Cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực là nguyên tắc để đảm bảo sự hợp tác hiệu quả trong nguồn nước sông Mekong.

Xung đột lợi ích trên dòng Mekong

Bắt nguồn từ núi Đường Cổ Lạp trên cao nguyên Thanh – Tạng của Trung Quốc, sông Mekong đã chảy hơn 4.800km, xuyên qua 6 nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông. Đây là con sông dài thứ 8 thế giới, với lưu vực rộng 811.000km2. Lưu vực sông Mekong là nguồn cá đất liền lớn nhất trên thế giới, và là nơi sinh sống của gần 100 triệu người.

Tuy nhiên, tương tự như các dòng sông xuyên biên giới khác, các nước lưu vực sông Mekong cũng phải đối mặt với những căng thẳng liên quan đến các nguồn tài nguyên từ sông Mekong.

Về mặt địa lý, thượng nguồn sông Mekong bao gồm tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Myanmar, vùng hạ nguồn sông bao gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ưu thế về vị trí địa lý đã tạo ra sự bất bình đẳng trong khai thác tài nguyên trên dòng Mekong.

Tại hội thảo quốc tế về Hợp tác Quản lý Nguồn nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (16/10), TS. Trần Điệp Thành cho biết: Tiềm năng thủy điện của sông Mekong được tính toán lên tới 58.000MW và phân bổ phần lớn cho Trung Quốc, Myanmar và Lào. Trong khi Thái Lan, Campuchia và Việt Nam được hưởng lợi rất ít ỏi. Và các quốc gia đều cố gắng tận dụng tối đa lợi thế thượng nguồn của mình để theo đuổi các tính toán riêng.

Với Trung Quốc, đó là thủy điện và kiểm soát các quốc gia hạ nguồn. Với Lào và Myanmar, đó là thủy điện, khai thác vàng trên sông,… trong những nỗ lực để thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Với Thái Lan, đó là chuyển nước từ sông Mekong về sông Chaopraya, để giải quyết tình trạng khan hiếm nước ở quốc gia này và phục vụ các nhu cầu nông nghiệp.

Thủy điện trên dòng chính sông Mekong là một vấn đề gây căng thẳng khu vực.
Nguồn: baogiaothong.vn

Tất nhiên, những tác động từ phía thượng nguồn đều ảnh hưởng đến khu vực hạ nguồn. Cũng tại Hội thảo này, ông Win Maung, Viện Môi trường Myanmar đã trình bày nghiên cứu của mình, trong đó chỉ ra việc khai thác vàng trên sông Chindwin – dòng chính sông Mekong tại địa phận Myamar, đã tác động tiêu cực đến chất lượng nước vùng hạ lưu.

Các phép đo tại vùng Monywa, hạ lưu sông Chindwin cho thấy các nồng độ pH, sắt, phốt pho, nitrogen,… đều cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của WHO, đồng thời cũng cao hơn so với trạm đo tại vùng Homalin, đầu nguồn của Chindwin. Đơn cử như nồng độ pH tại Monywa, Homalin và tiêu chuẩn WHO lần lượt là 8.7; 8.4 và 8.5. Tương tự như với sắt, nồng độ sắt trong nước tại Monywa, Homalin và tiêu chuẩn WHO lần lượt là 4.88mg/l; 2.88mg/l và 0.3mg/l. Đây là những con số đáng báo động về chất lượng nước ở sông Mekong nói chung và vùng hạ lưu nói riêng.

Mối quan hệ bất bình đẳng trong khai thác tài nguyên – một bên hưởng lợi và một bên chịu thiệt hại, sẽ dễ dàng dẫn đến những xung đột lợi ích trong việc sử dụng nước. Trong lịch sử, các xung đột vũ trang giữa các quốc gia ven sống đã diễn ra không chỉ một lần, như trường hợp giữa Trung Quốc và Liên Xô cũ năm 1969 trên sông Ussiri, giữa Israel và các quốc gia Ả Rập năm 1967.

Và nếu căng thẳng giữa các nước lưu vực sông Mekong tiếp tục leo thang, một kịch bản xung đột tương tự có thể xảy ra. Trong trường hợp này, các quốc gia vùng hạ lưu thường ở thế yếu hơn. Trừ trường hợp các quốc gia hạ nguồn có sức mạnh về kinh tế, chính trị vượt trội hơn như Israel so với Syria. Nhà nước Do Thái đã tấn công Syria vào năm 1965-1966 để khiến nhà nước Ả Rập không thể kiểm soát nguồn nước từ sông Yamouk và cho phép Israel kiểm soát một nửa chiều dài con sông, so với chỉ 10km trước khi cuộc tấn công xảy ra.

