Gắn bó với nhiều hoạt động hỗ trợ tư vấn pháp lý cho cộng đồng khởi nghiệp nhiều tỉnh thành cả nước, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như (Giám đốc công ty luật An Luật) đã dành cho báo Khoa học và Phát triển một buổi chia sẻ về những khía cạnh tưởng chừng ai cũng nên biết, nhưng thực tế lại ít được quan tâm trong câu chuyện khởi nghiệp.
Chào chị Quỳnh Như, là một luật sư nhiều kinh nghiệm với khởi nghiệp, nhận định chung của chị về phương diện pháp lý trong khởi nghiệp hiện nay như thế nào?
Tôi nhìn nhận việc này dưới hai khía cạnh. Thứ nhất, về các bạn khởi nghiệp, thật sự tôi thấy các bạn chưa quan tâm nhiều đến pháp lý. Vào thời điểm khởi đầu các dự án startup, các bạn thường có nhiều quan tâm hơn đến sản phẩm, dịch vụ, công nghệ,… Vì tiềm lực của các bạn lúc đó còn hạn hẹp, lúc nào cũng thiếu thốn, nên người khởi nghiệp thường sẽ chọn sự ưu tiên, và khi đó pháp lý thường bị… gạt qua một bên.
Vấn đề thứ hai là về chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến khởi nghiệp, thì thực sự đến thời điểm này cũng không đủ và không rõ. Khi nghiên cứu, tôi thấy rằng Việt Nam có luật Doanh nghiệp, luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng quá trình khởi nghiệp sẽ bắt đầu từ giai đoạn ban đầu, đi qua một hành trình dài trong việc kiểm chứng thị trường, thử sản phẩm, được thị trường chấp nhận,… cho đến khi thành lập doanh nghiệp, thì giai đoạn này hầu như pháp luật chưa có sự hỗ trợ. Các bạn có khuynh hướng tự mày mò trong các quy định về luật Dân sự và các quy định khác. Nhưng quay trở lại câu chuyện ban đầu đặt ra, đó là khi khởi nghiệp thì các bạn thường không đủ thời gian, nguồn lực và sự quan tâm đủ cho pháp lý, lúc đó các bạn không thiết lập được một cơ chế pháp lý phù hợp cho mình. Điều này dẫn đến một sự loay hoay.
Có thể nói hiện nay vẫn còn nhiều “điểm mờ” về pháp lý trong khởi nghiệp?
Có khá nhiều “điểm mờ”. Nếu bạn tra cứu, trong pháp luật hiện nay không có nhiều quy định cụ thể về khởi nghiệp. Ví dụ như chưa có quy định về những giá trị mà người khởi nghiệp cùng đóng góp trong thời điểm trước khi thành lập doanh nghiệp, trong khi đó là giai đoạn phải dồn công sức rất nhiều. Và khi có tranh chấp xảy ra, không có một giải pháp nào có thể xử lý được những vấn đề về phân chia quyền lợi.
Chị có thể nêu ví dụ những trường hợp đã có mâu thuẫn xảy ra vì thiếu sự am hiểu pháp lý?
Các vấn đề mà tôi thường gặp phải nhất là do những người đồng hành không đủ sự quan tâm để xây dựng những thỏa thuận cụ thể. Nên trong quá trình đường dài của một dự án, có khi giữa đường, một bên muốn dừng lại, trong khi những người còn lại muốn đi tiếp và kêu gọi những người khác đi cùng với mình, và có thể có những nhà đầu tư mới tham gia. Lúc đó thường gây ra những tranh chấp vậy thì dự án này thuộc về ai. Lúc đó không có một cơ sở nào để xác định là bao nhiêu phần trăm trong dự án thuộc về ai. Hậu quả tranh cãi này một phần là do người khởi nghiệp thiếu ý thức về vấn đề pháp lý để có sự phân định rõ ràng ngay từ đầu.
Thứ hai, về hành lang pháp lý, tôi cũng đã từng gặp tình huống người khởi nghiệp trong nước đưa ra những ý tưởng, dịch vụ mới, nhưng cơ sở pháp lý chưa có. Đến một ngày, báo chí đăng tải lên và cho rằng đó là hoạt động chui, bởi vì không phù hợp với quy định pháp luật ở thời điểm đó. Ví dụ như dịch vụ “bác sĩ gia đình” đã từng vướng vào các vấn đề như vậy. Một thời gian sau, hoạt động này mới bắt đầu phù hợp với quy định của pháp luật. Nói như vậy không phải để các bạn hoang mang, mà trong bất kỳ nơi đâu, sẽ có những phần pháp lý chưa kịp điều chỉnh. Do đó mình cần tìm những quy định phù hợp nhất trong từng trường hợp cụ thể nhằm hạn chế rủi ro cho mình, chứ không phải chờ đợi mọi thứ đều rõ ràng thì mình mới… khởi nghiệp. Không bao giờ có!
