Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đang thúc đẩy cuộc vận động chính phủ Mỹ dành một khoản đầu tư 10 triệu USD cho SESAME - phòng thí nghiệm năng lượng cao duy nhất của khu vực Trung Đông, đặt tại Jordan.
SESAME là phòng thí nghiệm mang tính địa chính trị kỳ lạ nhất thế giới có tổng kinh phí 110 triệu USD với sự tham gia đóng góp của Israel, Iran và châu Âu.
Theo các nhà lập pháp, Đảng dân chủ Mỹ, SESAME đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập một cây cầu hợp tác ở một trong nơi diễn ra xung đột bậc nhất thế giới. Nó chứng tỏ rằng “thậm chí khi các nhà chính trị không thể đi cạnh nhau thì các nhà khoa học có thể làm được điều đó”, Bill Foster, một đảng viên Đảng Dân chủ bang Illinois và là một nhà vật lý trả lời như vậy trong một cuộc phỏng vấn với Science/Business.
Cỗ máy gia tốc synchrotron – thiết bị gia tốc các hạt electron đến năng lượng cao, chạy quanh một vòng tròn có đường kính 133 m và tạo ra nguồn phóng xạ có cường độ lớn để chụp ảnh các phân tử, các đồ tạo tác và rất nhiều vật thể khác – có tổng kinh phí đầu tư 110 triệu USD và một trong những phòng thí nghiệm mang tính địa chính trị kỳ lạ nhất thế giới. Nó thu hút sự tham gia của 8 quốc gia thành viên, trong đó có nhiều đối thủ lâu năm như Israel và Iran, cũng như Palestin, Ai Cập, Jordan, Cyprus, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu đã đóng góp 20 triệu euro vào dự án này nhưng Mỹ chưa bao giờ bỏ một xu vào đó.
Do có ảnh hưởng về chính trị và thiếu ngân sách nên sau 20 năm chuẩn bị kế hoạch và xây dựng, phòng thí nghiệm này mới bắt đầu hoạt động vào năm 2017. Điểm sáng lớn nhất của dự án này là sự tham gia của các nhà khoa học và sự nỗ lực của họ đã sớm có kết quả: vào ngày 1/6/2019, phòng thí nghiệm đã xuất bản được bài báo đầu tiên với công trình nghiên cứu về quá trình chuyển đổi sinh khối thành khí tổng hợp của các nhà nghiên cứu Thổ Nhỹ Kỳ và Jordan.
Một cỗ máy synchrotron là một công cụ chung ngày một gia tăng của khoa học hiện nay. Đó là việc spin các hạt nguyên tử trong một vòng tròn để điều khiển các chùm tia ánh sáng năng lượng cao vào các vật liệu – về thực chất, việc điều khiển nó giống như với một kính hiển vi khổng lồ để nhìn vào bên trong các phân tử. Hiện trên thế giới chỉ có 60 chiếc như vậy, bao gồm các cỗ máy nhỏ như ở SESAME đến các cỗ máy cực lớn như Máy gia tốc đối chùm LHC của CERN ở Geneva.
Kéo gần khoảng cách
Ý tưởng cho SESAME bắt đầu từ các nhà vật lý Mỹ và châu Âu vào những năm 1990. Họ cho rằng, về mặt khoa học, thiết bị này có thể đặc biệt hữu dụng với Trung Đông vì nó là công cụ dành cho các nhà khảo cổ phân tích các mẫu vật cổ xưa, vốn vẫn được gửi đến các máy synchrotron ở châu Âu hoặc một số nơi khác. Trong khi đó, SESAME nằm ở vị trí chỉ cách “gần một giờ ô tô từ Amman và cũng gần một giờ ô tô từ Jerusalem,” ông nói.
