Từng địa phương sẽ đưa ra phương án quy hoạch của mình, sau đó Bộ KH&CN sẽ tổng hợp để đưa vào quy hoạch ngành quốc gia.
Trong các cuộc họp giao ban gần đây về công tác KH&CN của vùng Đồng bằng sông Hồng cho đến vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, nội dung làm thế nào để liên kết hoạt động KH&CN giữa các tỉnh đã được thảo luận nhiều lần bởi đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Trong Hội nghị giao ban công tác KH&CN vùng đồng bằng sông Hồng năm 2019, ở góc nhìn của nhà quản lý, đại diện Vụ Phát triển KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN) đánh giá, “hoạt động của hệ thống các Trung tâm ứng dụng, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng của các địa phương trong vùng chưa được kết nối nên hầu như các trung tâm này đang hoạt động riêng lẻ, dẫn đến chưa phát huy tối ưu được nguồn lực của các trung tâm, nhất là hệ thống trang thiết bị đã được đầu tư, chưa có được các nhiệm vụ KH&CN liên kết vùng được triển khai, việc xây dựng, bảo hộ tài sản trí tuệ của các sản phẩm có tính liên tỉnh, liên vùng”.
Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.
Yêu cầu liên kết mạng lưới giữa các tổ chức KH&CN công lập cấp tỉnh với nhau hoặc với các tổ chức KH&CN trung ương như thế nào cho “vừa sức” và hiệu quả sẽ cần một khảo sát kỹ lưỡng. Bởi như ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng khi đó thật thà nói ra điều khiến nhiều cử tọa phải suy nghĩ “ở tỉnh, năng lực của các tổ chức KH&CN cấp tỉnh còn hạn chế, hầu như không nghiên cứu được gì nhiều”. Theo ông, với năng lực địa phương thì chỉ “hoàn thiện được một sản phẩm cụ thể nào đó, đưa ứng dụng công nghệ nào đó vào các doanh nghiệp, nông dân ví dụ như hoàn thiện một giống lúa cụ thể, ứng dụng AI, IoT ở mức độ tương đối đơn giản”.
Do đó, tại tọa đàm về triển khai Quy hoạch mạng lưới KH&CN cấp tỉnh (theo QĐ 279 ngày 16/2/2021 về quy hoạch mạng lưới KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050) ngày 2/7, Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ đã bày tỏ “chúng tôi rất hoan nghênh quyết định 279” vì “việc điều tra đánh giá sẽ góp phần giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về các đơn vị sự nghiệp công lập”, từ đó đưa ra các phương án quy hoạch phù hợp.
Đây cũng là mục tiêu mà Bộ KH&CN đang hướng tới khi triển khai quy hoạch mạng lưới KH&CN quốc gia, trong đó, bước đi đầu tiên là hướng đến đối tượng các tổ chức KH&CN công lập do các UBND tỉnh quản lý. Để có được bức tranh chung về mạng lưới các tổ chức KH&CN ở 63 tỉnh thành trên cả nước, Bộ KH&CN cần nguồn thông tin đầu vào là kết quả khảo sát của các sở KH&CN địa phương để có thể cân nhắc quy hoạch phù hợp nhất với tình hình của các tỉnh.
Việc nhìn nhận, đánh giá một tổ chức KH&CN đang hoạt động ở địa phương, bất luận quy mô lớn hay nhỏ, phạm vi hoạt động ở lĩnh vực chuyên ngành nào… không thể là chuyện đơn giản. Có lẽ, với vai trò là nhà quản lý ngành KH&CN ở địa phương, là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN cho các tổ chức KH&CN địa phương, hơn ai hết, sở KH&CN các tỉnh sẽ là người hiểu rõ thực trạng phát triển và những vấn đề mà các tổ chức này đang gặp phải. Do đó, Bộ KH&CN hy vọng các sở KH&CN sẽ đảm trách nhiệm vụ phân tích bối cảnh trong, ngoài nước tác động tới việc phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn phát triển tới cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đặt yêu cầu cho các tổ chức KH&CN công lập... Kết quả từ việc phân tích bối cảnh và yêu cầu này sẽ là cơ sở để các tỉnh tiếp tục đứng trước một câu hỏi khác, đó là các tổ chức KH&CN công lập này sẽ tham gia vào việc triển khai liên kết ngành, liên kết vùng như thế nào để có thể giải quyết được những vấn đề lớn của tỉnh, của vùng? Rõ ràng, việc lần lượt kết nối các điểm nút quan trọng trên con đường phát triển theo cách như vậy sẽ là cơ sở để các địa phương dự báo xu thế phát triển, nhìn thấy được những gì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN cho biết.
