Nghiên cứu mới của hai tác giả Phạm Minh Thái (Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Trần Quang Tuyến (Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) là một khám phá giúp mở rộng tranh luận về giả thuyết một nghìn ngày đầu đời là quan trọng nhất cho sự phát triển suốt cuộc đời của trẻ.
“Tương lai của bất kỳ xã hội nào đều phụ thuộc vào khả năng nuôi dưỡng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của thế hệ tiếp theo”, đây là câu mở đầu trong báo cáo năm 2007 về Khoa học của Giáo dục đầu đời (The science of early childhood development) do Hội đồng Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ về Sự phát triển của trẻ cùng Trung tâm Nghiên cứu về sự phát triển của trẻ Harvard biên soạn. Sự quan tâm chính phủ Mỹ đối với tầm quan trọng của việc nuôi dạy trẻ ở độ tuổi từ 0 đến 3 bắt đầu vào những năm 1980, 1990. Cùng với đó là sự xuất hiện của niềm tin rằng “Một nghìn ngày đầu đời là một nghìn ngày quan trọng nhất cho sự phát triển suốt cuộc đời của trẻ”, làm nền tảng cho rất nhiều chương trình giáo dục, can thiệp, hỗ trợ trẻ và cha mẹ.
Young Lives thiết kế chỉ số giàu có (wealth index) để đo lường tình trạng kinh tế - xã hội của các hộ gia đình được dự án khảo sát. Trong số 4 quốc gia được khảo sát, Việt Nam luôn có chỉ số giàu có cao nhất trong cả 5 lần khảo sát và cũng là quốc gia có mức tăng trưởng lớn nhất về chỉ số này.Biểu đồ: Chỉ số giàu có của các nước được Young Lives khảo sát theo từng năm.
Cho tới sau sự ra đời của cuốn sách The myth of the first three years (tạm dịch: “Ngộ nhận về ba năm đầu đời”) của giáo sư khoa học nhận thức John T. Bruer vào năm 1999, các nhà nghiên cứu, nhà làm chính sách mới bắt đầu nhìn nhận lại các bằng chứng và nguồn gốc của khẳng định trên. Nhiều nghiên cứu sau này đã chỉ ra một nghìn ngày đầu đời mặc dù có những ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của trẻ nhưng không phải là quãng thời gian có tính quyết định. Có những yếu tố trong giai đoạn này tác động lớn hơn tới trẻ, và cũng có những khía cạnh của đứa trẻ chỉ phát triển mạnh mẽ hơn ở những giai đoạn sau.
Nghiên cứu mới đây của Phạm Minh Thái (Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Trần Quang Tuyến (Khoa Quốc tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cũng là một khám phá giúp mở rộng tranh luận trên khi tìm hiểu sự phát triển kinh tế của gia đình sau khi trẻ 5 tuổi có ảnh hưởng tới năng lực nhận thức của trẻ hay không. Hai tác giả đã công bố các phát hiện của mình trên tạp chí Children & Society thuộc nhà xuất bản Wiley (SSCI, xếp hạng Q2 Scopus).
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của Young Lives - một dự án nghiên cứu quốc tế tập trung vào tình trạng nghèo đói ở trẻ em sống ở 4 nước Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam. Đối tác nghiên cứu chính của Young Lives tại Việt Nam là Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) và Tổng cục Thống kê.
Trong đó, dữ liệu về trẻ em Việt Nam được Young Lives thu thập qua các khảo sát lần lượt được tiến hành vào năm 2002, 2006, 2009, 2013 và 2016, tìm hiểu các thông tin xoay quanh chất lượng cuộc sống của trẻ. Dự án theo dõi sự phát triển của 2.000 trẻ sinh năm 2001 - 2002 (tức là khoảng 1 tuổi khi nghiên cứu bắt đầu khảo sát) và 1.000 trẻ sinh năm 1994 - 1995 (tức là khoảng 8 tuổi khi nghiên cứu bắt đầu khảo sát). Nhóm trẻ này được lựa chọn từ 31 xã thuộc tỉnh Lào Cai, Hưng Yên, Bến Tre, Phú Yên và thành phố Đà Nẵng; trong đó chủ yếu tập trung vào những xã nghèo (15 xã).
