Việt Nam và 5 quốc gia Đông Nam Á khác có kế hoạch kết nối hệ thống thanh toán sử dụng mã QR code cho các giao dịch bán lẻ trong khu vực, cho phép du khách du lịch qua các nước thanh toán đồ ăn, thức uống, mua sắm một cách đơn giản và tiện dụng, không cần đổi tiền.

Việt Nam ký kết thanh toán không tiền mặt với các nước ASEAN5 ngày 25/8/2023. Ảnh:
Việt Nam ký kết thanh toán không tiền mặt với các nước ASEAN5 ngày 25/8/2023. Ảnh:VietnamNews

Tại cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN ngày 25/8 tại Jakarta (Indonesia), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đã ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác kết nối thanh toán khu vực với ngân hàng trung ương các nước ASEAN5 gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore.

Theo đó, Việt Nam và 5 quốc gia Đông Nam Á này sẽ kết nối hệ thống thanh toán sử dụng mã QR code cho các giao dịch bán lẻ.

Thanh toán qua QR code cho phép người dùng thanh toán các món hàng tại cửa hàng bán lẻ mà không cần mang theo tiền mặt. Người dùng chỉ cần có điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng nội tệ, khi thanh toán họ đưa camera của điện thoại quét mã hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng.

Cách thanh toán này giúp du khách Việt khi đi du lịch qua các nước có thể thanh toán đồ ăn, thức uống, mua sắm một cách đơn giản và tiện dụng, không cần đổi tiền, không cần mang nhiều tiền mặt.

Trước đó, Việt Nam và Thái Lan đã có thỏa thuận chấp nhận sử dụng thanh toán qua QR code từ cuối năm 2022. Chúng đang áp dụng cho các tài khoản doanh nghiệp của người bán, với một số ngân hàng Việt Nam đã tham gia vào hệ thống bao gồm TP Bank, Vietcombank, Nam A Bank, Viettinbank, Sacombank …

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng lợi

Trên thực tế, sáng kiến kết nối thanh toán giữa các nước trong khu vực ASEAN đã được ngân hàng trung ương các nước ASEAN5 đưa ra từ cuối năm 2022, với tham vọng thiết lập các liên kết thanh toán thông suốt giữa những nền kinh tế lớn nhất của khu vực trong vòng 3 năm.

Cho tới nay, đã có 9 liên kết thanh toán song phương dùng mã QR giữa các quốc gia đang hoạt động (ví dụ, Indonesia -Thái Lan, Indonesia -Malaysia), và thêm 10 liên kết nữa đang được phát triển. Đối với lĩnh vực chuyển tiền, đã có 3 liên kết đi vào hoạt động (ví dụ, Singapore-Thái Lan) và 5 liên kết đang được thiết lập.

Dự kiến, trong thời gian tới, sáng kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới không chỉ trong khu vực ASEAN mà cả với các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, Hàn Quốc v.v.

Thanh toán không tiền mặt đang trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia ASEAN. Ảnh: Istock
Thanh toán không tiền mặt đang trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á. Ảnh: Istock

Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống thanh toán không tiền mặt xuyên biên giới của ASEAN có thể tạo ra một bước chuyển giúp thắt chặt các hoạt động kinh tế.

Chẳng hạn, một khách du lịch Malaysia đến mua sắm tại Singapore có thể thanh toán bằng tiền ringgit trong ví kỹ thuật số Malaysia của họ mà không phải đắn đo về việc tìm nơi đổi tiền. Hoặc một công nhân Indonesia sống và làm việc tại Thái Lan có thể gửi lương bằng đồng baht trong ví kỹ thuật số của Thái Lan đến ví của người thân trong gia đình họ tại Indonesia. Phí và tỷ giá hối đoái sẽ được xác định theo thỏa thuận chung giữa các ngân hàng trung ương.

Khi có giao dịch, tiền sẽ được rút trực tiếp từ tài khoản, điều sẽ gây ra áp lực cạnh tranh với các nhà cung cấp thẻ ngân hàng như MasterCard, Visa, American Express và JCB.

Thanh toán QR ASEAN không áp dụng phí cho chủ thẻ và người bán hàng. Nó cũng có tỷ lệ chuyển đổi ngoại tệ tốt hơn so với tỷ lệ được thiết lập bởi các đơn vị xử lý thanh toán tư nhân như Visa hoặc American Express.

Do vậy, những doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi thông qua việc giảm các loại chi phí trung gian. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, các công ty như vậy chiếm hơn 90% các doanh nghiệp ở Đông Nam Á.

Hệ thống mới của ASEAN cũng sẽ cho phép các thương gia và người tiêu dùng xây dựng lịch sử thanh toán và cung cấp dữ liệu có giá trị để chấm điểm tín dụng. Điều đó đặc biệt có lợi cho các phân khúc dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng và những người thường không có quyền truy cập vào dữ liệu đánh giá tín dụng như vậy.

Trong tầm nhìn này, các nhà phân tích cho rằng các ngành bán lẻ sẽ đặc biệt được hưởng lợi trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng ASEAN dự kiến tăng, từ đó có thể thúc đẩy ngành du lịch. Thậm chí, trong tương lai, chúng có thể góp phần thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Việc gia tăng các giao dịch không dùng tiền mặt cũng cho phép các nhà hoạch định chính sách nắm bắt dữ liệu giao dịch và luồng giao dịch hiệu quả hơn, từ đó giúp dự báo kinh tế và hoạch định chính sách tốt hơn.

Giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài khối

Trên thế giới hiện chưa tồn tại một hệ thống thanh toán toàn khu vực như thế. Ông Satoru Yamadera, cố vấn tại Phòng tác động phát triển và nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á, đánh giá: "Nỗ lực của các ngân hàng trung ương ASEAN là sáng tạo và mới lạ. Ở các khu vực khác như châu Âu, kết nối thanh toán bán lẻ thông qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ phổ biến hơn. Trong khi đó, Trung Quốc nổi tiếng về thanh toán bằng mã QR tiên tiến, nhưng chúng chưa được kết nối như mã QR của ASEAN".

Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng hệ thống thanh toán mà các nước Đông Nam Á đang thử nghiệm có khả năng làm giảm sự phụ thuộc của khu vực vào các loại ngoại tệ dễ bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng liên tiếp.

Đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Capital
Đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Capital

Ông Nico Han, nhà phân tích Đông Nam Á tại bộ phận tư vấn và phân tích của tạp chí The Diplomat, nói với CNBC: "Hệ thống này sẽ giúp ASEAN không cần sử dụng đến đồng USD hoặc nhân dân tệ làm trung gian".

Ông giải thích, một hệ thống thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới thống nhất sẽ "thúc đẩy ý thức về chủ nghĩa khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề quốc tế".

Tuy nhiên, CNBC cho rằng, việc tăng cường kết nối thanh toán trong khu vực có khả năng làm giảm rào cản thanh toán và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nhưng điều đó có thể vô tình gây áp lực lên một số loại tiền tệ nhất định, đặc biệt là đồng đô-la Singapore.

"Với sức mạnh và sự ổn định của đồng đô-la Singapore, cả doanh nghiệp quốc tế và khu vực có thể chọn nắm giữ nhiều vốn lưu động hơn bằng đô-la Singapore, dựa vào mạng thanh toán mới để chuyển đổi tiền tệ hiệu quả", ông Nicholas Lee, chuyên gia phân tích công nghệ tại Global Counsel, nhận xét.

Trong trường hợp này, các loại tiền tệ khác trong khu vực sẽ bị giảm sức mua, dẫn đến lạm phát nhập khẩu cao hơn nếu các ngân hàng trung ương không can thiệp.