Ngày hội STEM Quốc gia 2023 đưa ra một thông điệp tham vọng hơn, do đó đòi hỏi sự bứt phá quyết liệt hơn của các thành phần trong hệ sinh thái giáo dục STEM.

“Những năm qua, chúng ta đã có nhiều hành động thúc đẩy nhận thức và lan tỏa giáo dục STEM, bởi vậy giờ là lúc bứt phá lên một tầm cao mới, hướng tới chất lượng và thậm chí là sự hội nhập quốc tế. Đó là lý do vì sao Ngày hội năm nay có tên gọi ‘Việt Nam, bứt phát tầm cao’,” TS Đặng Văn Sơn, đồng trưởng ban tổ chức Ngày hội STEM Quốc gia 2023, diễn ra vào cuối tuần qua, giải thích.

Đây là sự kiện tiên phong, lớn nhất và duy nhất về giáo dục STEM trên quy mô cả nước, được tổ chức theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng và Liên minh STEM dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ kể từ năm 2015.

Có mấy ấn tượng về sự khác biệt rõ rệt ở sự kiện năm nay mà bất cứ ai đã chăm chỉ tham dự những Ngày hội STEM Quốc gia trước đây đều dễ dàng nhận thấy.

Thứ nhất, việc tổ chức vòng chung kết của hai cuộc thi tên lửa nước và robot đã mang đến cho Ngày hội một bầu không khí cực kỳ háo hức. Hơn một trăm đội thi cùng với khán giả làm thành những đám đông vòng trong vòng ngoài náo động.

Nhóm học sinh Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội, đang cố tìm hiểu vì sao robot của mình “thử kêu đốt tịt” tại vòng chung kết Giải vô địch STEM Robotics Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội STEM Quốc gia 2023. Ảnh: TA
Vòng trong vòng ngoài xem thi đấu robot trong khuôn khổ Ngày hội STEM Quốc gia 2023. Ảnh: TA

Thứ hai, các hoạt động trưng bày, trải nghiệm được tổ chức theo những chủ đề rõ rệt, chứ không phải là có gì bày nấy. Có thể kể ra bốn chủ đề chính: thiên văn - vũ trụ, robotics, thực tế ảo, dịch vụ giáo dục STEM với cả trăm hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động dành cho cả những em bé ở độ tuổi chưa đến trường.

Thứ ba, việc dời thời điểm tổ chức Ngày hội từ tháng Năm sang tháng Chín đã được chứng minh là một quyết định sáng suốt. Các hoạt động ngoài trời được tiết trời thu mát mẻ ủng hộ nên hoàn toàn diễn ra trong sự dễ chịu, thoải mái, và vui thích.

Nhóm học sinh Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội, đang cố tìm hiểu vì sao robot của mình “thử kêu đốt tịt” tại vòng chung kết Giải vô địch STEM Robotics Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội STEM Quốc gia 2023. Ảnh: TA
Nhóm học sinh Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội, đang cố tìm hiểu vì sao robot của mình “thử kêu đốt tịt” tại vòng chung kết Giải vô địch STEM Robotics Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội STEM Quốc gia 2023. Ảnh: TA

Thứ tư, Ngày hội thật sự có dáng dấp của một Ngày Gia đình. Ở bất cứ góc nào cũng có thể bắt gặp cảnh các ông bố bà mẹ kiên nhẫn xem con lập trình, lắp ráp mô hình; cùng con quan sát một thí nghiệm hay đi Labtour.

Một ông bố kiên nhẫn ngồi xem con trai lắp ráp mô hình tại Ngày hội STEM Quốc gia 2023. Ảnh: TA
Một ông bố kiên nhẫn ngồi xem con trai lắp ráp mô hình tại Ngày hội STEM Quốc gia 2023. Ảnh: TA

Cuối cùng, đó là sự chu đáo, không có gì mới lạ nhưng vẫn hết sức ấn tượng, của chủ nhà Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài việc đóng góp cho Ngày hội không gian ngoài trời thoáng rộng và xanh tươi hay hội trường với ghế ngồi tiện nghi và màn hình lớn như trong rạp chiếu bóng, các gian trưng bày của trường cũng được tổ chức hoàn hảo. Chẳng hạn, bên mô hình thiết bị bay sơn, rửa tự động phục vụ công trình cao tầng của Trường Cơ khí luôn có người túc trực để giải đáp mọi câu hỏi của người xem; không gian trải nghiệm lắp ráp mô hình có mạch điện, cũng của Trường Cơ khí, được phân chia theo nhiều độ tuổi để mọi học sinh đều có thể tham gia; gian hàng trải nghiệm điều khiển mô hình xe đua của Trường Điện – Điện tử thì có sẵn cả chục bộ sản phẩm để nhiều người có thể chơi cùng một lúc, không phải chờ đợi lâu… Những phòng thí nghiệm mở cửa đón khách Labtour đều là những phòng thí nghiệm hiện đại nhất của trường, trong đó có một phòng thí nghiệm do Đức đầu tư đang sử dụng các máy móc kiểm thử vật liệu thuộc dạng công nghệ cao hàng đầu thế giới.

