Chất lượng tạp chí khoa học (KH) là thước đo đánh giá kết quả hoạt động KH và trình độ phát triển KH của một tổ chức nghiên cứu cũng như của một đất nước. Gần đây, đã xuất hiện nhiều bài báo thảo luận về công bố quốc tế của các nhà KH Việt Nam, nhưng các ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng tạp chí trong nước còn chưa nhiều.

Do đó, trong bài viết này, chúng tôi nêu lên thực trạng các tạp chí KH Việt Nam, nguyên nhân và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của các tạp chí KH này theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.


Tạp chí Các thiết bị và vật liệu tiên tiến - do ĐHQG hợp tác với Elsevier, đã được chấp nhận vào cơ sở dữ liệu Scopus đầu năm 2018 – đây là một trong số ít các tạp chí Việt Nam được vào Scopus. Ảnh: GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Tổng biên tập (bên phải) trong ngày ra mắt tạp chí. Nguồn: VNU.

Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực

Các tạp chí KH của Việt Nam khá phong phú về số lượng và nội dung, phân bổ tương đối đồng đều trên các lĩnh vực. Phần lớn các bộ ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu đều có các tạp chí KH riêng, thậm chí có nhiều tạp chí còn được phân chia theo từng chuyên ngành/lĩnh vực hẹp. Cả nước có tới cả ngàn tạp chí KH; trong đó, theo số liệu năm 2017, mới có 387 tạp chí được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước xếp vào danh mục được tính điểm công trình KH quy đổi. Nhưng xét về số tạp chí KH được trích dẫn trên cơ sở dữ liệu ISI/Scopus, Việt Nam vẫn ‘đứng sau’ khá xa so với các nước trong khu vực và châu Á – chỉ có 3 tạp chí có trong danh mục này (Trung Quốc đứng đầu châu Á với 538 tạp chí, tiếp theo là Nhật Bản 459, Singapore 101, Malaysia 69, Thái Lan 23, Philippines 21, Indonesia 12 1). Năm 2017, cơ sở dữ liệu trích dẫn ASEAN (ACI) bao gồm 408 tạp chí KH chuẩn, trong đó Thái Lan đứng vị trí số 1 với 161 tạp chí, Indonesia 101, Malaysia 100, Philippines 28… còn Việt Nam cũng mới có 06 tạp chí được ACI chấp nhận.

Thực tế cho thấy, tạp chí KH nước ta còn tồn tại một số hạn chế nhất định, theo Trần Văn Nhung 2, số lượng tạp chí KH của chúng ta nhiều nhưng chất lượng thấp, chủ yếu là do (i) nhiều bài mang tính thông tin tuyên truyền, tính diễn đàn; (ii) tính hệ thống KH, hàm lượng KH chưa cao, tính liên ngành yếu; (iii) ban biên tập, hình thức tạp chí, quy trình biên tập còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế; (iv) hầu như các tạp chí đều công bố bằng tiếng Việt.

Có người cho rằng, hạn chế của một số tạp chí KH của Việt Nam là: (i) thường chồng chéo về nội dung, số lượng công bố không cân đối; (ii) hình thức trình bày không chuyên nghiệp, hạn chế nhiều trong biên tập tiếng Anh; (iii) xuất bản không đúng định kỳ theo kế hoạch; (iv) nội dung sơ sài, chất lượng bài thấp, không có tính mới; (v) hệ thống biên tập, phản biện chưa chuyên nghiệp, còn mang tính thủ công, chưa có hệ thống phản biện trực tuyến; (vi) tính công khai, minh bạch trong quy trình nhận bài, bình duyệt/phản biện, xuất bản còn nhiều hạn chế và lạc hậu; (vii) tính “nội địa” cao - hầu hết các bài là của tác giả trong nước, hội đồng biên tập và phản biện cũng là người Việt Nam; (viii) tính chất ‘cây nhà lá vườn’ khá đậm nét, thể hiện ở chỗ bài báo chủ yếu nhằm đáp ứng lợi ích của một vài nhóm hay cá nhân nhất định, như nhằm giúp có điểm công trình để bảo vệ Luận án, để xét duyệt chức danh, thiếu các giá trị về học thuật, thiếu cống hiến cho xã hội và nhân loại; (ix) vấn đề đạo đức KH như “đạo văn” chưa được kiểm soát nghiêm khắc; (x) ít có biên tập viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn quốc tế.