Nghiên cứu của hai tác giả sử dụng dữ liệu về nhóm trẻ sinh năm 2001 - 2002. Năng lực nhận thức của trẻ được đo lường qua ba chỉ số: điểm toán, điểm đọc hiểu tiếng Việt và điểm từ vựng. Tất cả các điểm này đều được xét dựa trên các bài kiểm tra do Young Lives biên soạn. Tình hình kinh tế của hộ gia đình được đo lường bởi chỉ số giàu có (wealth index), là điểm trung bình của 3 thành phần, gồm: (i) chất lượng nhà cửa (số phòng xét trên đầu người, chất lượng của các vật liệu xây dựng nhà); (ii) khả năng tiếp cận các dịch vụ như điện nước và (iii) số lượng đồ tiêu dùng lâu bền như tivi, đài, xe máy, xe đạp, tủ lạnh, điện thoại. Cuối cùng, sự phát triển kinh tế của hộ gia đình trong nghiên cứu này là sự gia tăng về chỉ số giàu có trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2013, tức là trong khoảng từ khi trẻ 5 tuổi cho đến khi trẻ 13 tuổi.
Kết quả của nghiên cứu nhận thấy, sự tăng trưởng kinh tế sau khi trẻ 5 tuổi có tác động tới khả năng nhận thức của trẻ 15 tuổi theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, khi so sánh điểm nhận thức của nhóm trẻ 15 tuổi (tức là kết quả khảo sát vào năm 2016), trẻ sống ở hộ gia đình có sự phát triển về chỉ số giàu có trong khoảng năm 2002 - 2013 cao hơn thì có điểm nhận thức cao hơn so với trẻ sống ở gia đình có ít sự phát triển kinh tế hơn.
Mối quan hệ thuận chiều này được ghi nhận cả ở 3 chỉ số đo lường nhận thức của trẻ như đã nêu ở trên, và trong bối cảnh các biến khác như đặc điểm của trẻ (giới tính, chiều cao, dân tộc) và đặc điểm của gia đình trẻ (quy mô hộ gia đình, học vấn và chiều cao cân nặng của mẹ) đã được kiểm soát. Kết quả này giúp bổ sung rằng, trong quá trình lớn lên, những thay đổi về kinh tế sau khoảng thời gian 1.000 ngày đầu đời vẫn ảnh hưởng đáng kể tới khả năng nhận thức của trẻ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phân tích ảnh hưởng của các yếu tố như đặc điểm của trẻ và gia đình tới năng lực nhận thức của trẻ ở thời điểm 15 tuổi. Một kết quả thú vị mà nghiên cứu chỉ ra là hộ gia đình càng đông đúc, năng lực từ vựng ở trẻ 15 tuổi càng kém. Các tác giả lý giải, mặc dù số lượng thành viên gia đình đông tạo ra nhiều cơ hội tương tác cho trẻ, nhưng ngược lại người lớn cũng có thể phải phân bổ thời gian và công sức cho nhiều người hơn, dẫn tới ít thời gian để trò chuyện với trẻ hơn.
Các kết quả còn lại của nghiên cứu xem xét sự khác biệt về các năng lực nhận thức giữa các nhóm giới tính và khu vực sinh sống khác nhau. Trẻ nam 15 tuổi có điểm năng lực toán và đọc hiểu kém hơn so với trẻ gái cùng tuổi, còn năng lực từ vựng thì không có sự khác biệt giữa hai giới tính. Trẻ sinh sống ở khu vực thành thị cũng có năng lực toán và đọc hiểu tốt hơn trẻ sống ở vùng nông thôn. Xem xét cụ thể hơn về khu vực địa lý, trẻ sống ở khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long có điểm năng lực đọc hiểu cao hơn trẻ sống ở khu vực sông Hồng.
Tài liệu tham khảo:
Briones, K., & Lives, Y. (2017). Constructing the Young Lives Wealth Index 43 “How Many Rooms Are There in Your House?” Constructing the Young Lives Wealth Index. www.younglives.org.uk
Bruer, J. T. (n.d.). Revisiting “The Myth of the First Three Years.” Retrieved May 27, 2021, from www.frameworksinstitute.org
Pham, T. M., & Tran, T. Q. (2021). Does greater household wealth make young children perform better? The case of Vietnam. Children & Society.
The Science of Early Childhood Development. (2007) National Scientific Council on the Developing Child. http://www.developingchild.net
Young Lives. (January, 2018). Young Lives Survey Design and Sampling (Round 5).