Với thâm niên 44 năm tồn tại và hết hạn, vào ngày 27/8 vừa qua, Hiệp ước hợp tác khoa học hai nước tiếp tục được gia hạn tạm thời trong vòng sáu tháng. Nhưng giới khoa học vẫn đang đặt câu hỏi về việc, sau động thái này, có các đổi mới lâu dài trong hợp tác nghiên cứu giữa hai nước hay không.

Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký thỏa thuận hợp tác vào năm 1979. Ảnh: Dirck Halstead/Liaison/Getty
Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký thỏa thuận hợp tác vào năm 1979. Ảnh: Dirck Halstead/Liaison/Getty

Hiệp ước này được ký lần đầu vào năm 1979, và kể từ đó trải qua bốn thập niên rưỡi thăng trầm ngoại giao giữa hai nước, được gia hạn cứ mỗi năm năm một lần nhằm khuyến khích hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, trường đại học và tổ chức của Mỹ và Trung Quốc trong thực hiện nghiên cứu về nông nghiệp, năng lượng, y tế, môi trường và các lĩnh vực khác. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và Mỹ cho biết, thỏa thuận này không chỉ có vai trò thiết thực trong việc thúc đẩy hợp tác khoa học giữa hai nước mà còn có giá trị biểu tượng to lớn.

Căng thẳng gia tăng

Thỏa thuận hợp tác có 11 điều khoản gồm các cam kết rất rộng về sự hợp tác “có đi có lại”, việc tiếp nhận các nhà khoa học hai nước (tới nghiên cứu), công bố các kết quả nghiên cứu và một ủy ban chung để giám sát hợp tác. Li Tang, nhà nghiên cứu chính sách công tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết nếu “từ bỏ một thỏa thuận lâu dài như vậy có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ đang diễn ra trong lĩnh vực khoa học và giáo dục” giữa hai quốc gia.

Khi được gia hạn lần cuối vào năm 2018, bản thỏa thuận đã được sửa đổi để tăng cường quyền đối với tài sản trí tuệ được tạo ra từ các hợp tác nghiên cứu giữa quốc gia. Nhưng kể từ đó, quan hệ giữa hai cường quốc này lại rơi vào căng thẳng, có khả năng sự căng thẳng đó là một phần lý do khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định chỉ áp dụng gia hạn ngắn hạn.

Trong vài năm gần đây, có nhiều động thái từ cả hai bên làm rạn nứt mối quan hệ khoa học giữa hai nước. Trong số các chương trình làm suy giảm mối quan hệ ngoại giao khoa học hai nước, có một sáng kiến của Mỹ để bảo vệ các phòng thí nghiệm và doanh nghiệp khỏi hoạt động gián điệp khoa học. Vào tháng 7/2022, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, trong đó có tăng cường các biện pháp thắt chặt an ninh nghiên cứu, chẳng hạn như yêu cầu các tổ chức Mỹ phải báo cáo khi nhận nguồn tài trợ hoặc quà tặng trị giá 50.000 USD trở lên từ chính phủ nước ngoài (giới hạn phải báo cáo trước đó là 250.000 USD). Còn về phía mình, Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế tiếp cận dữ liệu học thuật và y tế từ Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư. Cụ thể, vào tháng tư năm nay, Trung Quốc đã đóng cửa một số cơ sở dữ liệu học thuật trên cổng thông tin khoa học CNKI đối với các học giả nước ngoài, với lý do an ninh quốc gia.


Nếu từ bỏ một thỏa thuận hợp tác có thâm niên như vậy thì sẽ có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ đang diễn ra trong lĩnh vực khoa học và giáo dục giữa hai quốc gia.

Li Tang


Đối với việc tiếp tục gia hạn thỏa thuận này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ có ý định đàm phán để sửa đổi thỏa thuận và trong những thách thức do chiến lược khoa học và công nghệ của Trung Quốc đặt ra, bảo vệ sở hữu trí tuệ và mối đe dọa đối với an ninh Mỹ là những vấn đề trọng tâm được cân nhắc. “Việc gia hạn ngắn, trong vòng sáu tháng này nhằm duy trì hiệu lực của thỏa thuận trong khi chúng tôi tiến hành các cuộc đàm phán nhằm sửa đổi và củng cố các điều khoản của [thỏa thuận]”.

Trong khi đó, Trung Quốc tỏ ra muốn gia hạn, khi truyền thông nhà nước ca ngợi lợi ích của việc hợp tác nghiên cứu và đại sứ Trung Quốc tại Washington sẽ gặp gỡ các tổ chức khoa học Mỹ trước khi thỏa thuận hết hạn.

Quan điểm khác biệt giữa giới chính trị và khoa học

Tại Quốc hội Mỹ, có những ý kiến cho rằng bắt buộc phải đánh giá rủi ro và có cơ chế giám sát thỏa thuận, thậm chí có ý kiến cho rằng thỏa thuận có thể là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và đã kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận. Trong bức thư ngày 27/6 gửi Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, một số thành viên của ủy ban về Trung Quốc trong Hạ viện Mỹ cho rằng quan hệ đối tác nghiên cứu giữa các cơ quan Chính phủ Mỹ và Trung Quốc được tổ chức theo thỏa thuận có thể đã phát triển chính các công nghệ mà sau này có thể được sử dụng để chống lại Mỹ.

Nhưng giới khoa học thì có quan điểm khác. Một số nhà khoa học đã vận động để Chính phủ Mỹ tiếp tục thỏa thuận. Trong một lá thư gửi cho Tổng thống Joe Biden vào ngày 24/8, các nhà vật lý Steven Kivelson và Peter Michelson tại Đại học Stanford ở California đã nêu, thỏa thuận này đem lại một khuôn khổ quan trọng cho sự hợp tác giữa hai nước và việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc “sẽ tác động trực tiếp và tiêu cực” đến công việc của các nhà nghiên cứu. Hơn 1.000 học giả đã ký vào bức thư.

Kivelson, là một nhà vật lý lý thuyết nghiên cứu vật liệu lượng tử, cho biết, nhiều nghiên cứu sinh và tiến sĩ giỏi nhất của ông đến từ Trung Quốc. Công việc nghiên cứu vật lý của ông phải dựa vào thực nghiệm được thực hiện ở Trung Quốc. “Toàn bộ lĩnh vực này phụ thuộc rất nhiều và được hưởng lợi từ mối hợp tác với các đồng nghiệp ở Trung Quốc”, Kivelson nói.

Jenny Lee, nhà nghiên cứu giáo dục đại học và phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học Arizona, Tucson, nói rằng, nếu thỏa thuận bị hủy bỏ, nó có thể gây tổn hại cho hoạt động nghiên cứu và giáo dục đại học ở Mỹ nhiều hơn ở Trung Quốc. Năm 2022 đã đánh dấu một mốc quan trọng: Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, vươn lên dẫn đầu trong các quốc gia xuất bản các bài báo nghiên cứu chất lượng cao (được trích dẫn nhiều nhất). Trung Quốc chiếm 27,2% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, trong khi Mỹ đóng góp 24,9%, theo báo cáo “Các chỉ số Khoa học và Công nghệ Nhật Bản”, đánh giá các công bố quốc tế từ năm 2018 đến năm 2020.

Chưa rõ Chính phủ Mỹ sẽ có những sửa đổi thỏa thuận như thế nào, nhưng các nhà khoa học vẫn quan sát và có thái độ “lạc quan một cách thận trọng” về việc hai nước có thể đi đến thống nhất về một hướng đi đặt nền móng cho hợp tác trong tương lai.