Cơ học Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện các hướng nghiên cứu liên quan đến CMCN 4.0 này, đặc biệt là ở 5 hướng thế mạnh: Vật liệu thông minh đa chức năng; robot; chẩn đoán sức khỏe kết cấu hay cơ hệ; nghiên cứu về hệ thống điều khiển thông minh, trí tuệ nhân tạo và cơ học tính toán.
Đó là ý kiến của PGS. TS Nguyễn Quốc Hưng (trường Đại học Việt Đức), chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành cơ học (Quỹ Nafosted) đã trao đổi với báo KH&PT như vậy.
Theo ông, Cơ học và kỹ thuật Việt Nam có thể theo đuổi được các hướng nghiên cứu liên quan đến cuộc CMCN 4.0 không?
Từ nhiều năm nay, ngành Cơ học của Việt Nam đã triển khai nhiều đề tài về cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa, cơ khí chế tạo, công nghệ vật liệu... Đó là các lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng và quyết định trong sự phát triển của xã hội hiện đại dựa trên nền tảng cuộc CMCN 4.0.
Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao trong nghiên cứu và ứng dụng, tôi cho rằng chúng ta nên có cách tiếp cận hợp lý nhằm phát huy các hướng nghiên cứu thế mạnh của chúng ta, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ, xây dựng nguồn lực về con người và trang thiết bị, máy móc đi kèm để có thể nâng dần chất lượng ở những hướng nghiên cứu mà chúng ta còn yếu.
Ông đã đề cập đến 5 hướng nghiên cứu mà cơ học Việt Nam có thể tiếp cận với xu hướng của thế giới. Vậy chúng ta đã nỗ lực như thế nào để có được những năng lực đó?
Trong gần 10 năm qua, những hoạt động hỗ trợ và tài trợ của Quỹ Nafosted đã góp phần thúc đẩy năng lực nghiên cứu của các nhà cơ học Việt Nam. Nếu ban đầu các nghiên cứu cơ học cơ bản được Quỹ Nafosted tài trợ chủ yếu là các đề tài liên quan trực tiếp đến cơ học nhưng trong thời gian gần đây, các đề tài đã đa dạng hơn và hướng đến các lĩnh vực kỹ thuật liên quan như khoa học vật liệu, kỹ thuật chế tạo, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, v.v… Phạm vi của các đề tài cũng càng ngày càng được mở rộng, hầu hết các đề tài tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu: vật liệu mới, vật liệu composite, vật liệu nano; vật liệu và vật liệu thông minh; hệ thống phản hồi lực, hệ thống hỗ trợ và phục hồi chức năng; vật liệu đa chức năng; cơ học vật liệu; cơ học rạn nứt; cơ học vật rắn biến dạng; nhận dạng, chẩn đoán khuyết tật; truyền sóng; tối ưu hóa; kỹ thuật điều khiển; động lực học kết cấu và giao động; điều khiển dao động; kỹ thuật tính toán; cơ điện tử; robot; kỹ thuật chế tạo; kỹ thuật nhiệt; cơ học chất lỏng; giám sát kết cấu bằng phương pháp không phá hủy; sử dụng vật liệu composite TRC trong việc gia cường, sửa chữa kết cấu công trình.
Qua việc thực hiện các đề tài ngành cơ học và kỹ thuật, số lượng công bố ISI ngày càng tăng lên, các tác giả cũng bắt đầu hướng đến công bố trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao và quan trọng hơn, đội ngũ các nhà nghiên cứu đã được bổ sung, không chỉ tập trung ở một số trường đại học, viện nghiên cứu ở các thành phố lớn mà còn ở các trường đại học ở nhiều địa phương như Hải Dương, Cần Thơ… Đây cũng là nền móng tốt để chúng ta có thể triển khai các đề tài, dự án liên quan đến CMCN 4.0 sau này.
Như vậy chúng ta có thể lạc quan về sự sẵn sàng của cơ học Việt Nam cho CMCN 4.0?
Mặc dù có rất nhiều điểm sáng trong năng lực tiếp cận CMCN 4.0 nhưng nhìn vào các nghiên cứu cơ bản trong cơ học được Quỹ Nafosted tài trợ thì có thể thấy phần nhiều các đề tài nghiên cứu vẫn còn rất hạn chế, lẻ tẻ và manh mún về quy mô, tầm vóc. Cơ học Việt Nam vẫn cần phải có cách tiếp cận toàn diện hơn, mang tầm chiến lược hơn để tạo lợi thế cạnh tranh, góp phần vào sự thành công của cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam. Cụ thể Quỹ Nafosted cần xem xét mở rộng tài trợ và ưu tiên cho các đề tài thực nghiệm, đề tài ứng dụng để góp phần xây dựng nguồn lực cho các hướng nghiên cứu liên quan nhiều đến thực nghiệm và tính toán cho các bài toán có quy mô lớn như: Cơ học tính toán hiệu năng cao và các hệ máy tính hiệu năng cao (High Performance Computers); kết cấu thông minh; Hệ thống thu hoạch năng lượng (Energy Harvesting System); Xe không người lái: Công nghệ chế tạo bồi đắp; Phương pháp và trang thiết bị kiểm tra, đánh giá không phá hủy (NDT); Nghiên cứu về hệ thống Haptics, thực tế ảo tăng cường và hỗn hợp, nhân bản số (digital twin).
Theo ông, Việt Nam cần làm những gì để thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu theo các định hướng trên vào thực tiễn?
Một số giải pháp chúng ta có thể thực hiện để áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn bao gồm:
Cần có kết nối giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng bằng việc tạo sự kết nối giữa các nhóm nghiên cứu cơ bản, và nghiên cứu ứng dụng thông qua việc thực hiện các đề tài lớn, thông qua các hội thảo; khuyến khích triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng từ kết quả của các đề tài nghiên cứu cơ bản;
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận, truy cập, kết nối và triển khai ứng dụng;
Có chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp sẵn sàng hơn trong các hoạt động R&D, và kết hợp với các nhà nghiên cứu để triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng, ví dụ như giảm thuế khi doanh nghiệp có triển khai các hoạt động R&D và thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách và tăng quy mô quỹ nghiên cứu nhằm khuyến khích triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng có sự gắn kết của 3 thành phần: Quỹ nghiên cứu, Nhà khoa học và Doanh nghiệp, trong đó Quỹ nghiên cứu và Doanh nghiệp sẽ cùng cung cấp tài chính cho đề tài nghiên cứu có tính khả thi ứng dụng cao.
Có chính sách khuyến khích sự phối hợp và triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng có sự gắn kết của 3 thành phần: Sở ban ngành, Trường đại học và Doanh nghiệp, trong đó Sở ban ngành và Doanh nghiệp sẽ cùng cung cấp tài chính cho đề tài nghiên cứu có tính khả thi ứng dụng cao.
Cảm ơn ông!