“Đồng sàng dị mộng”

Để tránh những căng thẳng phát sinh trong quản lý sử dụng nước sông Mekong, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được thành lập, đặc biệt là giữa bốn quốc gia vùng hạ lưu – vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hành động tiêu cực từ phía thượng nguồn. Lần hợp tác đầu tiên bắt đầu ngay từ năm 1957, với sự hỗ trợ từ phía Mỹ. trong đó thống nhất các nước hạ nguồn có quyền phủ quyết đối với bất kỳ dự án phát triển nào ở thượng nguồn. Tuy nhiên, những điều khoản này không thể thực thi, một phần vì chia rẽ địa chính trị trong khu vực và Thái Lan – với tư cách thượng nguồn so với 3 quốc gia còn lại, luôn tìm cách loại bỏ quyền phủ quyết của các nước hạ nguồn.

Để thay thế cho Hiệp định Mekong cũ, năm 1995, một lần nữa 4 quốc gia hạ nguồn ngồi lại cùng nhau để thành lập Ủy hội sông Mekong Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) được thành lập với tư cách là một cơ quan liên chính phủ “phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan bằng cách triển khai những hoạt động và chương trình, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách”, theo trang web của Ủy hội.

Dù là thể chế khu vực chính thức cho các vấn đề liên quan đến sông Mekong, vai trò của MRC được đánh giá là “hữu danh vô thực”, khi không thể can thiệp và điều phối các dự án của các quốc gia thành viên. Đơn cử như bất chấp ý kiến phản đối của MRC cũng như Campuchia và Việt Nam, Lào vẫn đang tiến hành hai dự án thủy điện lớn trên dòng chính sông Mekong là Pak Beng, Pak Lay mà không phải chịu bất kỳ chế tài xử phạt nào.

Một công trình đập thủy điện trên sông Mekong. Ảnh: Mekong eye

Lý giải cho sự yếu kém trong quản lý và đảm bảo sự phát triển bền vững của sông Mekong của MRC, TS Thành cho rằng, MRC là một thể chế khu vực nhưng bị giới hạn ở quyền hạn. Và một hạn chế lớn của MRC là hoạt động dựa vào nguồn tài trợ từ các quốc gia phát triển như Úc, Bỉ, EU, Nhật Bản, Mỹ…, nên thay vì thực hiện đúng chức năng, MRC đang “bằng mọi giá” đáp ứng các lợi ích cho những nhà tài trợ, ví dụ như thông qua các dự án hợp tác dù chưa đánh giá được đầy đủ những tác động của nó.

Thậm chí, ngay trong nội bộ MRC cũng tồn tại những mâu thuẫn nhất định. Thái Lan và Lào đã ký MRC vào năm 1995 để thúc đẩy sự phát triển bền vững trên sông Mekong nhưng chỉ 5 năm sau đó, hai quốc gia này đều ký Hiệp định Hợp tác Kinh tế Tứ giác với Trung Quốc để khai thác tài nguyên sông.

Hiệp định dẫn tới sự bùng nổ các ghềnh sông Mekong giữa Vân Nam và Thái Lan. Trung Quốc đã tài trợ trị giá 5 triệu đô la đểcải tiến các kênh điều hướng của sông Mekong và cung cấp các khoản vay mở rộng để phát triển đường bộ Lào liên kết Vân Nam và Thái Lan. Đứng ở vị trí nước thượng nguồn, việc tuân thủ MRC chỉ đem lại thiệt hại cho Lào và Thái Lan khi phải quan tâm đến nhu cầu từ phía hạ nguồn, trong khi MRC không có khả năng bảo vệ hai quốc gia này khỏi Trung Quốc.

Chia sẻ cởi mở

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Việt Nam năm 2013 đã nói: “Có nhiều quốc gia thượng nguồn tiếp cận nguồn nước từ sông Mekong trước Việt Nam, nhưng tất cả đều cùng hưởng lợi từ nguồn nước quan trọng. Và không quốc gia nào có quyền tước đi sinh kế, hệ sinh thái và sự sống mà con sông này mang lại cho các nước khác. Sông Mekong là một tài sản toàn cầu, là một kho báu của cả khu vực.”

