Việc thẩm định giá tài sản vô hình ở Việt Nam gặp không ít khó khăn bởi thiếu dữ liệu kinh tế vĩ mô và vi mô, thiếu thông tin thị trường cũng như đội ngũ thẩm định viên chuyên nghiệp.

.

Tại Mỹ, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Ocean Tomo, năm 1975, tỷ lệ tài sản vô hình/hữu hình được phản ánh trong S&P 500 là 20/80 nhưng hiện nay bức tranh đã hoàn toàn ngược lại: 80% giá trị tài sản là vô hình, bao gồm thương hiệu, sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, uy tín, lợi thế cạnh tranh, danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu, quyền sử dụng đất,… Có thể nói, tài sản vô hình (TSVH) đã trở thành một đặc trưng quan trọng của nền kinh tế công nghệ hiện đại.

Tại Việt Nam, hơn 15 năm trở lại đây, câu chuyện một số thương hiệu Việt nổi tiếng được bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao hơn rất nhiều so với tổng giá trị tài sản hữu hình như P/S (5 triệu USD), Phở 24 (20 triệu USD), ICP (60 triệu USD) hay Diana (184 triệu USD) cho thấy, các giá trị vô hình đã dần được ghi nhận khi định giá doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc công ty kiểm toán PwC Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm hơn tới tài TSVH, dễ nhận biết nhất là các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Gần đây, các quy định của Nhà nước liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng đều đề cập đến những yêu cầu về việc định giá, đánh giá giá trị các tài sản như quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, giá trị lịch sử, văn hóa…

Những giá trị không có trong sổ sách

Mặc dù giá trị của TSVH khá cao, nhưng ở Việt Nam, hầu như chúng chưa được phản ánh trong các sổ sách kế toán. Về việc ghi nhận, đối với giá trị thương hiệu, các chế độ kế toán chỉ ghi nhận ở mức tối thiểu, được biết dưới khái niệm “Lợi thế thương mại” (Goodwill) và chỉ được thể hiện khi các thương vụ M&A xảy ra. Lợi thế thương mại (trong đó có thương hiệu) hiện không được hệ thống kế toán xếp vào dạng tài sản vô hình, mà được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh hoặc vào chi phí trả trước dài hạn của doanh nghiệp, do vậy đôi khi lợi thế thương mại vô hình trung trở thành gánh nặng tạo thua lỗ kế toán cho doanh nghiệp.Trong khi đó, các TSVH như bản quyền, bằng sáng chế, thỏa thuận cấp phép… được hệ thống kế toán Việt Nam cho phép ghi vào tài khoản 213 (Tài sản cố định vô hình), nhưng do quá trình định giá tương đối khó khăn và tốn kém nên nhiều doanh nghiệp thường ghi khoản mục này ở mức nguyên giá hoặc dưới giá trị thực.

Về việc định giá, hiện nay Thông tư số 06/2014/TT-BTC năm 2014 về Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 do Bộ Tài chính ban hành đã xác định cách thức định giá TSVH ở Việt Nam tương tự với các chuẩn mực thế giới. Tuy nhiên thực tế, hoạt động định giá trong nước còn khá mới mẻ và gặp không ít khó khăn bởi thiếu các dữ liệu kinh tế vĩ mô và vi mô, thiếu thông tin thị trường cũng như thiếu đội ngũ thẩm định viên chuyên nghiệp.

Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ, Sở KH&CN TPHCM.
Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ, Sở KH&CN TPHCM.

Phát biểu trong buổi hội thảo quản lý sở hữu trí tuệ toàn quốc ngày 11/4 ở Quảng Ninh, ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, phản ánh trong 210 tổ chức thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép thì ở TP HCM có khoảng hơn 100 đơn vị, tuy nhiên họ hầu như không có kinh nghiệm thẩm định các tài sản vô hình, từ những tài sản đơn giản nhất như nhãn hiệu chứ chưa kể đến những tài sản lớn như công nghệ, sáng chế.