Hình 1: Sơ đồ tư duy hệ thống phân tích các mối quan hệ trong nâng cao chất lượng công bố khoa học và các tạp chí của Việt Nam.

Đơn cử, chúng tôi khảo sát một số chỉ tiêu trực tuyến của một số tạp chí trong lĩnh vực sinh học, nông, lâm, ngư nghiệp, thì kết quả cho thấy: 8/32 (25%) tạp chí không có trang web; trong số 24 tạp chí có trang web thì 7 tạp chí có hệ thống trang web khá đầy đủ, chuyên nghiệp, đã tiếp cận và hội nhập với hệ thống trang web của các nhà xuất bản uy tín trên thế giới, có hệ thống gửi bài trực tuyến; còn lại các tạp chí khác chỉ có 1 đường link rất nhỏ để liệt kê danh mục các số tạp chí đã xuất bản; 18/24 (75%) tạp chí có liệt kê mục lục, tóm tắt, từ khóa bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh của các bài báo trên trang web; 6/24 (25%) tạp chí chỉ liệt kê bằng tiếng Việt, trong đó có 2 tạp chí chỉ liệt kê mục lục của các bài báo đã công bố rất sơ sài. Có 11/24 (46%) tạp chí đã công bố dữ liệu mở toàn bộ các bài báo đã công bố ở dạng tệp PDF, đây chính là các tạp chí thể hiện sự cống hiến và đóng góp cho cộng đồng KH và xã hội, hướng tới công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu của Việt Nam cho cộng đồng các nhà KH quốc tế.

Trong khi đó, mặc dù công bố quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây có tăng rõ rệt (đầu những năm 1990, tổng số bài báo trên các tạp chí ISI chỉ khoảng 300 bài, năm 2000 cũng chỉ đạt 400 bài; đến năm 2015 thì đạt xấp xỉ 3.000 bài 3), nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào “ngoại lực”. Theo cơ sở dữ liệu từ Thomson Reuters, trong giai đoạn 15 năm, từ năm 2001 đến năm 2015, nước ta công bố được 18.044 bài báo, với tỷ lệ hợp tác nghiên cứu quốc tế khoảng 77%, trung bình số bài tăng 17%/năm. Trong một nghiên cứu gần đây, khi phân tích số liệu từ Google Scholar và Scopus trong giai đoạn 2008 – 2017 (10 năm), người ta thấy có tới hơn 90% các công bố thuộc các ngành KH xã hội là các công bố liên kết với nước ngoài 4. Không ít nghiên cứu sử dụng nguồn vật liệu của Việt Nam, và/hoặc các thí nghiệm được triển khai ở Việt Nam, nhưng phân tích sâu đều được thực hiện tại các phòng thí nghiệm ở nước ngoài, nên tác giả chịu trách nhiệm chính (corresponding author) hoặc tác giả thứ nhất (first author) là người nước ngoài chiếm tỷ lệ cao.

Vậy, làm thế nào để nâng cao chất lượng các tạp chí KH của chúng ta đang còn là câu hỏi khó và lớn đối với cộng đồng các nhà KH Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách.

Một vài gợi ý nâng cao chất lượng tạp chí KH Việt Nam

Để có chất lượng bài báo KH cao, từ đó có chất lượng tạp chí tốt, điều gốc rễ là phải nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH) của cộng đồng các nhà KH Việt Nam. Có nhiều việc cần và phải làm để nâng cao chất lượng NCKH; nhưng về cơ bản nhất, chúng tôi đề nghị Nhà nước cho thực hiện 2 việc ‘cần làm ngay’, đó là (i) áp dụng cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ gắn với giao kinh phí cho hoạt động NCKH gần giống cách làm của Nafosted; và (ii) bố trí kinh phí NCKH cho các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục theo các kết quả đầu ra (Key Performance Indicators-KPIs) mà cơ sở đó cam kết với xã hội và Nhà nước. Phải chấm dứt càng sớm càng tốt thực trạng các nhà khoa học ‘tử tế’ đã quá mệt mỏi với các thủ tục, nhất là thủ tục tài chính, để ‘chạy’ đề tài; còn các nhà khoa học trẻ vừa từ nước ngoài trở về đang đầy khát vọng cống hiến đã phải ‘dấn thân’ vào con đường chẳng tốt đẹp gì mà cha anh họ đã buộc phải đi để có được đề tài; nếu chúng ta thực tâm muốn các trường đại học Việt Nam nhanh chóng trở thành biểu tượng về KH&CN của đất nước!

