Mới đây, chính quyền của ông Joe Biden đã đưa ra ý tưởng hình thành một cơ quan nghiên cứu có ngân sách 6,5 tỉ USD theo mô hình của DARPA để tăng tốc đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sức khỏe và dược phẩm. Nhiều nhà khoa học nghi ngờ về sự thành công của các tổ chức nghiên cứu mới này.
Các nhà khoa học cảnh báo “Mô hình ARPA đã gặt hái được thành công và chúng ta đã học hỏi được rất nhiều”, Laura Diaz Anadon, người phụ trách Trung tâm Môi trường, Năng lượng và các nguồn lực tự nhiên Cambridge tại trường Đại học Cambridge, Anh, nói. “Nhưng ARPA không phải là quả bóng ma thuật có khả năng đem lại thành công ở mọi nơi”.
Các nhà khoa học nghiên cứu về DARPA cho rằng, mô hình này có thể vận hành tốt nếu được áp dụng một cách đúng đắn và với các vấn đề mô hình này có thể giải quyết. Nhưng việc sao chép công thức DARPA không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi những nhà quản lý xây dựng và điều hành các chương trình tài trợ của một cơ quan đầu tư khoa học phải có tự do để quy tụ các nhóm nghiên cứu và theo đuổi những ý tưởng đầy rủi ro trong những lĩnh vực khoa học hứa hẹn mà các chương trình R&D kết hợp với ngành công nghiệp thông thường không chạm đến. Các nhà khoa học không chắc chắn các cơ quan theo mô hình này có được trao quyền như vậy không.
Một dự án do APRA-E tài trợ. Nguồn: nanocenter.umd.edu
Theo sau công thức thành công
Bộ Quốc phòng Mĩ thành lập DARPA vào năm 1958, một năm sau khi Liên bang Xô viết phóng Sputnik 1, vệ tinh đầu tiên của thế giới. Mục tiêu của nó là tránh bị tụt hậu trước Liên xô và đảm bảo cho Mĩ vẫn dẫn đầu thế giới về công nghệ. DARPA là phương tiện cho các nghiên cứu về máy tính ban đầu cũng như phát triển các công nghệ như GPS và các thiết bị không gian.
DARPA có chức năng khác biệt so với những cơ quan tài trợ cho khoa học khác của Mĩ, và có một ngân sách khiêm tốn hơn (3,5 tỉ USD). Có khoảng gần 100 nhà quản lý chương trình, được biệt phái từ ngành công nghiệp và nghiên cứu trong vòng 3 đến 5 năm, có tầm nhìn trong lĩnh vực mà cơ quan này tài trợ và có khả năng gắn kết với nhóm làm việc của mình, có khả năng bắt buộc các bên thực hiện dự án tuân thủ thời hạn và giám sát quá trình thực hiện. Có thể so sánh, các dự án do các cơ quan như Viện Sức khỏe quốc gia (NIH) ít gắn kết hơn giữa những người quản lý chương trình và các nhà nghiên cứu được tài trợ. Các dự án do các cơ quan này tài trợ dường như đều có xu hướng dẫn đến thành công – và do đó thể hiện được sự gia tăng về trình độ tiên tiến, William Bonvillian, một nhà nghiên cứu chính sách tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge và từng nghiên cứu về DARPA, nói.
Mô hình DARPA sẽ không vận hành nếu các nhà quản lý chương trình không được “châm trước” nếu thất bại, Bonvillian nhấn mạnh. Khi chính quyền Mĩ áp dụng mô hình này để phát triển các công nghệ quốc phòng thông qua Các dự án nghiên cứu tiên tiến về an ninh quốc gia ARPA năm 2002, đây lại là một vấn đề. Nỗ lực này cuối cùng đã thất bại. “Nếu anh không nhận được văn hóa quản lý thích hợp, anh sẽ phải đón nhận một thách thức”, Bonvillian nói.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, một ARPA thành công cần khách hàng cho những công nghệ mà nó phát triển. Trong trường hợp của DARPA, quân đội Mĩ sẵn sàng theo đuổi nhiều phát minh hứa hẹn. Trường hợp ARPA về năng lượng (ARPA-E), thành lập vào năm 2009 dưới thời Tổng thống Barack Obama để thúc đẩy công nghệ năng lượng phát thải carbon thấp, giải quyết thách thức này bằng việc hỗ trợ những người được tài trợ phát triển các kế hoạch thương mại hóa. ARPA-E cần độc lập để thực hiện tốt chức năng của mình, các nhà nghiên cứu nói. Vẫn còn đang được vận hành cho đến hôm nay, cơ quan này được đặt dưới sự quản lý của Bộ Năng lượng Mĩ (DOE). Họ đã rót 2,8 tỉ USD cho gần 1.200 dự án, trong đó các dự án này còn nhận thêm 5,4 tỉ USD đầu tư từ lĩnh vực tư nhân, và qua đó tạo ra 92 công ty mới. Tháng trước, một trong những công ty đó là 1366 Technologies ở Bedford, Massachusetts, loan báo kế hoạch xây dựng một nhà máy với kinh phí 300 triệu USD để sản xuất pin mặt trời ở Ấn Độ. Nhà máy này mang tên CubicPV đã đón nhận 4 triệu USD từ ARPA-E vào năm 2009 để phát triển một cách thức sản xuất vật liệu bán dẫn silicon “xanh” hơn, nhanh hơn và rẻ hơn để đưa vào các tấm pin mặt trời.
