Nhiều thông tin hữu ích đã được các chuyên gia về sở hữu trí tuệ gợi mở cho cộng đồng startup, qua hội thảo “Nhận diện tài sản vô hình và tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Hội thảo diễn ra tại Saigon Innovation Hub (SIHUB), do Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Công nghệ cao (AHBI) và Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (STS) thuộc Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.
Sở hữu trí tuệ: bước cần thiết để bước ra thế giới
Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS. BS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - khẳng định nếu doanh nghiệp khởi nghiệp không nghiên cứu kỹ các vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT), rất khó để giữ gìn tên tuổi khỏi bị mạo danh khi bước ra thế giới. Ông Đà kể: “Từ năm 1995, khi tôi còn đang là nghiên cứu sinh ở Nhật, tôi đã suốt ngày nghe họ nói về IP (intellectual property - sở hữu trí tuệ). Bất cứ thứ gì có giá trị, đối với họ cũng đi kèm với việc làm sao đăng kí SHTT. Cho đến nay, ở nước ta vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về việc này như ở Nhật mấy mươi năm trước.”
Tiếp nối câu chuyện, ông Đà cho rằng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tài sản lớn nhất là ý tưởng mới, do đó phần vô hình mới là tài sản thực sự của họ. “Vì vậy mà đối với doanh nghiệp khởi nghiệp lại càng phải xác lập các quyền SHTT một cách rõ ràng, cụ thể”, ông Đà nói.
Tuy xác định rõ vấn đề SHTT là rất quan trọng và cần thiết, song lãnh đạo Cục Công tác phía Nam của Bộ KH&CN cũng thừa nhận hiện nay doanh nghiệp có tâm lý các thủ tục rối rắm, rườm rà và mất nhiều thời gian để đăng kí SHTT ở Việt Nam. “Ngoài ra, sau khi đã đăng kí bảo hộ trí tuệ trong nước, doanh nghiệp còn cần nghiên cứu cách thức bảo hộ cho sản phẩm của mình ở phạm vi toàn cầu. Điều này cũng rất phức tạp và tốn kém. Hơn thế nữa, sau khi đã xác lập quyền SHTT, doanh nghiệp khởi nghiệp lại cần tiếp tục nâng cao kỹ năng hợp tác, đàm phán với đối tác quốc tế, để ngày càng phát triển hơn”, ông Đà chia sẻ.
Nhận diện rõ các loại tài sản vô hình
TS Đinh Minh Hiệp - Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao - nhận định rằng doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta cần có sự hiểu biết thấu đáo về các loại tài sản vô hình. “Doanh nghiệp, trường đại học hay viện nghiên cứu đều có thể đổi mới sáng tạo và gặp phải những vấn đề về SHTT. Câu chuyện ở đây là làm sao nhận diện đâu là tài sản trí tuệ?”, ông Hiệp gợi mở.
Ông phân tích thêm: “Khi tri thức được hữu hình hóa qua các hoạt động cụ thể, lúc ấy doanh nghiệp nên xác lập quyền SHTT. Tài sản trí tuệ là một tài sản vô hình nhưng tài sản vô hình chưa chắc là tài sản trí tuệ. Có những thứ khi đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển, chưa thực sự rõ ràng, hoặc liên quan đến bí quyết, bí mật kinh doanh, đó là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Trong khi đó, tài sản trí tuệ của tổ chức thường được ghi nhận như một quy trình cụ thể, rõ ràng, có văn bản,… nói tóm lại là đã được hữu hình hóa. Và sau đó doanh nghiệp lại cần xác định cách làm thế nào để xác lập quyền SHTT đối với nhóm tài sản trí tuệ này. Việc này cần có sự phối hợp giữa ba bên: bộ phận chuyên môn, bộ phận kế toán và bộ phận quản trị tài sản trí tuệ.”
Tiếp nối câu chuyện về các hoạt động hỗ trợ, nhận diện tài sản trí tuệ, TS Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) – cho biết: “Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các khóa đào tạo/tập huấn về SHTT cho các doanh nghiệp tham gia ươm tạo, các tổ chức/ cá nhân quan tâm đến hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong cộng đồng khởi nghiệp ở TP. HCM và các tỉnh thành lân cận. Bên cạnh đó, để giúp doanh nghiệp có thể cập nhật kịp thời những thông tin quan trọng về SHTT và chuyển giao công nghệ trong hoạt động nghiên cứu – phát triển, trung tâm AHBI vẫn thường xuyên phổ biến và hỗ trợ đăng ký cho các doanh nghiệp ươm tạo tham gia các chương trình, hội thảo, tọa đàm của các đơn vị có uy tín tổ chức, như: Cục Sở hữu trí tuệ; Sở KH&CN TP. HCM; Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO TP. HCM;…”
Ông Hải An cũng cho biết thêm, đối với hoạt động quản trị tài sản trí tuệ, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là thống kê, đánh giá và phân loại các tài sản trí tuệ có trong doanh nghiệp, xem loại nào phù hợp với cách bảo hộ trí tuệ nào, có cần thực hiện bảo hộ SHTT hay không,… “Tiếp theo, doanh nghiệp cần thực hiện việc đăng ký các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu mà doanh nghiệp chưa đăng ký. Nếu đăng ký sáng chế, phải xem các sáng chế có mới không, có sáng tạo không và có khả năng áp dụng không. Có thể tra cứu các thông tin về tính mới này tại kho dữ liệu do Cục Sở hữu trí tuệ lưu trữ, có trên internet,… Với kiểu dáng công nghiệp, cũng cần lưu ý rằng những dấu hiệu (chữ, hình hay kết hợp cả hai) là do doanh nghiệp tự thiết kế chứ không phải sao chép của người khác. Các dấu hiệu cũng cần có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ với doanh nghiệp khác”, ông An lưu ý.