Riêng đối với các tạp chí KH, để cải thiện chất lượng một tạp chí, chúng tôi có một số đề xuất sau:

Hệ thống trích dẫn Việt Nam: cần cập nhật chuẩn quốc tế

Để nâng cao chất lượng tạp chí đạt chuẩn quốc tế, tiến tới được trích dẫn cao trong ISI và Scopus, việc tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế trong biên tập và xuất bản bài báo KH giữ vai trò rất quan trọng.

Các tạp chí trong nước cần nhanh chóng gia nhập hệ thống chỉ số trích dẫn Việt Nam (VCI) (link: https://www.vietnamcitationindex.com). VCI đã cơ bản hoàn thiện và sẵn sàng cập nhật cơ sở dữ liệu của các tạp chí. VCI sẽ đáp ứng tiêu chí đánh giá chất lượng của mỗi tạp chí KH Việt Nam như chỉ số ảnh hưởng VCI (VCI-impact factor), số lần trích dẫn... Đây là cơ sở để các tạp chí tiếp đó gia nhập hệ thống ACI và hướng tới hội nhập hệ thống ISI/Scopus, đồng thời nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lưu trữ, số hóa tất cả các tạp chí thậm chí các số xuất bản vào các thập niên 1950 - 1960, phục vụ cho nghiên cứu, trích dẫn.

Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước đang tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn VCI. Đây là một giải pháp tốt, tuy nhiên các thông tin từ trang web VCI (www.vci.gov.vn) cho thấy bộ tiêu chuẩn VCI còn rất thấp so với mặt bằng chung khu vực và quốc tế, trong đó còn bỏ ngỏ một số tiêu chí về tính minh bạch trong mối quan hệ gắn kết giữa tạp chí với cộng đồng tác giả. Hình 1 cho thấy, có hai điểm mấu chốt để các tạp chí KH trong nước nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp nhằm đạt được các tiêu chuẩn VCI mới theo hướng tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các tạp chí công bố bằng tiếng Anh: thứ nhất là xây dựng trang web và hệ thống dữ liệu của mỗi tạp chí; thứ hai là cung cấp và kết nối dữ liệu của tạp chí với hệ thống dữ liệu chung của VCI.Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, 2 hệ thống dữ liệu này cần được xây dựng trên bộ tiêu chuẩn nào? Nếu áp dụng bộ tiêu chuẩn VCI hiện tại thì bao giờ mới đưa các tạp chí của Việt Nam hội nhập quốc tế? Do vậy, chúng tôi đề xuất VCI chọn ngay một bộ tiêu chuẩn quốc tế có nhiều điểm gần với điều kiện Việt Nam nhất để làm thành tiêu chuẩn của VCI. Như vậy, VCI sẽ là một cầu nối để tạp chí nào đạt tiêu chuẩn này thì cũng đã sẵn sàng hội nhập quốc tế, hoặc làm bước đệm để tiến tới các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế cao hơn.


Hai tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm KHCNVN được lọt vào danh mục ACI (ASEAN Citation Index) năm 2017.

