Nhóm các nhà nghiên cứu ở trường ĐH Huế và ĐH Okayama (Nhật Bản) đã thực hiện một nghiên cứu tìm hiểu vấn đề: biến đổi khí hậu sẽ tác động như thế nào đến môi trường sống, sinh kế của các dân tộc thiểu số ở Việt nam.
Họ đã sử dụng chỉ số tổn thương sinh kế tham chiếu khung của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (LVI-IPCC) để xem xét trường hợp hai cộng đồng dân tộc thiểu số Pa Cô và Cơ Tu sinh sống ở khu vực miền núi TT-Huế. Kết quả cho thấy người Pa Cô có xu hướng dễ bị tổn thương hơn người Cơ Tu, chủ yếu là do chỉ số nhạy cảm với thảm họa thiên nhiên cao hơn. Các hộ gia đình có sinh kế đa dạng, không phụ thuộc vào một nguồn sống duy nhất thì ít bị tổn thương hơn trước những thay đổi của khí hậu và môi trường tự nhiên, đặc biệt là đối với người Pa Cô.
Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra là những hộ nghèo và bố/mẹ đơn thân cũng có xu hướng hứng chịu nhiều rủi ro hơn các giai đình khác; những hộ gia đình có nhận thức về biến đổi khí hậu cao hơn sẽ tránh được nhiều rủi ro hơn.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, trong các kế hoạch và chương trình phát triển ở nhiều quy mô, cần ưu tiên xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ học vấn cho các dân tộc thiểu số vùng cao, những người rất nhạy cảm và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thấp nên là ưu tiên hàng đầu. Đa dạng hóa sinh kế và nâng cao trình độ học vấn cho các dân tộc thiểu số sẽ là bước đầu tiên để giảm nghèo, từ đó có thể cải thiện khả năng thích ứng của họ.
Kết quả nghiên cứu được nêu trong công bố “Livelihood vulnerability to climate change: Indexes and insights from two ethnic minority communities in Central Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Environmental Challenges.
Thanh Hương