Mô hình học 2 buổi/ngày là xu hướng được nhiều nước trên thế giới cố gắng áp dụng từ hàng chục năm trở lại đây.

Ngày 27/5/2020, nhiều báo đưa tin ở Bình Định có 3 học sinh, buổi trưa sau giờ tan học đi tắm mương và không may chết đuối thương tâm. Đây không phải là sự việc đáng tiếc hiếm hoi. Lên Google gõ một số từ khóa như “sau giờ học + học sinh + chết đuối/tai nạn…”, có thể tìm ra hàng chục trường hợp tương tự trong hơn 10 năm qua.

Cho đến những khoảng năm 2000, việc trường phổ thông ở Việt Nam chỉ dạy 1 buổi/ngày cho học sinh (sáng hoặc chiều) vẫn là rất phổ biến. Sau giờ học, nếu không phải học thêm, hoặc gia đình không có điều kiện quản lý, học sinh sẽ khá tự do, nhiều cháu rủ nhau đi chơi và thi thoảng chúng ta lại thấy báo chí đưa tin về một vụ việc đau lòng như kể ở trên.

Từ những năm 1990, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy sự bất cập của vấn đề này và có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các trường phổ thông trong cả nước tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Học sinh học từ sáng đến chiều, trong nhiều trường hợp là ăn bán trú tại trường luôn. Ví dụ Quyết định số 2164/GD-ĐT năm 1995 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định tất cả các trường tiểu học thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày phải có diện tích khu đất xây dựng tăng thêm 25%.

Điều này được xem là một giải pháp có nhiều lợi ích. Thứ nhất, nó hạn chế học sinh rủ nhau đi chơi tự phát, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Thứ hai, hạn chế việc học thêm, dạy thêm vô tội vạ trước đó, do thầy/cô giáo tổ chức ở nhà riêng/địa điểm ngoài nhà trường. Thứ ba, tạo tiền đề cho nhà trường phát triển các chương trình giáo dục tổng thể, chuyên biệt, cá nhân hóa, theo dạng câu lạc bộ, chương trình ngoài giờ… chứ không đơn thuần là dạy văn hóa hay các môn cơ bản như trước. Thứ tư, “giải phóng” phụ huynh, để họ yên tâm đi làm 8 giờ/ngày, không phải lo đón con, trông con như trước nữa.

Cho đến nay, theo quy định mới nhất về cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục và đào tạo (Quyết định 4998/QĐ-BGDĐT năm 2021), bên cạnh các chỉ tiêu khác, chỉ tiêu số lượng học sinh đi học 2 buổi /ngày hoặc số lượng lớp học đi học 2 buổi/ngày vẫn là những chỉ số được theo dõi, thống kê hằng năm.

Thực hiện chủ trương này, hằng năm, Bộ và địa phương đều ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn nhằm đảm bảo việc triển khai dạy 2 buổi/ngày một cách hiệu quả, chất lượng, minh bạch, tránh lạm dụng, biến tướng.

Học 2 buổi/ngày tạo tiền đề cho nhà trường phát triển các chương trình giáo dục tổng thể, chuyên biệt, cá nhân hóa, theo dạng câu lạc bộ, chương trình ngoài giờ… chứ không đơn thuần là dạy văn hóa hay các môn cơ bản. Ảnh minh họa: phenikaa.edu.vn

Đối sánh với thế giới thì học 2 buổi/ngày cũng là xu hướng chung được nhiều nước trên thế giới cố gắng áp dụng từ hàng chục năm trở về đây.

Trong tiếng Anh, thuật ngữ chỉ việc tổ chức lớp học theo mô hình 2 buổi/ngày được gọi là “one shift school” hoặc “single shift school” – hàm ý học một lớp từ sáng đến chiều; để phân biệt với mô hình cũ là “double shift school” (phòng học được sử dụng bởi hai lớp khác nhau vào ca sáng và ca chiều). Ví dụ, trong bài báo “Các trường học bán trú và nội trú tại Xô-viết”, tác giả Kaser cho biết trong những năm 1960, Chính phủ Xô-viết đã dành đến 1/3 ngân sách cho giáo dục để nâng cấp cơ sở vật chất của các trường học sao cho các trường có thể tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày [1]. Tương tự, trong một nghiên cứu có tên gọi “Nhiều thời gian hơn ở trường: Bài học từ các trường hợp điển hình và nghiên cứu về việc kéo dài thời gian ở trường”, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OECD đã tổng kết kinh nghiệm triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày tại các nước Áo, Chile, Colombia, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Uruguay [2].