Sinh viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, hướng dẫn các em nhỏ lắp mạch điện để mô hình con sâu di chuyển được tại Ngày hội STEM Quốc gia 2023. Ảnh: TA
Sinh viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, hướng dẫn các em nhỏ lắp mạch điện để mô hình con sâu di chuyển được tại Ngày hội STEM Quốc gia 2023. Ảnh: TA

Dù chỉ diễn ra trong một ngày, Ngày hội STEM Quốc gia 2023 đã nói lên nhiều điều: mối quan tâm ngày càng lớn của chính quyền, nhà trường và phụ huynh dành cho giáo dục STEM; sự nở rộ của các công ty trong lĩnh vực giáo dục STEM; và sự sẵn sàng chung tay của cộng đồng trong việc thúc đẩy giáo dục STEM.

Bước đầu để bứt phá

Giáo dục STEM hiện đang có vị trí, vị thế quan trọng trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vì nó góp phần tạo ra môi trường học tập thú vị, giàu trải nghiệm thực tế, trang bị và tăng cường cho học sinh nhiều năng lực, phẩm chất, và kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21 như tư duy logic, làm việc nhóm, khả năng nghiên cứu, tinh thần sáng tạo, tư duy phản biện. Điều này được TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nhắc đi nhắc lại trong bài trình bày tại hội thảo STEM Không biên giới trong khuôn khổ Ngày hội. Ông cho biết, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, STEM chính thức được triển khai như một phương thức giáo dục. Theo đó, các trường được yêu cầu dựa trên dạy học tích hợp để tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng ở các môn tương ứng: Toán, Khoa học, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, Tin học.

Hướng dẫn chi tiết đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo công văn 3089 năm 2020 cho khối Trung học và công văn 909 năm 2023 cho khối Tiểu học. Như vậy, có thể hiểu giáo dục STEM được đề cập và hướng dẫn triển khai từ lớp 1 đến lớp 12.

Theo hai công văn hướng dẫn này, các trường có thể tổ chức hoạt động giáo dục STEM theo ba hình thức, đó là: bài học STEM (giáo viên thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn); trải nghiệm STEM (câu lạc bộ, ngày hội STEM, dự án học tập STEM hoặc trải nghiệm thực tế); làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật đối với cấp Tiểu học và tổ chức nghiên cứu khoa học, kỹ thuật đối với cấp Trung học.

Nếu việc tổ chức các bài học STEM hoàn toàn do các thầy cô trong trường đảm nhiệm thì các hoạt động trải nghiệm STEM, phổ biến nhất là CLB STEM, có thể được tổ chức với sự phối hợp của các đối tác đủ năng lực.

Đây cũng là một xu hướng ngày càng mở rộng ở các thành phố lớn, nơi có nhiều cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp giáo dục…

Một giảng viên đại học đang tham gia giảng dạy cho CLB STEM ở một trường THCS của Hà Nội, cho biết, nhu cầu tổ chức CLB STEM ở thành phố có thể nói khá lớn, riêng ở ngôi trường chị tham gia triển khai đã có khoảng 10 lớp chỉ riêng ở hai khối 6 và 7. Nhóm của giảng viên này được “thuê khoán chuyên môn” thiết kế chương trình hoạt động xuyên suốt cả năm cho câu lạc bộ, mỗi tuần một buổi tương đương 2 tiết học. “Mục đích để cho các cháu hiểu về công nghệ và học cách phối hợp nhiều kỹ năng, hoặc nói đơn giản là để các cháu được tiếp nhận kiến thức một cách vui vẻ, thậm chí có thể khơi dậy niềm đam mê”. Nội dung hoạt động bao phủ nhiều mảng kiến thức - từ điện, điện tử, kỹ thuật máy tính, tự động hóa đến lập trình, thuật toán, dữ liệu - và trong quá trình học, các em được làm quen với việc sử dụng các dụng cụ như dao trổ, kìm, búa, mỏ hàn, súng bắn keo... Các hoạt động được tổ chức dưới dạng dự án, chương trình một năm có thể gồm 5 dự án nhỏ, để học sinh áp dụng các kiến thức mới học và một dự án lớn tích hợp kiến thức từ các dự án nhỏ. Tuy nhiên, chị cho rằng, các trường tự chủ về mặt tài chính sẽ “triển khai thoải mái hơn” so với các trường không tự chủ tài chính.