Tuy nhiên, “kho báu khu vực” này đang phải đối mặt với nhiều thách thức: từ biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng nước, sạt lở,… Đây là những vấn đề mà tất cả 100 triệu dân sinh sống trong lưu vực đều sẽ phải đối mặt, bất kể quốc gia nào. Không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được những vấn đề này vì thế việc hợp tác là cần thiết. Tuy nhiên, lịch sử mâu thuẫn và cạnh tranh kéo dài giữa các quốc gia lưu vực sông Mekong đã cho thấy nhiều năm nay, lợi ích khu vực gần như đã bị bỏ qua. Lợi ích quốc gia không được tích hợp vào lợi ích tổng thể của khu vực thông qua các hiệp định, và lợi ích khu vực cũng không nhận được sự tán đồng từ các quốc gia riêng lẻ nào.

Vì thế, các quốc gia cần đạt được một nhận thức chung về các vấn đề liên quan đến sông Mekong, trong sự so sánh, đối chiếu lợi ích chung và cá nhân, trong cả ngắn và dài hạn, của cả các nước thượng nguồn và hạ nguồn, giữa ngành năng lượng và nông – lâm – ngư nghiệp, giữa chính phủ và cộng đồng cư dân, đặc biệt là cư dân ven sông. Nhận thức chung sẽ cho phép thiết lập các chiến lược và chính sách phù hợp, cũng như xác định các biện pháp khả thi và hiệu quả.

Điều này chỉ có thể đạt được khi các quốc gia có sự hợp tác thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, đánh giá tác động tổng thể liên quan đến môi trường sông Mekong. Đồng thời các dữ liệu được tạo ra từ nghiên cứu cũng cần được chia sẻ cởi mở và minh bạch giữa các bên liên quan. Chia sẻ dữ liệu và đối thoại cởi mở là chìa khóa duy nhất để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực – vốn đang đầy hoài nghi lẫn nhau, đảm bảo lợi ích bền vững cho sông Mekong và cộng đồng cư dân.

Một số giải pháp để hạn chế sạt lở

1. Nhà nước và người dân cần nhận thức rõ các thách thức mà đồng bằng đang đối diện và hành động tương ứng vì sự phát triển bền vững của đồng bằng. Cụm từ “Người dân” bao gồm bà con nông ngư dân, các chủ nông hộ, các doanh nghiệp, các viện, trường và các nhà khoa học.

2. Hiểu rõ các quy luật của dòng chảy sông trong một châu thổ tương đối phẳng, chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, trong bối cảnh các thách thức; tuân thủ các quy luật này trong các quy hoạch, đặc biệt quy hoạch thủy lợi và đô thị. Hạn chế tối đa tác động đến đường bờ biển.

3. Làm tốt công tác quản lý nhà nước: (a) trong quan trắc, theo dõi các yếu tố thủy văn, hải văn, trầm tích, nước biển dâng; (b) trong quản lý khai thác tài nguyên (đất, nước, cát sông và nước ngầm), và (c) trong dự báo các khu vực, các điểm có khả năng xảy ra sạt lở.

4. Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chuyên đề, được kết nối với nhau. Phát huy các khả năng kết nối giữa internet đám mây và internet kết nối vạn vật để xây dựng quy chế sử dụng mở cho các viện, trường, các nhà khoa học khai thác các cơ sở dữ liệu này.

5. Tập hợp các chuyên gia, đầu tư để sớm làm chủ một số mô hình với số liệu địa hình luôn được cập nhật để chủ động trong công tác mô phỏng, áp dụng cho những vùng cần theo dõi sạt lở.

6. Khai thác ảnh vệ tinh, đặc biệt ảnh vệ tinh VNREDSAT 1 của Việt Nam để theo dõi sạt lở.

7. Dòng chảy tuân thủ quy luật tự nhiên, không theo ranh giới hành chính. Cần sớm thể chế hóa việc liên kết vùng để tối ưu hóa việc phòng chống sạt lở.

8. Có dự án để đẩy mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng nhẹ cho nền đất yếu, bền trong môi trường ngập, mặn phục vụ các công trình thủy lợi, giao thông và dân dụng.

9. Kiên trì xây dựng một cơ chế sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Cơ chế này cần được quy định bằng một điều ước quốc tế. (tham khảo Công ước Liên Hiệp Quốc về dòng chảy các sông Vienne 1997, Công ước về sông Rhin của Cộng đồng châu Âu, cải tiến Hiệp định MRC 1995). Trước mắt, có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực. Phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lý tốt nguồn nước sông Mekong và các rủi ro từ biến đổi khí hậu trong lưu vực.

GS. Nguyễn Ngọc Trân