Thẩm định giá là một ngành khá non trẻ ở trong nước, mới xuất hiện từ những năm 1993-1994 và thực sự sôi động từ vài năm gần đây. Do vậy nguồn nhân lực chuyên trách, đủ trình độ, năng lực còn rất hạn chế. Số liệu thống kê từ Trung tâm Dữ liệu quốc gia và Dịch vụ về giá cho biết hiện cả nước có khoảng trên 1.400 người được cấp thẻ thẩm định viên về giá so với mục tiêu đề ra 2.200 thẩm định viên đến năm 2020 của Bộ Tài chính, trong đó tỷ lệ đăng ký hành nghề hiện tại khoảng 80%.

Tính chủ quan và sự tham gia của các yếu tố phi tài chính

Theo tiêu chuẩn thẩm định giá số 13, hiện Việt Nam có 3 cách tiếp cận: từ thị trường, từ chi phí hoặc từ thu nhập, mỗi cách tiếp cận bao gồm nhiều phương pháp định giá khác nhau. Nhìn chung, các giá trị tính toán thực tế vẫn khá định tính, cảm quan mà chưa phản ánh một cách chính xác vấn đề bởi đặc thù của việc định giá dựa trên những ước tính có mức độ không chắc chắn.

Ví dụ khi định giá cần so sánh tài sản được thẩm định với một TSVH tương tự trên thị trường, nhưng hiện nay, tìm các giao dịch tương đương rất khó khăn do Việt Nam chưa xây dựng được thị trường giao dịch công nghệ năng động. Ngay cả khi biết được giao dịch tương tự thì cũng không thể đảm bảo sự chính xác thông tin do các bên mua bán thường giữ bí mật.

Cùng với đó, các TSVH như tài sản trí tuệ thường có tính độc đáo duy nhất, do vậy mức giá trao đổi cũng không phản ánh thực quan hệ cung cầu trên thị trường. Với cách tính toán liên quan đến giá trị dòng tiền tương lai của TSVH, thì bất kỳ một thay đổi nhỏ nào (dù trong khuôn khổ cho phép) của từng thông số quan trọng như tỷ suất chiết khấu, tỷ suất vốn hóa,... đều dẫn đến kết quả định giá chênh lệch khá lớn. Các dữ liệu vĩ mô và vi mô về triển vọng kinh tế, triển vọng ngành, tình hình đối thủ cạnh tranh làm đầu vào cho mọi kỹ thuật định giá chưa được thu thập và lưu giữ một cách đồng bộ, do đó muốn thẩm định giá TSVH, chuyên viên định giá phải tự đi tìm từng dữ liệu ở nhiều nguồn lưu giữ khác nhau.

Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch công ty tư vấn Masso Group chuyên về thương hiệu chiến lược, ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, quy trình định giá thương hiệu và tài sản vô hình còn có sự tham gia của các yếu tố phi tài chính. Do vậy, việc định giá phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh và không thể được đo lường dựa trên các phương pháp trong các lý thuyết phổ thông về tài chính kế toán hiện nay.

Mặc dù một số công ty đã có ý thức xây dựng giá trị TSVH khá tốt để phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, nhưng cũng không ít công ty sử dụng những kỹ thuật đơn giản, kém chi tiết hơn để định giá TSVH, kết quả là các con số ước tính có khả năng không đáng tin cậy. Vụ việc định giá Truyền hình An Viên (AVG) là một ví dụ. Theo công bố của Mobifone, đơn vị mua lại 95% cổ phần công ty thì giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán của AVG được tính toán là gần 13.500 tỷ đồng, chiếm hơn 80% giá trị định giá của công ty. Theo kết luận của Thanh tra chính phủ, Nhà nước đã thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng từ thương vụ này do việc định giá quá cao, không có cơ sở. Mặc dù không hiếm thương hiệu truyền thông trên thế giới có giá trị doanh nghiệp lớn gấp 3-4 lần giá trị tài sản hữu hình, nhưng để được như vậy doanh nghiệp đó phải thực sự nổi trội và có thị phần chi phối tương lai ngành. Ở AVG, những đặc điểm trên chưa thật rõ ràng. Ba công ty khác tham gia định giá AVG cũng cho các kết quả thẩm định khác nhau, chênh lệch tới hàng chục nghìn tỷ đồng.