Đồng hành cùng VCI (Vietnam Citation Index) cần có VHI (Vietnam H- Index), vì chất lượng của mỗi tạp chí có sự đóng góp rất lớn từ cộng đồng tác giả. Hình 1 cũng cho thấy, VHI dễ dàng được xây dựng khi hệ thống cơ sở dữ liệu của các tạp chí ở Việt Nam được tập hợp thông qua hệ thống dữ liệu của VCI. VHI được xây dựng sẽ cùng với VCI làm thành hệ thống minh chứng giúp nâng cao sự minh bạch của các tạp chí và của chính các nhà KH. Cộng đồng KH nói riêng, xã hội nói chung có thể thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu và các minh chứng này để giám sát, đánh giá các tạp chí, các bài báo, các tác giả, các trường đại học, các viện nghiên cứu. Do vậy, việc truy xuất, kiểm tra, thẩm định các tạp chí, bài báo và tác giả KH thông qua chỉ số VCI, VHI dễ dàng được thực hiện bằng công cụ trực tuyến thông qua trang web của mỗi tạp chí và của VCI. Nếu thực hiện được việc này, xã hội sẽ dễ dàng kiểm tra các công trình KH của nghiên cứu sinh (NCS), của các ứng viên xét phong chức danh GS, PGS, cũng như quá trình hoạt động KH của các tiến sĩ, các học giả, các nhà KH. Vì vậy, chúng tôi đề xuất áp dụng hệ thống tra cứu theo mô hình của Scopus hoặc Google Scholar trên trang web của VCI, chấm dứt tình trạng tù mù về ‘thành tích’ KHCN hiện nay của cộng đồng các nhà KH Việt Nam.

Ngoài ra, để các công bố quốc tế của các nhà KH trong nước cùng được truy xuất trên hệ thống này, cần sử dụng ORCID (www.orcid.org) 5, sử dụng mã số (ID) để nhận dạng một tác giả có công bố khác nhau trên các tạp chí trên toàn thế giới. Việc này giải quyết được hạn chế trong hệ thống tìm kiếm của Scopus. Hệ thống Scopus đã không xác nhận được tác giả XYZ khi trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đổi tên thành Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, nhưng nếu tác giả XYZ đăng ký ORCID thì hệ thống sẽ gộp lại thành một. Như vậy, trong hệ thống đăng nhập trực tuyến khi gửi công bố bài cần có thêm trường dữ liệu khai ORCID. Khi đã khai ORCID thì hệ thống dữ liệu trên toàn thế giới sẽ xác nhận được một tác giả công bố ở các tạp chí khác nhau, nơi công tác khác nhau, cách sắp thứ tự tên khác nhau, ngôn ngữ khác nhau…

Các gợi ý sau, chúng tôi không có điều kiện đi sâu như gợi ý 1, nên xin phép chỉ nêu vấn đề; đó là:

Nâng cao chất lượng ban biên tập và bài báo

Ít nhất 30% thành viên hội đồng biên tập là học giả nước ngoài, đó là các nhà KH đầu ngành, nhiệt huyết vì mục đích xây dựng tạp chí; mời gọi và khuyến khích các nhà KH trẻ có nhiều công bố quốc tế, có kinh nghiệm phản biện tham gia vào ban biên tập, có thể trao quyền cho họ làm Thường trực ban biên tập cũng là một giải pháp hữu hiệu. Hội đồng biên tập phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phản biện kín hai chiều (double-blind peer-review) hay bình duyệt ẩn danh (Single-blind peer-review) theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các biện pháp nâng cao dần uy tín của một tạp chí KH có thể là: (i) Tăng cường mời các nhà KH đầu ngành viết bài tổng quan (invited reviews), vì bài tổng quan thường được trích dẫn nhiều. Tổng biên tập và ban biên tập phải có định hướng phân tích các bài đã công bố, xem tần số trích dẫn và nội dung KH, chất lượng KH, tên tuổi tác giả để đặt bài và nâng cao chất lượng bài cho các số tiếp theo. (ii) Thông thường các tạp chí mới thành lập, trong thời kì đầu thường thiếu bài và bài kém chất lượng, nên chất lượng của tạp chí phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng KH của ngành đó, của đơn vị/tổ chức nghiên cứu ấy; nghĩa là ngành nào nghiên cứu yếu thì tạp chí ngành đó khó đạt chuẩn quốc tế. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế quản lý tạp chí, như hình thanh khung quy định chung về thể thức xuất bản, tăng cường kinh phí hoạt động, xây dựng cơ chế mời viết để mời gọi, khuyến khích các nhà KH đầu ngành trong nước, ngoài nước (nhất là Việt kiều), các chuyên gia giỏi, tham gia viết bài, tăng dần chất lượng bài báo. (iii) Tổ chức các hội nghị/hội thảo KH quốc tế tại Việt Nam, trong đó có các nhà KH đầu ngành viết bài (Key Notes), qua đó lựa chọn các bài có chất lượng cao để đăng tải trên tạp chí.