Bởi vì cần phải mất hàng thập kỷ cho các công nghệ mới tạo ra được tác động về thương mại và xã hội nên liệu ARPA-E có chuyển đổi được ngành công nghiệp năng lượng vẫn cần được xem xét. Nhưng các nhà khoa học đã có những tín hiệu ban đầu về thành công của nó như được đo đạc bằng phát minh sáng chế, công bố và trong một số trường hợp là việc thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cho các công nghệ được hình thành từ dự án do cơ quan này tài trợ.
“Câu trả lời là có, mô hình ARPA thực sự đã vận hành hoặc ít nhất trong trường hợp này là vậy”, Anna Goldstein, một nhà nghiên cứu về năng lượng tại trường Đại học Massachusetts Amherst từng phân tích về giá trị của ARPA-E, nói. Nhưng điều này không có nghĩa là mô hình này có thể giải quyết được tất cả các vấn đề, bà cảnh báo.
Các ARPA thế hệ mới
Các nhà nghiên cứu đã phản hồi với nhiều lo lắng về các đề xuất thành lập các cơ quan kiểu ARPA của chính quyền Biden. Một số còn đặt câu hỏi về sự cần thiết phải thành lập ARPA-C trong khi có thể mở rộng ARPA-E. Họ nêu những nhiệm vụ tương đồng giữa hai cơ quan này, dẫu cho Bộ trưởng DOE Jennifer Granholm cho biết hai cơ quan này sẽ không có trùng lặp hoặc chồng lấn lên nhau. Như kế hoạch đã lập, ARPA-C có thể thúc đẩy các giải pháp năng lượng và khí hậu có thể “thay đổi cuộc chơi”, bao gồm các công nghệ như các lò phản ứng công suất nhỏ và các tòa nhà tốn ít năng lượng – những đổi mới sáng tạo từng bị loại do những điều khoản quy định của ARPA-E.
Những câu hỏi được đặt ra còn về ARPA-H. Chính quyền Biden đề xuất nó thuộc quyền quản lý của NIH, tuy nhiên cách làm này bị chỉ trích là có thể bóp nghẹt đổi mới sáng tạo.
Một số người khác lo ngại phạm vi nhiệm vụ của ARPA-H quá rộng. Chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực lớn. Goldstein cho rằng dù nhiều đầu tư tư nhân đã được rót vào phát triển các loại thuốc mới và các liệu pháp y học để ngăn ngừa bệnh tật nhưng ARPA-H vẫn có thể tạo ra tác động lớn vào việc đầu tư nghiên cứu các bệnh ít được giới công nghiệp chú ý nhưng lại ảnh hưởng đến đời sống trong những cộng đồng ít được quan tâm đúng mức. Hiện tại những nghiên cứu như vậy vẫn ít nhận được tài trợ.
DARPA đòi hỏi những nhà quản lý xây dựng và điều hành các chương trình tài trợ của một cơ quan đầu tư khoa học phải có tự do để quy tụ các nhóm nghiên cứu và theo đuổi những ý tưởng đầy rủi ro trong những lĩnh vực khoa học hứa hẹn mà các chương trình R&D kết hợp với ngành công nghiệp thông thường không chạm đến. Các nhà khoa học không chắc chắn các cơ quan theo mô hình này có được trao quyền như vậy không. |
Nguồn: Nature