Vấn đề gây tranh cãi bậc nhất ở Quốc hội Mỹ có thể là sự tham gia của Iran trong dự án, và theo các lệnh trừng phạt của Mỹ thì cấm bán hoặc chuyển nhượng các thiết bị quân sự hoặc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho Iran. Tuy nhiên xung đột Mỹ- Iran không thể ảnh hưởng đến dự án khoa học này, những người ủng hộ nói. “Không có gì trong thiết bị nguồn sáng synchrotron này liên quan đến quân sự cả”, Foster – người trước đây từng làm việc trong Fermilab, phòng thí nghiệm synchrotron nổi tiếng nhất Mỹ nói.
Ông cũng cho rằng, Israel và các quốc gia phương Tây có thể thu được lợi ích từ việc tham gia SESAME bởi có cơ hội hợp tác với khoa học Iran. “Tình trạng rủi ro về an ninh của Iran đang ở mức cao khi chúng tôi không thể quan sát tận nơi các công việc khoa học của họ” ông nói.
Từ trước đến nay, quan điểm của Mỹ với SESAME hết sức mâu thuẫn: họ quan tâm giống như châu Âu, “quan sát” SESAME nhưng lại chưa bao giờ đồng ý đầu tư vào nó. Và hiện thì chính quyền của Tổng thống Trump vẫn chưa chính thức nêu quan điểm của mình về vấn đề này.
Trong khi đó, châu Âu, thông qua các chương trình khung đầu tư cho khoa học, đã đầu tư vào đây các hệ thống máy tính, chùm tia, đào tạo nhân lực và cả một nhà máy điện Mặt trời vì chi phí điện ở Jordan rất cao – ước tính đầu tư vào khoảng 20 triệu euro kể từ khi ý tưởng này được đề xuất tại một phiên họp ở CERN năm 1995. Đức, Pháp, Anh, Thụy Sĩ và các quốc gia quan sát khác đã quyên góp thiết bị, kinh phí cho các nhà khoa học tới đó làm việc…
Sự ủng hộ của EU là một phần trong chiến lược ngoại giao khoa học dài hạn của họ. “Rõ ràng là cần có một cơ sở khoa học cho vùng này,” Adam Tyson, người phụ trách các cơ sở hạ tầng công nghiệp và khoa học ở Hội đồng châu Âu, nói. “SESAME sẽ là nơi quy tụ và giải quyết nhiều vấn đề cầu thiết yếu của vùng, do đó chúng ta cần giữ các nhà khoa học ở lại với nó”.
Mở ra hi vọng
Tại Washington, ngay ở nhiệm kỳ đầu tiên tại Quốc hội cách đây một thập kỷ, Foster đã là người dẫn đầu nhóm ủng hộ SESAME để kêu gọi tài trợ. Hiện giờ, đề xuất của ông đã được Hạ viện, vốn do các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ nắm quyền, nhanh chóng ủng hộ.
“Khoa học đem lại một thứ ngôn ngữ phổ quát để các cá nhân từ nhiều quốc gia khác nhau và những văn hóa riêng biệt có thể giao tiếp, hợp tác và làm việc cùng nhau để cùng hướng đến những mục tiêu chung”, họ đã viết như vậy trong một bức thư gửi tới Hạ viện vào tháng ba vừa qua. “Nó có thể xây những cây cầu giữa những con người và những quốc gia – nếu chúng ta làm được điều đó”.
Với 187/231 phiếu thuận vào ngày 19/6/2019, Hạ viện đã chấp thuận việc sửa đổi khoản mục đầu tư cho SESAME. Họ sẽ còn chờ vào sự chấp thuận của Thượng viện, nơi Đảng Cộng hòa nắm đa số phiếu. Foster lo ngại “luôn luôn có sự chia rẽ trong Thượng viện về việc đầu tư cho các dự án không phải của Mỹ chủ trì. Tuy nhiên nếu nhìn vào con số hàng nghìn tỷ ném vào chiến tranh Vùng Vịnh thì con số này vẫn còn quá nhỏ”.