Không diễn ra một cách rầm rộ để nhiều người phải giật mình quan tâm nhưng việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã trở thành phổ biến từ Bắc chí Nam. Vấn đề này khiến người ta phải đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý “tình trạng này bao giờ thì chấm dứt?”, hoặc thực tế hơn thì “bao giờ được giảm thiểu?”.

Vào năm 2010, khi Việt Nam bắt đầu có những biến chuyển về mặt kinh tế, nhu cầu về nguồn thực phẩm tươi sống gia tăng, góp phần thúc đẩy sự nở rộ của các trang trại chăn nuôi và các mô hình chăn nuôi năng suất cao. Ở thời điểm đó, giáo sư Nguyễn Văn Kính, khi đó mới là tiến sĩ (nay là Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam), đã cùng cộng sự khảo sát và đưa ra lo ngại về tình trạng sử dụng sai kháng sinh, lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi trong báo cáo “Phân tích thực trạng: Sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở Việt Nam”.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty Baseafood. Ảnh: baobariavungtau

Hai mươi năm sau, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh trong chăn nuôi cao ở châu Á. Lo ngại về xu thế phát triển này ở Việt Nam, bà Rana Flower, Trưởng đại diện lâm thời văn phòng Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO) đưa ra dự đoán tại buổi họp báo “Sử dụng kháng sinh đúng cách vì tương lại của chúng ta” do Bộ Y tế tổ chức vào cuối tháng 11/2020: “Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm từ dân số ngày càng gia tăng, trong 10 năm tới, lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi. Do vậy, ngành nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Theo từng khâu trong chuỗi thực phẩm, cần phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo kháng sinh được sử dụng thận trọng và có trách nhiệm để làm chậm lại sự phát triển và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc”.

Vậy chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu đó?

Một thực trạng ngổn ngang

Trong rất nhiều cuộc trò chuyện với các nhà nghiên cứu về tình trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam, có một vấn đề trở đi trở lại là tình trạng lạm dụng kháng sinh ngày một phổ biến, dù ở bất kỳ loại hình chăn nuôi nào, từ thủy hải sản hay gia súc gia cầm… Ở góc độ các nhà quản lý, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận điều đó. Năm 2019, họ đã thực hiện một khảo sát trên quy mô nhỏ trong nội tỉnh Tiền Giang với 208 trang trại chăn nuôi gia cầm và phát hiện ra, lượng kháng sinh sử dụng trên đầu gia cầm cao gấp sáu lần so ở một số nước châu Âu. 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh và ở mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để phòng, trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Đối với chăn nuôi lợn, hàm lượng kháng sinh lên tới 286,6mg/kg lợn hơi.

Kiểm tra các con cá giống cho vụ tới. Nguồn: Nongnghiepvietnam.vn

Có một điều mà từ nhà quản lý đến nhà nghiên cứu đều đồng nhất: người nuôi thường tự mua kháng sinh điều trị cho vật nuôi, hầu hết các trường hợp là như vậy. Cũng tương tự như việc người người có thể tự mua kháng sinh cho chính mình, với người chăn nuôi, lặp lại điều đó với đàn gà, đàn lợn không có gì phải “lăn tăn”, chỉ mong sao cho chúng chóng khỏi. Kết quả là “người ta chỉ thích những ‘ông’ đại lý bán thuốc bốc thật nặng lên, kê thuốc thật nặng, thuốc hoạt phổ rộng, thuốc đắt tiền, sao cho con vật nuôi của mình càng nhanh khỏi càng tốt”, TS. Trương Hà Thái (Bộ môn Vi sinh vật - Truyền nhiễm, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) kể về một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Anh cũng cho biết thêm một tồn tại trong tâm lý người chăn nuôi, “nhiều khi các ông đại lý có trình độ chuyên môn áp dụng đúng phương pháp để vật nuôi khỏi bệnh từ từ, không ảnh hưởng đến vật nuôi, không gây ra kháng kháng sinh, điều trị đúng bệnh thì người ta lại không thích”.

Để xảy ra điều này, cũng có một phần nguyên nhân từ chính… sự tiện lợi của việc mua bán thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Trước đây, khi những thông tin về các loại thuốc thú y chưa có nhiều trên truyền hình hoặc trên các trang mạng thì “người ta chủ yếu nghe theo bác sỹ thú y hoặc của người hành nghề thú y. Bây giờ thì thông tin xuất hiện rất nhiều, kể cả những người trong cuộc cũng rất khó chọn lọc hơn”, TS. Trương Hà Thái nói.