Vậy thì các bạn khởi nghiệp nên tìm hiểu pháp lý như thế nào để tránh rơi vào các trường hợp bị… hoang mang như chị nói?
Theo tôi, trong trường hợp này đúng là rất… khó. Ở giai đoạn khởi nghiệp, không thể buộc các bạn phải có bộ phận pháp lý trong công ty, hoặc có đủ chi phí cho dịch vụ pháp lý của luật sư giỏi, am hiểu về startup,… Như vậy, mình phải có một cơ chế hỗ trợ, bằng cách nào đó. Ví dụ như những vườn ươm, những trung tâm khởi nghiệp sẽ phải có những đơn vị về pháp lý để giúp cho các bạn hiểu ngay từ bước đầu rằng pháp lý là một phần không thể tách rời của dự án khởi nghiệp. Dù có quan tâm điều gì chăng nữa, pháp lý luôn luôn tác động đến mỗi con người, mỗi doanh nghiệp và mỗi hoạt động. Thứ hai, các vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp cần chỉ ra cho giới startup thấy các nơi có thể tìm đến để hỗ trợ pháp lý. Bây giờ có rất nhiều những hoạt động như training, coaching, mentoring,… thì pháp lý cần là một phần trong đó.
Và cũng cần lưu ý là pháp lý khởi nghiệp hoàn toàn khác với pháp lý dành cho doanh nghiệp. Không bao giờ được áp pháp lý doanh nghiệp vào khởi nghiệp. Phải có một kênh tập hợp các luật sư hiểu được các vấn đề pháp lý của khởi nghiệp và những kênh đó phải được đưa đến cho cộng đồng khởi nghiệp. Phải làm mọi thứ bài bản ngay từ đầu, thì sau này nước mình mới có một thế hệ doanh nhân có nền tảng pháp lý vững chắc chứ!
Vì sao chị lại tâm huyết với các câu chuyện về pháp lý trong khởi nghiệp đến vậy, trong khi rõ ràng làm việc với các bạn startup đâu có… ra tiền?
Nói đúng ra, sự quan tâm của tôi ban đầu xuất phát từ việc chơi cùng với các anh chị em hỗ trợ khởi nghiệp. Khi họ cần và đặt hàng tôi tư vấn, giảng dạy về pháp lý, thì ngay từ buổi đầu, tôi vẫn chia sẻ pháp lý dưới góc độ của một doanh nghiệp, như Luật Lao động quy định thế này, thế nào là công ty, là sở hữu trí tuệ,… Nhưng khi các buổi nói chuyện ngày càng nhiều hơn, tôi thấy rằng điều này chỉ tổ khiến họ… mơ mơ hồ hồ thêm. Và rất nhiều hội thảo cũng y như vậy. Từ trong những buổi ấy, tôi đã tiếp cận nhiều hơn với các bạn startup, hiểu nhu cầu và sự lo lắng của họ. Và tôi muốn chia sẻ, muốn hỗ trợ, từ đó lại làm… nhiều nhiều việc hơn (cười)…
Còn điều gì chị muốn nhắn gửi tới cộng đồng khởi nghiệp qua bài phỏng vấn này?
Tôi cho rằng pháp luật là cái cần để quan tâm, không phải là cái cần để lo lắng. Nếu chúng ta tiếp cận ở góc nào đó không tròn trịa, có thể thấy pháp lý là cái đáng lo, cứ treo lửng lơ sự lo lắng trên đầu. Điều đó không nên. Mình hãy chủ động quan tâm đến nó, nắm được những điều luật cơ bản. Hãy luôn tâm niệm rằng pháp lý là một phần không thể tách rời khỏi các hoạt động. Vì đôi khi mình lo rất nhiều, nhưng cũng lại… chết vì rủi ro pháp lý. Và thêm nữa, tôi rất mong muốn các luật sư chuyên về pháp lý cho khởi nghiệp có một kênh chính thống để tiếp cận một cách rõ ràng, hiệu quả đến giới startup, và các bạn khởi nghiệp cũng nhận được những giá trị cụ thể từ những hoạt động hỗ trợ đó.
Xin cảm ơn chị!