Đồng tình với ý kiến này, một cô giáo phụ trách CLB STEM ở một trường THPT công lập có tiếng ở Hà Nội cho rằng, trường công khá vướng về nguồn lực trong việc tổ chức CLB STEM. Hợp tác với bên ngoài thì không dễ vận dụng các nguyên tắc tài chính nếu không thuộc diện tự chủ tài chính; tự tổ chức thì do kinh phí hạn hẹp, phải tận dụng đồ tái chế hoặc mua thêm bên ngoài một vài vật liệu không quá đắt, còn vật liệu đắt tiền thì đành phải nhắm mắt cho qua. Theo cô, STEM tái chế hay STEM không đồng chỉ là một cách nói lạc quan, phù hợp với những giai đoạn đầu, còn để mở rộng các hoạt động dự án, không thể không có kinh phí.

Nhưng vướng mắc về mặt tài chính chỉ là một phần của vấn đề. Chất lượng của nội dung chương trình chắc chắn sẽ sớm nổi lên thành vấn đề hàng đầu khi rồi đây nhu cầu tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM của các trường ngày càng lớn và xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị cung cấp nội dung, trong khi các hướng dẫn của ngành còn hết sức chung chung, chưa đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn đối với các chương trình liên kết cũng như các đơn vị cung cấp các chương trình đó.

“Thực tế báo chí đã ghi nhận vụ việc đầu tiên ở Nghệ An, các phụ huynh ở huyện Đô Lương phản đối chương trình liên kết về giáo dục STEM vì chất lượng lôm côm, mang tiếng sinh hoạt ngoại khóa nhưng học sinh chỉ ngồi xem video hoặc làm bài tập, dẫn đến không hiệu quả và lãng phí thời gian,” TS Dương Tuấn Hưng, Phó trưởng ban tổ chức Ngày hội STEM Quốc gia 2023, Trưởng ban Hội thảo, nói với Khoa học & Phát triển. “Có nghĩa là đã đến lúc phải xây dựng một bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho các chương trình trải nghiệm STEM ở trường phổ thông.”

“Những công ty đưa các chương trình trải nghiệm STEM vào trường phổ thông nhiều nhất hiện nay thực tế lại không có tên tuổi trong cộng đồng STEM. Để trở thành đối tác của các trường, có rất nhiều rào cản nằm ngoài vấn đề năng lực,” một giảng viên đại học, người có nhiều năm tham gia thúc đẩy giáo dục STEM ở trường phổ thông, nói với Khoa học & Phát triển. “Về nguyên tắc, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ định đơn vị thẩm định các chương trình đó. Nhưng chất lượng thẩm định có thể nói là không chắc chắn và thiếu toàn diện. Các chương trình chỉ cần được viết dựa trên khung chung chung của chương trình giáo dục phổ thông mới là đủ đáp ứng về mặt câu từ. Nhưng việc triển khai giáo dục STEM trên thực tế đòi hỏi nhiều hơn thế vì còn phụ thuộc vào chất lượng học liệu, chất lượng đội ngũ triển khai. Bởi vậy sẽ rất khó thẩm định chỉ dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chung của hệ thống giáo dục mà không có một bộ tiêu chuẩn riêng cho giáo dục STEM.”

Một bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng có thể là bước đầu tiên góp phần bảo đảm chất lượng của các hoạt động trải nghiệm STEM ở trường phổ thông và hạn chế các rào cản vô hình đối với các công ty giáo dục đủ năng lực và muốn tham gia triển khai các hoạt động trải nghiệm STEM ở trường phổ thông. Điều này còn có thể giúp khắc phục tình trạng chất lượng kém ở một trường có thể liên đới đến các trường khác do cách làm “không quản được thì dừng” vẫn còn xuất hiện ở chỗ này hay chỗ khác. Như một giáo viên tiểu học cho biết, nhiều trường trong quận của cô đã có kế hoạch mời đối tác triển khai CLB STEM nhưng sau khi có đơn của nhóm phụ huynh ở một trường nọ thể hiện sự không đồng tình với cách làm của nhà trường thì Phòng Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu tạm dừng triển khai hoạt động này ở tất cả các trường khác trong quận.

Nghe được những ý kiến bên lề từ các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái STEM để nhận ra khoảng cách giữa chính sách và thực tế triển khai, đó có lẽ là một giá trị nữa của Ngày hội STEM Quốc gia mà bản thân những người tổ chức sự kiện có khi chưa tính đến.