Trao nhiều thẩm quyền hơn cho Hội đồng trường ở trường công và can thiệp ít hơn vào Hội đồng trường ở trường tư, đó là một động thái nổi bật ở Luật Giáo dục đại học sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vào cuối tháng trước.
Quá khứ “bánh xe thứ năm”
Để hiểu được ý nghĩa và tác động của những thay đổi trong quy định về hội đồng trường (HĐT), cần phải tóm tắt lại quá trình diễn tiến của HĐT ở Việt Nam.
Khái niệm “HĐT” lần đầu tiên được đưa ra chính thức trong Điều lệ Trường đại học năm 2003; được thể chế hóa trong Luật Giáo dục năm 2005 tại Điều 53; sau đó được chi tiết hóa ở Điều 14, 16 Luật GDĐH năm 2012 và Điều lệ Trường đại học năm 2014.
Tuy nhiên, những nỗ lực lập pháp này đã không mang lại kết quả như mong muốn. Cho đến năm 2010, chỉ có chưa tới 10 trường có HĐT; còn tính đến nay, sau công văn của Bộ và dưới áp lực của kiểm định, có khoảng vài chục trường thành lập được HĐT. Đó là chưa kể, nhiều người tiếng là thành viên HĐT nhưng hầu như chỉ có mặt trong lễ công bố quyết định, còn không dự bất cứ buổi họp nào và không có bất cứ hoạt động gì. Thực tế này là tất yếu, vì trước khi có Luật GDĐH sửa đổi, HĐT không nắm giữ thẩm quyền nào đáng kể, cho nên ở trường công, HĐT tồn tại như “bánh xe thứ năm”; còn ở trường tư thì ngược lại, HĐT bị lẫn lộn với vai trò điều hành, dẫn đến không thực hiện được vai trò giám sát trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng.
Trong Luật GDĐH mới, số chữ dành cho vấn đề HĐT chiếm một phần ba tổng số chữ của văn bản. Lý do dễ thấy nhất của thay đổi này là áp lực của việc mở rộng tự chủ. Tự chủ mà không đi kèm trách nhiệm giải trình thì tất yếu sẽ thành tùy tiện. HĐT chính là một trong các thiết chế quan trọng nhằm giám sát trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng. Từ trước đến nay, vai trò này nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước, tức là Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương. Nay mở rộng tự chủ ở cấp trường thì cần củng cố thiết chế HĐT như một công cụ tất yếu nhằm mở rộng dân chủ hóa trường học và tăng cường sự tham gia của các bên.
Mô hình “các bên liên quan” cho trường công, “cổ đông” cho trường tư
Cũng như trong Luật GDĐH 2012, Luật GDĐH sửa đổi phân ra HĐT ở các trường công lập và tư thục trong hai điều mục riêng, Điều 16 và Điều 17.
Theo đó, ở các trường công lập, chủ tịch HĐT không được kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường (không chỉ giới hạn trong vị trí hiệu trưởng/phó hiệu trưởng như trước đây); và thành viên HĐT bao gồm 25% trên tổng số là giảng viên, 30% là người ngoài trường. Đây là một điểm tiến bộ đáng ghi nhận, thể hiện đúng tinh thần “trường đại học là một tổ chức của nhiều bên liên quan” như được đề cập lần đầu tiên ở Luật sửa đổi. Khác với mô hình “quản lý” (mục tiêu là quản lý các nguồn lực); mô hình “cổ đông” (mục tiêu là lợi nhuận); mô hình “các bên” có mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở tương tác giữa các bên, phù hợp với bản chất của trường đại học.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các trường tư (cả vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận). Điều này cho thấy, mặc dù định nghĩa HĐT đối với trường tư là “tổ chức quản trị đại diện cho nhà đầu tư và các bên liên quan”, trong thực tế các nhà làm luật vẫn thiết kế HĐT ở trường tư theo mô hình “cổ đông”, tức là phục vụ chủ yếu cho giới đầu tư.
Đây là điều khó tránh, vì về bản chất các trường tư hiện nay là các doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh Việt Nam, có lẽ đòi hỏi các trường tư phải giống như những trường đại học tư không vì lợi nhuận ở các nước phát triển là không hợp lý, vì đại học tư ở Việt Nam chưa có cơ chế để huy động các nguồn vốn hiến tặng của xã hội, mà chủ yếu vẫn là đầu tư của cá nhân.
