Đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm trên toàn cầu. Do đó, đề xuất miễn trừ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 từ chính quyền Mỹ được cả thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Nhưng liệu hành động này có thực sự giúp chúng ta nhanh chóng giải quyết được tình trạng khan hiếm vaccine COVID-19?

Chủ đề này được khơi ra từ cuối năm ngoái, trước tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng và lượng vaccine “cung không đủ cầu”, Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất lên Hội đồng TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thuộc WTO) miễn trừ tạm thời nghĩa vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ (các quyền sở hữu trí tuệ trong đề xuất này bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan, quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thông tin bí mật) đối với các sản phẩm như vaccine, bộ chẩn đoán, thuốc điều trị, các thiết bị y tế,... Những kêu gọi miễn trừ đã liên tục lặp đi lặp lại trong suốt thời gian qua, thu hút sự ủng hộ từ nhiều tổ chức và quốc gia, bao gồm những nước đang phát triển như Việt Nam và những cường quốc như Nga và Mỹ. Ai cũng kỳ vọng việc “mở” những công nghệ này sẽ thúc đẩy sản xuất vaccine trên toàn thế giới, mở rộng tiêm chủng để tiến tới miễn dịch cộng đồng nhanh chóng hơn.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang đẩy mạnh nhập khẩu vaccine phòng ngừa COVID-19. Nguồn: NLD

Đề xuất này ngay lập tức đã gây ra tranh cãi giữa phe ủng hộ và phe phản đối. Với phe ủng hộ, trong tình huống khẩn cấp hiện nay, những tài sản trí tuệ này phải dùng để phục vụ cộng đồng.

Ngược lại, những doanh nghiệp dược phẩm nổi tiếng và các quốc gia như Anh, Pháp, Đức,... thì phản đối bởi theo quan điểm của họ, để tạo ra một loại vaccine cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cách giúp họ “thu hồi vốn”, tạo động lực để tiếp tục nghiên cứu và phát triển trong tương lai. Đây cũng là quan điểm của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (AIPPI) - tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu lâu đời nhất về bảo hộ sở hữu trí tuệ: “Chúng ta không nên coi sở hữu trí tuệ là một rào cản với sự phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, thay vào đó, điều quan trọng là vừa cân bằng quyền tiếp cận các dịch vụ y tế của cộng đồng, vừa bảo vệ hệ thống sở hữu trí tuệ để khuyến khích các công ty dược phẩm tiếp tục phát triển vaccine”, theo báo cáo công bố vào tháng năm vừa qua.

“Nếu ai cũng được sử dụng tự do thì liệu còn ai muốn tiếp tục nghiên cứu không?”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhận xét trong một hội thảo do Khoa Luật (ĐHQGHN) tổ chức trực tuyến vào ngày 25/5 vừa qua. Điều này càng đáng quan tâm hơn khi các loại vaccine hiện nay đang giảm hiệu lực với những biến chủng virus mới, đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine. “Mỗi góc độ đều có quan điểm riêng, điều quan trọng là làm thế nào phải cân bằng được lợi ích giữa các bên”, ông nhận xét.

Vấn đề không chỉ nằm ở sáng chế

Nếu đơn thuần xét về công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở khả năng tiếp nhận công nghệ chứ không phải là việc từ bỏ bằng sáng chế. “Hầu hết mọi người cho rằng quyền sở hữu trí tuệ là rào cản bởi nếu không có sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế thì việc sản xuất, buôn bán những sản phẩm đó là bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều cực kì quan trọng là năng lực sản xuất, làm thế nào để biến giải pháp trong đó thành sản phẩm cụ thể”, ông Nguyễn Văn Bảy phân tích.

Đây cũng là điều mà bên phản đối cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan lo ngại. Trong một bài viết trên website của Trung tâm Petrie-Flom (Trường Luật Harvard), Julia Barnes-Weise - Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận GHIAA (Tổ chức tăng tốc liên minh đổi mới chăm sóc sức khỏe toàn cầu) và từng tham gia vào các đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19, cho biết: “Những kiến thức được tiết lộ trong bằng sáng chế thường không đủ để bên thứ ba có thể thực sự sao chép vaccine. Nhiều quy trình và công đoạn sản xuất thực tế không được tiết lộ trong bằng sáng chế - nó kiểu như một lời khuyên hoặc hướng dẫn bất thành văn, các thông tin này có thể được giữ bí mật vì lý do cạnh tranh. Trong trường hợp này, việc gỡ bỏ bằng sáng chế chẳng có ý nghĩa gì cả, trừ khi bản thân chủ sở hữu sáng chế sẵn sàng cộng tác”.

Hơn nữa, dù các công ty dược phẩm chấp nhận bộc lộ bí quyết công nghệ, việc thúc đẩy mở rộng sản xuất vaccine COVID-19 vẫn còn là một mục tiêu xa vời. Bởi lẽ quy trình sản xuất vaccine vốn phức tạp, một số loại vaccine COVID-19 ứng dụng công nghệ mới như mRNA và bao gói hạt nano lipid, đòi hỏi phải có nguyên liệu và dây chuyền sản xuất chuyên dụng - những thứ mà các quốc gia đang phát triển và chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch hiện nay khó có thể đáp ứng.