Nâng cao chất lượng quy trình trực tuyến

Rà soát xây dựng trang chủ của tạp chí theo các định dạng chuẩn của ISI/Scopus, số hóa dựa trên các tiêu chí ISI/Scopus, có thể sử dụng hệ thống JOS, chuyển ngữ sang tiếng Anh. Hầu như tất cả các tạp chí trích dẫn trong danh mục ISI/Scopus đã đều được số hóa và cải thiện thường xuyên giao diện, tăng thêm mức tiện dụng cho tác giả, ban biên tập, người phản biện, giúp liên lạc trực tuyến giữa các phản biện và biên tập viên để hoàn thiện quy trình xét duyệt một bài báo trong thời gian sớm nhất. Ban biên tập cần phải xử lý linh hoạt vì đặc thù các bài khác nhau, nên phải chọn lựa phản biện đúng chuyên môn. Các vấn đề khác như quy định thời gian từ khi nộp bài đến khi xuất bản online, thời gian hoàn thành phản biện, minh bạch các qui trình và quá trình nhận, phản biện, xuất bản… có vai trò rất quan trọng.

Thực trạng cho thấy, một số tạp chí trong nước thường tìm cách chống chế để đạt các tiêu chuẩn đặt ra của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nhằm đạt được điểm quy đổi cao, trong đó có các tiêu chuẩn về tính minh bạch và đạo đức thường bị lấp liếm, hoặc thiếu kiểm soát. Vấn đề kiểm tra “đạo văn” ở các tạp chí đăng bằng tiếng Việt, đặc biệt là các tạp chí chỉ xuất bản bằng in ấn (chỉ bằng hard copies) gần như không thể kiểm soát. Các tác giả ảo, tác giả ‘ngoại giao’, việc sắp xếp bình duyệt/phản biện đối với người thân quen, cùng nhóm lợi ích… cũng là những bức bối về tính minh bạch và đạo đức KH. Do vậy, ứng dụng các phần mềm kiểm tra “đạo văn”; phần mềm quản lý tài liệu tham khảo (EndNote, Mendeley…); hệ thống gửi bài trực tuyến; công khai đầy đủ các dữ liệu trên trang web là công việc rất quan trọng. Các tạp chí xây dựng được hệ thống trang web với cơ sở dữ liệu mở như trên sẽ vừa nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch, đồng thời dẫn dắt và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng tác giả. Mỗi bài báo được công bố đảm bảo chất lượng, minh bạch, kết hợp với tính chuyên nghiệp, hiện đại, tính dễ dàng tiếp cận của hệ thống vận hành ở các tạp chí, từ bước tiếp nhận bản thảo đến công bố, sẽ làm cho tạp chí đó đạt được chất lượng cao; và đó cũng là mặt bằng quốc tế hiện nay.

Ngoài ra, các tạp chí cần xây dựng mối liên kết, hợp tác với các nhà xuất bản danh tiếng của nước ngoài như Elservier, Springer, Wiley… để tạp chí được tích hợp vào các nhà xuất bản lớn, giúp làm tăng số học giả nộp bài, tăng số lượng người đọc và tăng chất lượng biên tập.
----------------
Chú thích:
1 Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (2017). Tài liệu hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. NXB Bách khoa, Hà Nội.
2 Trần Văn Nhung (2018). Nâng cao chất lượng tạp chí KH của Việt nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước.
3 Tuan, N.V. (2017). KH Việt Nam đang ở đâu?: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2017/09/khoa-hoc-viet-nam-ang-o-au-trong-qua.html. Truy cập ngày 03/08/2018.
4 Vuong, Q.H., Ho, M.T., Vuong, T.T., Nguyen, V.H., Napier, N.K., Pham, H.H. (2017). Nemo Solus Stis Spit: Trends of research collaborations in the Vietnamese social sciences observing 2008-2017 Scopus data. Publications, 5:24 doi:10.3390/publications5040024.
5 ORCID (2018). Connecting Research and Researchers. https://orcid.org/about. Truy cập ngày 28/7/2018.