Có thể nhận thấy cố gắng của các nhà làm luật trong việc trao thêm nhiều thẩm quyền quan trọng cho HĐT. Trước đây, HĐT chỉ tham gia vào quá trình tuyển chọn hiệu trưởng, nay ở trường công, họ có quyền quyết định bổ nhiệm/ bãi nhiệm/miễn nhiệm hiệu trưởng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò thẩm định cuối cùng trong việc ra quyết định công nhận. Còn ở trường tư, quyết định này trực tiếp thuộc thẩm quyền của HĐT theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Điều này sẽ làm thay đổi rất đáng kể vai trò của HĐT, và tăng cường thiết chế giám sát trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng.
Và trong khi Luật GDĐH sửa đổi trao việc xây dựng thiết chế HĐT ở trường công cho chính phủ, thì ở trường tư, việc này được xác định trong Quy chế tổ chức hoạt động của trường. Như vậy nghĩa là trường tư được giao cho một mức độ tự chủ lớn hơn, tương ứng với những rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu.
Cụ thể, đối với trường vì lợi nhuận, HĐT bao gồm nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường, và được thiết lập qua bầu chọn tại hội nghị nhà đầu tư, cơ chế quyết định là theo tỷ lệ vốn góp, nghĩa là, nhà đầu tư được trao quyền tuyệt đối trong việc quyết định HĐT bao gồm những ai và thuộc thành phần nào. Tuy Luật có quy định HĐT phải bao gồm thành phần trong và ngoài trường, nhưng đó là những ai thì hoàn toàn do nhà đầu tư quyết định.
Cách xử lý này cho thấy các nhà lập pháp đang cố gắng tách “quyền sở hữu” ra khỏi “quyền quản trị”, một mô hình quản trị tiến bộ trên thế giới. Song do Luật không hạn chế việc nhà đầu tư đồng thời là thành viên HĐT và nắm giữ các vị trí quản lý cao cấp, có thể dự đoán là trong thực tế, tình trạng lẫn lộn hai vai trò quản trị và quản lý sẽ vẫn tiếp tục. HĐT trong trường hợp này hoặc chính là nhà đầu tư, hoặc được thiết lập để phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư. Điều này một lần nữa cho thấy các nhà làm luật đang dùng mô hình “cổ đông” chứ không phải mô hình “các bên liên quan” để hướng dẫn việc quản trị tại các trường vì lợi nhuận.
Điểm khác biệt duy nhất giữa trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trong việc thiết lập HĐT là bên cạnh nhà đầu tư, thành viên HĐT của trường không vì lợi nhuận còn bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên được bầu chọn. Thành viên đương nhiên gồm có bí thư cấp uỷ, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, đại diện Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Thành viên được bầu bao gồm đại diện người lao động và đại diện giảng viên. Thành viên bên ngoài trường đại học là nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên; đại diện cơ quan, tổ chức sử dụng lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu chọn.
Một yếu tố tế nhị nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với trường không vì lợi nhuận là tỉ lệ thành viên HĐT là nhà đầu tư (lưu ý: luật dùng từ “nhà đầu tư” đối với trường không vì lợi nhuận, không còn dùng từ “người góp vốn” như trước đây) sẽ do trường tự quyết định và nêu trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Ai là người soạn thảo, phê duyệt Quy chế này? Tất nhiên đối với trường mới thành lập, thì đó là nhà đầu tư. Điều này cho thấy, mặc dù có mở rộng sự tham gia của các bên liên quan trong mô hình quản trị trường không vì lợi nhuận, về cơ bản quyền quyết định vẫn nằm trong tay nhà đầu tư, giống như đối với trường vì lợi nhuận.
Qua một số phân tích trên đây, có thể nhận thấy những nỗ lực tiếp cận kinh nghiệm quốc tế của các nhà làm luật. Việc trao nhiều thẩm quyền hơn cho HĐT trường công và can thiệp ít hơn vào HĐT trường tư là những động thái tích cực, nhưng việc thực hiện nó sẽ là một thách thức to lớn khi chúng ta có rất ít người được đào tạo để hiểu rõ vai trò thực sự của HĐT, và đặc biệt là nền tảng dân chủ trường học làm bệ đỡ cho hoạt động của HĐT.