So với mô hình 1 buổi/ngày thì rõ ràng mô hình 2 buổi/ngày cần nhiều chuẩn bị về điều kiện, cơ sở vật chất, nguồn lực hơn. Cụ thể, để duy trì mô hình 2 buổi/ngày, thì từng trường học phải đảm bảo một số điều kiện sau:

• Tỷ lệ phòng học/lớp học phải đảm bảo tối thiểu 1/1, nghĩa là mỗi lớp học phải có tối thiểu 1 phòng học để dùng cả ngày.

• Phải đủ số giáo viên có thể dạy cả ngày (ví dụ ở bậc tiểu học không thể nào một cô dạy cả lớp từ sáng đến chiều được).

• Khung chương trình phải đủ để lấp đầy lịch cả ngày.

• Nguồn lực tài chính để chi trả cho các chi phí phát sinh.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, dù rất cố gắng nhưng tỷ lệ lớp học hoặc học sinh phổ thông được học 2 buổi/ngày vẫn tương đối thấp, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn. Ví dụ, ngay tại địa phương lớn nhất cả nước là TPHCM, trong năm học 2021-2022, cũng chỉ có 7/22 quận hoàn thành chỉ tiêu 100% học sinh tiểu học đi học 2 buổi/ngày, mặc dù tiểu học là đối tượng ưu tiên thụ hưởng chính sách này [3].

Để có thể triển khai mô hình 2 buổi/ngày, điều kiện số 1 - ít nhất phải có 1 phòng học/lớp học để học cả ngày - là tiên quyết.

Tại một số nơi chỉ thỏa mãn điều kiện số 1 thì mô hình xã hội hóa, cho phép các trung tâm, đơn vị tư nhân trong lĩnh vực giáo dục tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo theo nhu cầu của gia đình học sinh là giải pháp được lựa chọn. Theo đó, nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy chương trình chính khóa khoảng 1,5 buổi, khoảng 0,5 buổi còn lại (tương đương 2-3 tiết) do trung tâm, đơn vị tư nhân đảm nhiệm. Nội dung giảng dạy ở 2-3 tiết này thường sẽ là toán tăng cường, tiếng Anh tăng cường, STEM, các môn năng khiếu, hoạt động trải nghiệm… Tất nhiên, về nguyên tắc, đây là phần nội dung tự nguyện và học sinh có quyền không tham gia, nếu không muốn. Mặc dù không có số liệu chính xác, nhưng có thể nói mô hình 2 buổi/ngày theo phương thức xã hội hóa mới là phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, rất ít trường/địa phương có thể tự triển khai hoàn toàn mô hình 2 buổi/ngày với lực lượng giáo viên và chương trình của chính mình.

Mấy tuần gần đây, trên mạng xã hội và truyền thông, câu chuyện về mô hình 2 buổi/ngày đang thu hút sự chú ý của công luận. Nguyên nhân là bởi có một số ý kiến ​​cho rằng mô hình 2 buổi/ngày trong thực tiễn triển khai đã xảy ra biến tướng, theo đó, các nội dung do các trung tâm tư nhân cung cấp theo phương pháp xã hội hóa không bảo đảm về chất lượng, học sinh và phụ huynh không được lựa chọn và thậm chí là chí bị o ép để buộc phải học thông qua các “đơn đăng ký tự nguyện”.

Là phụ huynh có con đang học ở trường phổ thông, một mặt, tôi cũng phản đối tất cả các hình thức bắt ép “tự nguyện trá hình”, và cho rằng đó là hiện tượng cần được khắc phục, chấn chỉnh. Nhưng mặt khác, tôi cho rằng, chúng ta cần ủng hộ mô hình 2 buổi/ngày bởi những ưu điểm của nó như phân tích ở trên. Nhất là khi mô hình này đã rất phổ biến, hay nói cách khác là được chứng minh, trên toàn thế giới.

Trong xã hội, sẽ luôn có một lượng phụ huynh nhất định có nhu cầu gửi gắm con tại trường sau giờ học chính khóa để được học các nội dung tăng cường có chất lượng đảm bảo (do đã được các Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định), chi phí cạnh tranh, đảm bảo an toàn và không phải đi lại – đưa đón nhiều.

Với người làm chính sách, đưa ra các quy định để đảm bảo quyền được học thêm của học sinh cũng quan trọng không kém việc đảm bảo quyền không “bắt buộc” phải đi học thêm vậy.


---


[1] Ambler, E. (1961). Trường nội trú Liên Xô . Tạp chí Slavic và Đông Âu của Mỹ, 20 (2), 237-252.

[2] Radinger, T., & Boeskens, L. (2021). Thêm thời gian ở trường: Bài học từ các trường hợp điển hình và nghiên cứu về những ngày học kéo dài . Tài liệu làm việc về giáo dục của OECD.

[3] Huyền Nguyễn. TP.HCM: Chỉ 7 quận có 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày . Báo Lào động ngày 31/8/2022