ở Ấn Độ đã đánh dấu một giai đoạn mới trong hành trình kêu gọi mở rộng chương trình “sách hóa nông thôn”. Chúng tôi đã trò chuyện với anh về những dự định và tham vọng mới này.

Nguyễn Quang Thạch
Nguyễn Quang Thạch

Trong lễ nhận giải thưởng Phổ biến tri thức tại thủ đô Paris của nước Pháp, anh đã chia sẻ: “Tôi rất vui sử dụng 19 năm kinh nghiệm và một phần quỹ từ giải thưởng này để khởi động một hệ thống thư viện dân sự chi phí thấp ở Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, các quốc gia châu Phi…”. Phải chăng mong muốn này của anh đang dần thành hiện thực với xuất phát điểm là chuyến đi đến Ấn Độ?

Năm 2011, khi đang ở Thái Bình để nhân rộng tủ sách Phụ huynh, tôi đọc được tin trên mạng về một cô gái Ấn Độ bị cưỡng hiếp và treo lên cành cây. Lúc đấy, tôi tự nhủ: “Phải sang Ấn Độ làm tủ sách”. Sau đó, trong ngày nhận giải thưởng của UNESCO, tôi đã gặp Bộ trưởng Nhân lực và Phát triển Ấn Độ và bày tỏ mong muốn của mình.

Tháng 10 năm 2019, nhờ sự nối kết và một phần tài trợ của anh Vũ Văn Thoại, Viện trưởng Viện cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm, tôi đã đại diện người Việt Nam trong nước và nước ngoài, trao 37 tủ sách đến lớp học và trường học nông thôn huyện Satara bang Maharashtra.

Ngày 11 và 12 tháng 2 năm 2020, Sách hóa Nông thôn, Gyan-Key, Arham Foundation, đại diện Viện cây Đàn hương, đại diện Nghĩa Dũng Karate Việt Nam, anh Phùng Minh Châu, sinh viên Phạm Mạnh Cường cùng hàng trăm học sinh, giáo viên Ấn Độ đã đi bộ ở thành phố Pune và vùng nông thôn Saswad. Người Việt Nam và Ấn Độ đi bộ bên nhau để thúc đẩy ‘Sách về nông thôn Ấn Độ. Sách vì Quyền đọc sách của trẻ em toàn cầu. Sách chống biến đổi khí hậu’.

Chuyến đi bộ do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng nhằm thúc đẩy quyền đọc sách cho trẻ em toàn cầu.
Chuyến đi bộ do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng nhằm thúc đẩy quyền đọc sách cho trẻ em toàn cầu.

“Nghèo đói và lạc hậu” là định kiến của nhiều người Việt Nam dành cho Ấn Độ. Với anh đất nước ấy có những tiềm lực gì đáng ngạc nhiên?

Phân biệt đẳng cấp (castism) vẫn luôn là vấn đề tồn tại hàng ngàn năm ở Ấn Độ. Tầng lớp thấp nhất là dalit, nghèo khổ và thiếu nhiều cơ hội để vươn lên cao hơn. Ấn Độ cũng là nơi có nhiều thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới như Mumbai, New Deli. Đây cũng là nơi từng được cho là ít nhà vệ sinh nhất trên thế giới… Là một đất nước có nhiều nan đề, vậy họ có lối thoát không?

Gần đây, tôi đến một trường học để tặng sách và tham gia buổi nói chuyện giữa nhà văn, nhà thơ với học sinh. Trong hơn một giờ đồng hồ, khi người ta đọc thơ, ngâm thơ, thì những đứa trẻ đã khóc, đã cười, và gõ tay theo điệu nhạc, đó là lúc tôi tin vào tương lai của dân tộc đó. Khi mà con trẻ có đủ độ nhạy cảm để hiểu được giá trị thơ ca, cùng khóc với ngôn từ, mê đắm gõ tay nhạc điệu... sự thấu hiểu tri thức và khát khao tri thức của con trẻ rất lớn. Một đất nước mà người lớn nâng niu sự khát khao tri thức của con trẻ và con trẻ đáp lại trong sự thấu cảm thì dân tộc ấy sẽ luôn lớn mạnh.

Ấn Độ là nơi khai sinh ra các tôn giáo lớn như Hindu, Phật giáo, Kỳ Na Giáo, và cũng là quê hương của đại thi hào Targore. Trải qua một quá trình dài dung dưỡng và lũy tích những giá trị ấy, đất nước Ấn Độ còn có được một Gandhi vĩ đại. Ngày nay, rất nhiều công ty hàng đầu trên thế giới được lãnh đạo bởi những CEO sinh ra ở Ấn Độ hoặc người gốc Ấn Độ. Các kỹ sư, bác sĩ, nhà kinh tế, nhà khoa học Ấn Độ là đội ngũ được tuyển dụng nhiều hơn trong các công ty tư nhân và tổ chức chính phủ trên toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia có giải Nobel đứng thứ 3 Châu Á.

Là người Việt Nam, anh hiểu rõ về cấu trúc xã hội của nước ta để phát triển tủ sách nông thôn với mô hình đầu tiên là xây dựng Tủ sách dòng họ, vậy với Ấn Độ - một đất nước có bối cảnh hoàn toàn khác, anh đã có sự chuẩn bị gì để tiếp cận nơi này?