TS. Trương Đình Hoài, một đồng nghiệp của anh cũng ở khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), đồng tình về tình trạng dễ dàng mua thuốc thú y ở Việt Nam: “Ngay trong lĩnh vực thủy sản, các hiệu thuốc hiện nay mọc lên như nấm, qua mấy năm mà một tỉnh như Khánh Hòa đã có vài trăm hiệu mọc lên. Hiện nay, việc quản lý khâu thuốc thú y của chúng ta rất kém nên việc mua thuốc dễ dãi, không có nơi nào mua thuốc dễ như Việt Nam”.

Không riêng gì ngành thủy sản hay riêng gì Khánh Hòa, ở ngay giữa Hà Nội, việc quản lý gần 700 cơ sở kinh doanh thuốc thú y cũng khiến các nhà quản lý ngành lúng túng. Trong một phỏng vấn vào đầu tháng 7/2021 trên Hà Nội mới, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội). cho biết, “vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh thuốc thú y chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật như để thuốc thú y lẫn với thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm dành cho con người; không có nơi bảo quản và nơi bán thuốc không duy trì nhiệt độ dưới 30°C... Việc đính nhãn tem phụ của một số cơ sở nhập khẩu thuốc thú y phân phối ra thị trường chưa được thực hiện đúng quy định pháp luật”. Mặt khác, ông cũng thừa nhận, một trong những khó khăn của quản lý là “số loại thuốc thú y nằm trong danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam quá lớn, hiện có tới 12.501 sản phẩm được đăng ký lưu hành” nên cũng dẫn đến hiện trạng “không ít người kinh doanh thuốc thú y chưa nắm vững các quy định pháp luật… Phần lớn các cửa hàng sắp xếp thuốc chưa đúng quy định - các loại thuốc kháng sinh xếp lẫn hóa chất hoặc thuốc bổ trợ; đặc biệt, vẫn còn bán một số bán các loại hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng...”.

Chăm sóc đàn lợn giống tại HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

Liệu có giải pháp hữu hiệu?

Câu hỏi “Liệu có giải pháp nào hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng lạm dụng kháng sinh?” treo lơ lửng trên đầu những người làm quản lý ngành cũng như những người quan tâm đến hiện trạng này ở Việt Nam từ nhiều năm nay, khi chứng kiến thực trạng ở Việt Nam. Nếu chỉ xét một phạm vi hẹp quanh trại chăn nuôi thì bên bị thiệt hại nhiều nhất chính là người nông dân. Việc mở rộng các diện tích chăn nuôi hoặc thúc đẩy quy trình “thâm canh, gối vụ” là mong gia tăng sản lượng thu hoạch, tăng thu nhập cho chính mình. Đến một lúc nào đó, dịch bệnh có nguy cơ phá vỡ vòng quay ấy và buộc người ta phải dùng kháng sinh cũng như những loại thuốc khác cho vật nuôi. Việc dùng thuốc một cách nôn nóng không chỉ khiến người ta phải dùng liều lượng nặng hơn, thuốc “đặc hiệu” hơn mà về lâu về dài, vừa tốn kém tiền của, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình. Theo phổ biến của FAQ thì việc sử dụng kháng sinh không kiểm soát để chữa, kiểm soát dịch bệnh hoặc kích thích tăng trưởng ở vật nuôi làm tăng khả năng kháng kháng sinh của những vi khuẩn có khả năng lây lan sang người qua chuỗi thực phẩm”.

Cũng tương tự tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa cũng như nhiều loại cây ăn trái và hoa màu khác dẫn đến những hậu quả về sức khỏe với người phơi nhiễm thuốc trừ sâu và môi trường lưu giữ chúng, việc các vi khuẩn kháng kháng sinh từ vật nuôi lây lan sang người dự báo một nguy cơ cho sức khỏe con người không kém các dịch bệnh khác. Tại buổi họp báo hưởng ứng Tuần lễ nâng cao nhận thức về phòng, chống kháng thuốc vào tháng 11/2020, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết, với số lượng lớn thịt gia cầm và lợn mà người Việt Nam tiêu dùng hàng ngày, vấn đề này có thể là một rủi ro lớn với sức khỏe cộng đồng và có tiềm năng trở thành những bệnh mới nổi lây truyền sang người hoặc những bệnh mới nổi truyền qua thực phẩm.

