Chính quyền Canada cho biết họ đang lên chương trình đầu tư lên tới 25 triệu đô la Canada (tương đương 16,75 triệu bảng) mỗi năm để hợp tác khoa học với nhiều quốc gia khác, trong đó có việc tham gia chương trình R&D lớn nhất châu Âu, Horizon 2021.

Canada đầu tư cho các dự án nghiên cứu lớn để các nhà khoa học Canada có thể làm việc các đồng nghiệp hàng đầu thế giới.
Canada đầu tư cho các dự án nghiên cứu lớn để các nhà khoa học Canada có thể làm việc các đồng nghiệp hàng đầu thế giới.

Mở đường cho nhà khoa học tham gia các dự án lớn

Chính quyền Trudeau đã thực hiện một chính sách đầu tư cho khoa học nhất quán kể từ tháng 11/2015: tăng cường kinh phí cho nghiên cứu 9,4 tỷ đô la Canada nhằm thiết lập 5 “siêu dự án đổi mới sáng tạo” cho R&D (bao gồm AI để hình thành chuỗi cung cấp công nghệ AI và robotics ứng dụng cho tương lai; công nghệ số hóa với việc sử dụng dữ liệu, máy tính lượng tử để giải quyết các vấn đề của ngành công nghiệp, y tế, các vấn đề phát triển bền vững; các ngành công nghiệp protein để hỗ trợ ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp; sản xuất tiên tiến với việc thiết lập các công ty sản xuất sẵn sàng phát triển các công nghệ mới như robotics, in 3D; giải quyết các vấn đề toàn cầu như năng lượng tái tạo, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, khai thác dầu khi, vận tải…) và thúc đẩy ngoại giao khoa học để đạt được các mục tiêu đề ra trong chính sách hướng ngoại của mình.

Theo Ted Hewitt, chủ tịch Ủy ban điều phối nghiên cứu Canada – tổ chức quản lý các khoản đầu tư cho khoa học ở nước ngoài, Canada cần phải thúc đẩy hợp tác quốc tế trong những vấn đề khoa học. Thông qua các mối quan hệ như vậy, các chuyên gia Canada sẽ có cơ hội nghiên cứu các vấn đề của thế giới và của chính Canada.

Chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu của Canada nằm trong dòng chảy chung của thế giới hiện nay: các chương trình khoa học xuyên biên giới xuất hiện khắp toàn cầu, các khoản kinh phí dành cho R&D công và tư không ngừng gia tăng để giải quyết những vấn đề ngày càng nóng của thế giới hiện nay như biến đổi khí hậu, y tế…

Hiện thời nhiều nhà khoa học Canada chờ đợi vào việc mở rộng hợp tác nghiên cứu với EU. Trước mắt là EU hỗ trợ các nhà khoa học Canada vào 66 dự án của chương trình Horizon 2020. Bước tiếp theo của Canada là trở thành một thành viên đầy đủ của Horizon Europe. Canada hiện là một trong 8 quốc gia được EU lựa chọn thảo luận về tư cách thành viên tham gia Horizon Europe, chương trình có tổng kinh phí đầu tư 94,1 tỷ euro và diễn ra trong vòng 7 năm.

Tuy nhiên việc đàm phán để đi đến thỏa thuận về Horizon Europe không dễ dàng, bởi sự xuất hiện của một nước Anh hậu Brexit khiến châu Âu cần phải cân nhắc các điều khoản hợp tác quốc tế. Để đi tới những thỏa thuận có lợi cho khoa học, Ted Hewitt cho rằng hai bên cần phải đơn giản hóa các vấn đề, chính sách đầu tư cho các nhà khoa học mỗi bên và đi đến các dự án hợp tác mà không cần đầy đủ các thủ tục. Sau khi cho rằng Canada đã sẵn sàng đầu tư cho các nhà nghiên cứu EU và tháo bỏ các rào cản cần thiết, ông nói “tôi mong EU cũng làm như vậy với các hồ sơ đề xuất của Canada. Nếu EU quan tâm đến việc xây dựng những nhóm nghiên cứu quốc tế xuất sắc nhất thì tại sao lại không áp dụng cách làm tương tự”.

Quốc tế hóa các dự án nghiên cứu

Thật vậy, các chương trình khoa học của Canada hiện là một trong những chương trình mở bậc nhất thế giới. Hội đồng nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn do Hewitt là chủ tịch trong năm tài chính 2018 đã cam kết đầu tư 34 triệu đô la Canada cho nghiên cứu quốc tế, ủng hộ công việc của hơn 1.400 nhà nghiên cứu thuộc 84 quốc gia trên thế giới tham gia. Bằng việc liên kết với các đồng nghiệp Canada, những nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia trên thế giới có thể tham gia các dự án và nhận tài trợ của chính phủ nước này. Ví dụ trong hợp tác với các hội đồng nghiên cứu của Mexico và EU, họ đã đồng tài trợ cho dự án nghiên cứu về cách các thành phố lớn có thể thực hiện quản lý, điều phối một cách tốt nhất các dịch vụ công về ban đêm, một vấn đề khó giải quyết ở các siêu đô thị trên toàn cầu.

Hewitt nói bước tiếp theo sẽ là việc thiết lập chương trình Những lĩnh vực mới (New Frontiers) một cách cụ thể về hợp tác quốc tế, nhằm tạo ra cách thức để các nhà nghiên cứu Canada có thể tham gia vào các chương trình khoa học của nhiều quốc gia khác, bao gồm cả EU, với ngân sách khoảng 130 triệu đô la Canada. “Chúng tôi muốn tạo ra một đường dẫn trực tiếp tới các nhà nghiên cứu quốc tế,” Hewitt cho biết.

Với khoản đầu tư 12 triệu đô la Canada, Hội đồng nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn của ông sẽ hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới Anh (UKRI) để cùng nghiên cứu về AI.

AI - Lĩnh vực ưu tiên của chính phủ Canada

Peter van Beek, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu AI tại trường Đại học Waterloo, cho biết, ngay từ năm 2017, có khoảng 350 triệu đô la Canada từ ngân sách chính phủ đầu tư cho chiến lược Pan-Canadian AI và Scale AI nhằm đạt được 4 mục tiêu cơ bản: tăng cường số lượng các nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới và những người tốt nghiệp ngành AI có kỹ năng tốt; thành lập những điểm kết nối với khoa học thế giới thông qua ba trung tâm lớn về AI tại Edmonton, Montreal và Toronto; tăng cường sức ảnh hưởng ra ngoài cầu về kinh tế, đạo đức và chính sách phát triển AI; hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu quốc gia về AI. Hiện tại, Canada đã có một vài gương mặt xuất sắc như Geoffrey Hinton, một nhà tiên phong về học máy và là một trong ba người đoạt giải thưởng Turing 2018, đã nhiều năm nghiên cứu ở trường Đại học Toronto từ những năm 1990 trước khi công nghệ này trở thành một phần quan trọng trong các công ty như Google, Facebook.

Sự đầu tư của Chính phủ Canada đã bắt đầu dẫn đến sự thành lập của nhiều công ty bên ngoài các phòng thí nghiệm của trường Đại học Waterloo, van Beek nhận xét. “Trong năm ngoái, có khoảng 90 đến 100 công ty như vậy thành lập tại đây. Nó thực sự là cơ hội lớn cho sinh viên của chúng tôi”, ông nói.

Theo van Beek, AI đang bắt đầu chuyển đổi cách nghiên cứu được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, từ vật lý thiên văn đến phát triển thuốc, vì vậy việc đầu tư vào công nghệ sẽ dẫn đến lợi ích ở nhiều lĩnh vực khác.