Tôi đã tìm hiểu khá nhiều về Ấn Độ, riêng chế độ phân biệt đẳng cấp, tôi đã xem nhiều phim tài liệu. Hiểu phần nào cấu trúc xã hội, tôn giáo, chính trị, nguồn vốn trong xã hội họ, tôi thấy những tiềm năng có thể góp phần đưa sách về nông thôn Ấn Độ. Chẳng hạn, hệ thống nhà thờ Hindu trong các ngôi làng, có thể là nơi làm được tủ sách.

Mô hình khởi điểm chúng tôi áp dụng ở Ấn Độ là Tủ sách Lớp học để thúc đẩy cha mẹ học sinh nông thôn Ấn Độ nhân rộng. Ở Việt Nam, chúng tôi gọi là Tủ sách Phụ huynh. Hiện tại, hơn 200 triệu đứa trẻ Ấn Độ đang thiếu sách đọc. Chúng tôi tin rằng khi thông tin về 200 triệu trẻ em Ấn Độ thiếu sách đến hàng trăm triệu cha mẹ học sinh, tầng lớp trung lưu và người Ấn kiều, thì nhiều người sẽ chung tay đưa sách đến lớp học. Mỗi tủ sách hết 85$ và có hơn 120 đầu sách.

Các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp cũng như người Ấn Độ ở nước ngoài, đã và đang đưa sách về nông thôn Ấn Độ. Tuy nhiên, họ chưa huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh nông thôn để chính người nông thôn tham gia giải quyết nạn thiếu sách. Xét về bình diện kinh tế, Tủ sách Phụ huynh là dạng thức của kinh tế chia sẻ. Mỗi phụ huynh chỉ cần góp từ 1 đến 2 đô để mua sách, thì con họ sẽ đọc được 100 cuốn sách trở lên, nghĩa là họ sẽ thấy được lợi ích hữu hình và họ sẽ tham gia. Cũng như ở Việt Nam, chúng tôi làm cho người dân thấy rằng, chính họ là tác nhân của sự thay đổi trên làng quê họ.

Đến nay anh đã đạt được những kết quả gì?

Nhờ vào sự đóng góp của người dân, 40 tủ sách đã được xây dựng ở các vùng nông thôn Ấn Độ.
Nhờ vào sự đóng góp của người dân, 40 tủ sách đã được xây dựng ở các vùng nông thôn Ấn Độ.

Về mặt hữu hình, chúng tôi đã cùng các bạn Ấn Độ đưa 40 tủ sách đến trường học và lớp học. Kế đến, chúng tôi cùng các bạn Ấn Độ tổ chức đi bộ quốc tế ở Ấn Độ để thúc đẩy ‘Sách về nông thôn Ấn Độ. Sách vì Quyền đọc sách của trẻ em toàn cầu. Sách chống biến đổi khí hậu’. Chuyến đi bộ đã được truyền thông rộng rãi ở cấp thành phố, cấp bang và cấp quốc gia Ấn Độ. UNESCO đã truyền thông sự kiện này.

Hôm trước, tôi gặp một người ở quán nước, họ hỏi “anh là người nước nào”, “tôi người Việt”, “anh sang làm gì?”, “tôi sang vận động cho trẻ em Ấn Độ có sách đọc”. Người đó sau đấy nói rằng: “Anh là người Việt nhưng lại sang đây để giúp cho đất nước tôi, còn tôi thì chưa làm được điều đó”. Khi một người thanh niên đã đặt câu hỏi cho mình, đó là quá trình thay đổi nhận thức, thì khi người Việt sang đó đi bộ để kêu gọi sách cho trẻ em Ấn Độ, sẽ có hàng triệu người Ấn Độ suy nghĩ như người thanh niên ấy. Từ việc ‘nghĩ’, nó sẽ mở đường cho việc họ ‘làm’ trong tương lai.


Malala Yousafzai, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Pakistan, người đã được trao giải Nobel năm 2014, từng nói: “Cách chiến đấu tốt nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố không phải là bằng súng ống. Mà là bằng những cây bút, những cuốn sách, những giáo viên và trường học.”


Xin anh cho biết những dự định của anh trong thời gian tới?

Trước mắt chúng tôi sẽ cùng các bạn Ấn Độ nỗ lực tạo ra mẫu lớn ở Ấn Độ, tài liệu hóa các bài học, để chia sẻ toàn cầu theo kênh của UNESCO, và của mạng lưới tổ chức phi chính phủ. Viết tài liệu hướng dẫn các đối tác Ấn Độ thực hiện Sách hóa Nông thôn bởi chính nguồn lực nông thôn.

Tôi đang hoàn thiện báo cáo 9 năm áp dụng mô hình gây quỹ 240.000 đồng/người Việt/năm để công bố với xã hội.

Tháng 4 năm nay, tôi sẽ kêu gọi một khoản tiền 500 triệu để thí điểm Ngôi nhà Chia sẻ để khuyến đọc, học tiếng Anh theo phương pháp mà tôi đã thí điểm, giáo dục STEM… ở vùng thuần nông để làm mẫu cho xã hội.

Ngoài những việc trước mắt kể trên, tôi sẽ tập trung nghiên cứu và viết chiến lược quốc gia đúc rút từ thực tiễn Sách hóa Nông thôn Việt Nam cũng như theo tiêu chuẩn của UNESCO để chia sẻ cho đối tác Ấn Độ và những nơi khác.

Xin cảm ơn anh!