Đó chính là quan điểm chung để các sở KH&CN địa phương có thể bắt tay vào triển khai việc đánh giá các tổ chức KH&CN địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, việc đánh giá về hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở địa phương sẽ dựa vào việc các tỉnh phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong hoạt động KH&CN và ĐMST; đánh giá về hệ thống chính sách pháp luật đối với phát triển tổ chức KH&CN trên địa bản tỉnh cả về nhân lực, nguồn lực...; sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập... Việc phân tích mạng lưới các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh không chỉ dừng lại ở việc “đong đếm” quy mô tổ chức, nhân sự, mà còn phải phân tích được năng lực nghiên cứu phát triển, cung ứng dịch vụ KHCN&ĐMST; đánh giá vị thế, vai trò của từng tổ chức KH&CN trong tỉnh và trong tương quan với liên kết vùng cũng như khả năng tự chủ của từng tổ chức.
Dựa trên kết quả khảo sát này, chính địa phương sẽ tự đưa ra phương án phát triển phù hợp nhất với điều kiện của mình gồm: 1) phương án quy hoạch cấu trúc mạng lưới tổ chức KH&CN công lập: về tăng, giảm số lượng tổ chức; về điều chỉnh quy mô các tổ chức; về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, vị trí pháp lý của các tổ chức; về nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; …2) Phương án đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập; 3) Phương án phân bố không gian các tổ chức KH&CN công lập theo đơn vị hành chính cấp tỉnh; 4) Phương án bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập và các hoạt động KHCN&ĐMST. Trong đó, khác với những lần khảo sát quy hoạch trước, điểm đáng chú ý trong lần quy hoạch này là các địa phương có thể đưa ra các đề xuất dự án đầu tư, đề xuất phương án phân bổ không gian và sử dụng đất của các tổ chức KH&CN công lập nhằm phục vụ sự phát triển của các tổ chức KH&CN.
Theo bà Hiền, cách làm từ dưới lên – chính các địa phương tự khảo sát, cân nhắc, đưa phương án chứ Bộ KH&CN không làm thay sẽ mang lại thông tin hữu ích nhất, sát với thực tiễn nhất để Bộ KH&CN đưa vào nội dung quy hoạch quốc gia về mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập.
Việc kiện toàn các tổ chức KH&CN năm 2017 đã giúp giảm số lượng và biên chế của các tổ chức KHCN cấp tỉnh khoảng 30%. Nếu như năm 2016 có có 194 tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đến tháng 12/2019, còn 135 tổ chức. |
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được triển khai tại nhiều địa phương. Ảnh: thoibaonganhang.vn
Các tổ chức KH&CN cấp tỉnh hoạt động chủ yếu theo một số mô hình: nhiều nhất là các tổ chức KH&CN đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp công lập trực thuộc Sở KH&CN (124 tổ chức, gồm các lĩnh vực chủ yếu: Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ; Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; và kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chuyển giao công nghệ...); tổ chức KH&CN trực thuộc UBND tỉnh theo mô hình viện nghiên cứu và phát triển của tỉnh tại Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bình Định có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu về phát triển kinh tế-xã hội, tiêu chuẩn kinh tế-kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; tổ chức KH&CN thuộc các ngành khác tại TP.HCM. |