Có lẽ, những người làm quản lý nào cũng thấy rõ hậu quả đó. Vậy họ có giải pháp gì? Mới đây, Cục Thú y trình Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030, một cách làm “giúp ngành thú y có cơ sở kiện toàn lại hệ thống, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh động vật đang ngày càng phức tạp”, theo giải thích của TS. Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y trên baochinhphu.vn. Được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2021, đúng như tên gọi của mình, Đề án tập trung vào nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp với bốn đề án lớn: Năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; Năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật; Nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vắc xin thú y bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả; Năng lực quản lý, hệ thống các phòng thử nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Dường như đây là một giải pháp tốt, đặc biệt phù hợp với thực trạng mà TS. Nguyễn Văn Long viện dẫn “thiếu lực lượng thú y cơ sở, ngành thú y thiếu bàn tay nối dài để giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, trong kiểm soát những vi phạm xảy ra trong quá trình phòng chống dịch bệnh, ví dụ hiện ở đa số các tỉnh, thành phố phía Bắc, ngành thú y không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện việc kiểm soát giết mổ, chỉ kiểm soát được khoảng 30% trong tổng số 27.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ”.

Đi tìm giải pháp bền vững

Trong đề án mới của ngành thú y, người ta chỉ thấy nổi lên vấn đề “nâng cao năng lực quản lý”, “kiện toàn lại hệ thống” mà quên đi một thực tại, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi không chỉ ngành thú y giải quyết được. Đó là một bức tranh phức tạp với nhiều mảnh ghép, thậm chí là một hệ sinh thái với nhiều thành tố xoay quanh các mô hình chăn nuôi: nhà nghiên cứu (dinh dưỡng, di truyền, bệnh học…), nhà quản lý (ngành thú y, ngành khoa học, ngành quản lý thị trường…), doanh nghiệp (vật tư - thức ăn chăn nuôi, dược, chế biến, bán lẻ)… Tùy theo từng mức độ và phạm vi của các mô hình chăn nuôi mà những ngành nghề khác cũng có thể tham gia.

Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu ngành chăn nuôi đã từng theo đuổi nhiều dự án nghiên cứu bệnh học vật nuôi, những giải pháp bền vững bao giờ cũng cần khoa học làm bệ đỡ. Ví dụ, đằng sau câu nói của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT mới đây trên báo Nông nghiệp Việt Nam, đề cập đến việc nuôi tôm ở ĐBSCL “nếu không đầu tư đồng bộ về hạ tầng, phòng chống dịch bệnh, con giống, kiểm soát chất lượng, quy trình nuôi thì rất khó có thể phát triển bền vững” là rất nhiều vấn đề khoa học. Không dễ giải quyết gọn cả một chu trình từ giống đến sản phẩm xuất khẩu như vậy, điều đó đòi hỏi ngoài việc liên kết theo chuỗi mà người ta vẫn thấy ‘nhà nông, nhà quản lý, doanh nghiệp’, cần có sự đầu tư cho khoa học với những nghiên cứu thật bài bản làm nền tảng để có thể gợi ý cho các nghiên cứu ứng dụng cho thủy sản, gia súc, gia cầm… Đó là một con đường dài cần có sự kiên nhẫn của người đặt đề bài, người rót tiền đầu tư cho nghiên cứu…

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, việc đầu tư cho nghiên cứu như vậy chưa nhiều, thậm chí “trong thời gian hiện nay, tự nhiên các nhà quản lý thay đổi quan điểm, những nghiên cứu ứng dụng chẳng hạn, ra sản phẩm thực tế thì thường được ưu tiên hơn, còn nghiên cứu về kháng kháng sinh hoặc nghiên cứu về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư hormone, hóa chất thì lại chưa được quan tâm một cách đúng mức”, TS. Trương Hà Thái chia sẻ. Vì vậy, các nhà khoa học mong mỏi, trong thời gian tới, việc triển khai các đề án nâng cao năng lực đi kèm với việc đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản, qua đó tạo điều kiện cho họ có thể tham gia góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại của ngành chăn nuôi, không chỉ ở chuyện lạm dụng kháng sinh.