Trước thực tế diễn biến ở Vũ Hán/Trung quốc và tình hình dịch ở nước ta, đang có hai xu hướng nhận định trái chiều trong dư luận, thể hiện cả trên truyền thông chính thống và mạng xã hội. Một bên là chủ quan, sớm đánh giá vào khả năng đánh thắng dịch, và bên còn lại là lo lắng hoang mang và vội vã. Cần nhìn nhận nghiêm túc cả hai thái cực này.

Đợt dịch bệnh này đã gây khủng hoảng y tế nghiêm trọng tại Vũ Hán. Trong ảnh: các y tá tại một bệnh viện Vũ Hán đang làm khẩu trang làm từ khăn trải bàn vì họ không còn đủ khẩu trang. Nguồn: Theguardian.

Dịch bệnh hoành hành dữ dội ở Vũ Hán, lây lan rộng trên toàn Trung Quốc, ảnh hưởng tới 27 nước và đã tràn vào Việt Nam do trong giao thương liên tục trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hoạt động phòng chống dịch và truyền thông tăng tốc mạnh mẽ trong suốt tháng qua, cả quốc tế và trong nướci! Trước thực tế diễn biến ở Vũ Hán/Trung quốc và tình hình dịch ở nước ta, đang có hai xu hướng nhận định trái chiều trong dư luận, thể hiện cả trên truyền thông chính thống và mạng xã hội. Một bên là chủ quan, sớm đánh giá vào khả năng đánh thắng dịch, và bên còn lại là lo lắng hoang mang và vội vã. Cần nhìn nhận nghiêm túc cả hai thái cực này và đánh giá đúng tình hình dựa trên căn cứ khoa học, để đưa ra các phản ứng chính sách hợp lý.

Chủ quan quá sớm

Việc Việt nam được đánh giá là nước có đủ hết các yếu tố nguy cơ để dịch hoành hành “chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc” là điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng diễn biến dịch thực tế, báo cáo cập nhật tới nay (12/2/2020) mới phát hiện 15 ca dương tính, con số tuyệt đối này thấp hơn cả các nước láng giềng như Nhật bản (28), Hàn quốc (28), Singapore (47)…ii đang tạo xu hướng đánh giá ngay sự khác biệt này là “kết quả tốt của công tác phòng chống dịch bệnh” trong thời gian qua. Mặt khác cũng có ý kiến khẳng định tính vượt trội của hệ thống đến độ “rất đỗi tự hào” cả về dự phòng, điều trị, xét nghiệm, khẳng định chất lượng phòng chống dịch “sánh vai” với các nước tiên tiến, và chắc chắn Việt Nam sớm “đánh bại” dịch.

Thực ra, đến lúc này sự khác biệt một vài chục ca dương tính chưa thể khẳng định là mức lây lan ở Nhật, Hàn đã vượt Việt Nam, cũng chẳng phải ta mới có 15 ca là do “đã khống chế tốt” sự lây lan. Biên pháp phòng chống dịch trong thời gian qua thực hiện cũng chỉ là “tầm tầm”, không thuộc loại “nhanh nhậy kịp thời, chặt chẽ, triệt để” như một số nước tiên tiến, nếu không nói là có phần chần chừ, thiếu sự phối hợp đồng bộ, và chủ quan để mục tiêu thương mại lấn át mục tiêu sức khỏe cộng đồng khi chậm kiểm soát nguy cơ xâm nhập và phát tán dịch từ các lễ hội, các cửa khẩu hàng không, đường thủy, và đường bộ… trước một vụ dịch truyền nhiễm mới chưa có vaccine hay thuốc đặc trị! Không nhìn ra những hạn chế đó mà lại "chủ quan" say sưa "thắng lợi" là điều cần tối kỵ trong phòng chống dịch bệnh lây nhiễm đường hô hấp.

