Chính phủ liên minh mới thành lập của công quốc Luxembourg sẽ ngừng thu phí đối với các phương tiện giao thông công cộng. Đây được xem là nỗ lực của quốc gia nhỏ bé nhưng có GDP cao gần nhất thế giới này để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.
Bắt đầu từ mùa hè tới (2019), các hành khách đi tàu, xe điện và xe buýt sẽ không cần phải trả tiền vé. Động thái này được khởi xướng bởi chính phủ liên minh do Thủ tướng Xavier Bettel lãnh đạo, người vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 12/12. Chính phủ liên minh bao gồm Đảng Dân chủ của ông Vettel, Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa theo cánh tả và đảng Xanh, với những hứa hẹn và cam kết ưu tiên bảo vệ môi trường. Khi kế hoạch trên trở thành hiện thực, Luxembourg sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ giao thông công cộng hoàn toàn miễn phí.
Mỗi ngày, có gần 170 ngàn người (từ các láng giềng như Pháp, Bỉ, Đức …) vượt biên giới sang Luxembourg làm việc, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông, biến nơi đây thành một trong những đô thị thường xuyên tắc nghẽn nghiêm trọng nhất châu Âu. Vì thế, chính quyền đã và đang khẩn trương làm việc để tìm kiếm giải pháp, trong đó có chính sách cải thiện khả năng tiếp cận đối với các phương tiện công cộng. Khoảng 6 tháng trở lại đây, Luxembourg cũng đã ra mắt một chương trình chuyên chở miễn phí dành cho mọi trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Ngoài ra, học sinh trung học cũng thường được khuyến khích sử dụng xe bus miễn phí để di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại.
Trước đây, người đi phương tiện giao thông công cộng ở Luxembourg cũng chỉ phải trả tối đa 2 euro cho hai giờ di chuyển, và ở một đất nước có diện tích nhỏ bé thì như vậy thì là đi được rất nhiều. Hiện nay, mỗi năm Luxembourg tiêu tốn khoảng 1 tỷ euro để vận hành hệ thống giao thông công cộng, trong khi doanh thu từ bán vé chỉ là gần 30 triệu euro – mặc dù được trợ giá và không chịu áp lực về doanh số, nhưng người đi lại vẫn bị đánh thuế sử dụng dịch vụ.
Mặc dù sắp được đi lại hoàn toàn miễn phí bằng phương tiện công cộng, song nhiều người lo lắng, điều này có thể gây giảm sút chất lượng dịch vụ bởi viễn cảnh tràn ngập người vô gia cư (từ khắp châu Âu đổ về) trên các chuyến tàu mùa đông (vì mục đích giữ ấm), bên cạnh dấu hỏi liên quan đến việc cần phải làm gì với các toa xe mới và đã qua sử dụng.
Bước đi trên của Luxembourg có thể cũng là động lực để Pháp thực hiện chính sách tương tự, khi việc di chuyển trên rất nhiều tuyến đường dài ở đây bằng phương tiện công cộng cũng thường chỉ tốn khoảng 1 euro. Tuy nhiên, sự hào phóng này cũng đang gây ra những tranh cãi sôi nổi ở Luxembourg liên quan đến đề xuất hợp pháp hóa cần sa và ban hành thêm hai ngày lễ mới do Đảng Dân chủ khởi xướng.
Hải Đăng (Theo Interesting Engineering)