Hoang mang vội vã

Người dân lo lắng trước các vấn đề xã hội hiện nay là điều dễ hiễu, nhất là sự lo lắng này được đặt vào tình hình dịch bệnh lây như cúm n-CoV/COVID 2019 đang diễn ra ở Vũ Hán đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, và đã có bằng chứng dịch vào Việt Nam từ cuối năm 2019. Hơn thế nữa, hệ thống y tế Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc và mô típ vận hành như Trung quốc, như cũng thể hiện sự can thiệp thiên lệch “an ninh chính trị hơn là sức khỏe cộng đồng”, hệ thống phòng chống dịch cũng thường xuyên “thụ động và khởi động chậm”, thậm chí không hiếm trường hợp “giấu thông tin” về tình hình dịch bệnh hay sự cố y tế; rồi nạn tham nhũng chạy chức chạy quyền phổ biến khiến người có chuyên môn và tâm huyết “vì dân” trở nên ngày càng ít trong đội ngũ lãnh đạo ngành y tế và bộ máy nhà nước nói chung… Nhưng lo lắng tới mức vội vàng, để ra quyết định thiếu cơ sở khoa học như toàn dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trẻ em 100% đeo khẩu trang trong suốt buổi học, hoặc đòi hỏi phong tỏa xã/huyện có người phát hiện nhiễm virus… thì quả là thái quá, gây thêm tổn thất và hậu quả không đáng có, khó lường về mặt y tế, kinh tế xã hội và cả chính trị.

Cả hai xu hường trên đều cần điều chỉnh để việc thực hiện phòng chống dịch đảm bảo được dẫn đường bởi khoa học giúp ổn định cuộc sống xã hội trong thời gian tới của đất nước.Muốn vậy, cần nhanh chóng có phân tích khoa học đặc điểm dịch n-CoV/COVID 2019, và đặc biệt, phải trả lời được câu hỏi: Tại sao dịch diễn biến rất khác thường ở Vũ Hán?

Cho đến nay, có thể khẳng định, dịch hoành hành được ở Vũ Hán, bởi tồn tại ở đó các “yếu tố đặc biệt”.

Dịch ở Vũ Hán: Vỡ trận quản lý y tế và và khủng hoảng xã hội

Dịch ở Vũ Hán là trường hợp đặc biệt. Khó có một nơi nào khác ngoài Vũ Hán và ngoài Trung quốc mà cúm n-CoV/COVID 2019 có thể hoành hành mạnh mẽ đến thế tuy độc lực n-CoV/COVID 2019 được khoa học xếp còn yếu hơn SARS và cúm Trung Cận Đông MERS.

Hãy nhìn lại sự phân bố trường hợp mắc và tử vong ở Vũ Hán/Hồ Bắc (nơi khởi phát dịch), và các tỉnh còn lại của Trung quốc, rồi nhìn rộng ra các số mắc/chết ở 27 nước mà dịch lan đến (WHO- Báo cáo tình hình dịch bệnh Coronaiii). Rõ ràng, có sự khác biệt “một trời một vực”, rất có ý nghĩa thống kê giữa Vũ Hán với các nơi khác. Đặc biệt về số tử vong, liên tục tăng một cách ổn định trong suốt 3 tuần qua. Vậy, phải tồn tại các nguy cơ “phát tán dịch và tiến triển bệnh nặng” rất đặc trưng cho riêng Vũ Hán.

Tuy tổng thể bức tranh phòng chống dịch của Vũ Hãn vẫn chưa được vén lên hoàn toàn, nhưng các bằng chứng sinh học virus, cùng thực tế diễn biến lan truyền dịch, được truyền thông Trung Quốc công bố, đã đủ để cho nhận định rằng đã xảy ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc của hệ thống dự phòng xử lý đối phó với dịch ở địa phương này. Trong đó bao gồm cả khủng hoảng trong điều hành chuyên môn của ngành y tế và chính quyền, kết hợp với khủng hoảng xã hội khi thực thi yêu cầu thực hiện “cô lập” triệt để cho mục tiêu ngăn chặn dịch lây lan trong bối cảnh lòng tin vào sự vô tư, trong sáng, chân thực trong các mối quan hệ xã hội (social capital) của mỗi người dân với nhau và giữa người dân với chính quyền đã bị bào mòn, nay thêm yếu tố “phong tỏa thành phố” đủ làm suy sụp sức đề kháng toàn diện (của cả chính quyền và của người dân) trước tác động của một virus có độc lực chỉ ở mức độ vừa phải trong họ corona virus.

Trần Tuấn
(TS.BS. Dịch Tễ Học và Y Tế Dự Phòng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào Tạo Phát triển Cộng Đồng).
Kỳ 2: Căn nguyên của khủng hoảng phòng chống dịch Vũ Hán và bài học cho Việt Nam
---
Chú thích:
i) Thông tin toàn cảnh của WHO https://www.who.int/emergen…/diseases/novel-coronavirus-2019
ii) Cập nhật tới ngày 12/2 theo thông tin của WHO: https://www.who.int/…/situatio…/20200212-sitrep-23-ncov.pdf…
iii) Xem tại đây: https://www.who.int/…/defau…/coronaviruse/situation-reports/