Những thách thức này khiến nhiều người nghi ngờ về lợi ích của việc miễn trừ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19. “Tuyên bố ủng hộ bãi bỏ bằng sáng chế của Hoa Kỳ chỉ là một chiêu trò truyền thông, vì Hoa Kỳ gần như không xuất khẩu mấy vaccine hoặc các nguyên liệu để sản xuất vaccine”, Frédérique Ries, Phó Chủ tịch của nhóm Renew Europe (Nghị viện châu Âu) nhận xét trong một bài viết về chủ đề này trên tờ The Brussels Times vào tháng năm vừa qua.

Chọn mức độ từ bỏ phù hợp

Trong khi cuộc tranh luận vẫn chưa thể đi đến hồi kết, một số chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như một số cơ quan như Ủy ban châu Âu đã đề xuất một giải pháp “cân bằng” hơn: sử dụng cơ chế li xăng không tự nguyện (compulsory license) - đã được quy định trong Hiệp định TRIPS kể từ khi Hiệp định có hiệu lực từ năm 1995. Theo quy định về li xăng không tự nguyện, cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia có thể cho phép bên thứ ba sử dụng sáng chế mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của các bên, chủ sở hữu sáng chế vẫn được trả một khoản đền bù thỏa đáng tùy vào giá trị của li xăng đó. Cơ chế li xăng không tự nguyện thường áp dụng trong trường hợp đặc biệt liên quan đến lợi ích của xã hội, chẳng hạn như trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất thuốc không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, gây thiếu hụt hoặc đẩy giá bán lên quá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Gần đây, một số quốc gia như Ấn Độ đã áp dụng cơ chế này thông qua hợp tác giữa Viện Huyết thanh (Ấn Độ) với Oxford-AstraZeneca. Thượng viện Brazil cũng đã thông qua đề xuất áp dụng li xăng không tự nguyện với sáng chế vaccine, bộ chẩn đoán và thuốc điều trị vaccine COVID-19 vào cuối tháng tư. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ đệ trình lên WTO về đề xuất áp dụng li xăng không tự nguyện trong tháng bảy tới đây.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế này cũng đi kèm với những điều kiện khắt khe. Cụ thể, cá nhân/tổ chức được cấp quyền sử dụng sáng chế phải có năng lực sử dụng trong thực tế; sản phẩm chỉ được phục vụ nhu cầu nội địa chứ không được phép xuất khẩu; việc áp dụng li xăng không tự nguyện sẽ phải dừng lại nếu lí do dẫn đến việc này không còn tồn tại;... Những quy định này đã dẫn đến hạn chế khi áp dụng thực tế: vào cuối những năm 90, khi đại dịch HIV/ AIDS đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu về các loại thuốc điều trị HIV/AIDS lúc đó tăng cao song nguồn cung ít đã dẫn đến khan hiếm và đẩy giá thuốc lên cao. Nhiều quốc gia đã nghĩ đến việc áp dụng cơ chế li xăng không tự nguyện song thực tế không mang lại hiệu quả, do quy định chỉ được phép sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa, trong khi đó, cũng giống như hiện nay, rất ít quốc gia đủ khả năng tiếp nhận công nghệ này.

“Do quy định này không đi vào cuộc sống nên sau đó đã dẫn đến Tuyên bố DOHA vào đầu những năm 2000 để giải quyết vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết. Theo đoạn 6 của Tuyên bố DOHA về TRIPS và sức khỏe cộng đồng, các nước sản xuất dược phẩm theo li xăng không tự nguyện có thể xuất khẩu cho các nước kém phát triển và các nước không đủ năng lực sản xuất trong trường hợp khẩn cấp hoặc liên quan đến cộng đồng. Việc xuất khẩu dược phẩm theo li xăng không tự nguyện tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS - đã được Việt Nam phê chuẩn và chính thức có hiệu lực vào năm 2017.

Việc không ngừng sửa đổi và hoàn thiện các quy định liên quan đã gỡ bỏ phần nào vướng mắc song thực tế áp dụng cơ chế li xăng không tự nguyện vẫn không hề đơn giản. Theo quy định trong Hiệp định TRIPS hiện nay, nếu muốn nhập khẩu dược phẩm theo li xăng không tự nguyện, một quốc gia thành viên phải chứng minh đủ tư cách nhập khẩu. Chẳng hạn như nếu Thái Lan muốn nhập khẩu một loại thuốc theo li xăng không tự nguyện từ Ấn Độ thì họ tự phải chứng minh mình không đủ khả năng sản xuất. Khi đó, cả hai quốc gia đều phải gửi thông báo đến Hội đồng TRIPS, bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng sản xuất. “Một số nhà quan sát chỉ trích các thủ tục này quá phức tạp, phải thực hiện đến hai loại thông báo của quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu. Việc xác định chính xác số lượng sản phẩm nhập khẩu cũng không dễ dàng vì có thể thay đổi trong thực tế”, TS. Lê Thị Nam Giang (ĐH Luật TP HCM) nhận xét như vậy trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp năm 2011.

Vậy chúng ta có lựa chọn nào ngoài li xăng không tự nguyện? Trên thực tế, điều này sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán giữa các nước thành viên WTO hiện nay, một quá trình mà theo ông Nguyễn Văn Bảy “sẽ kéo dài rất lâu, chứ không thể ngày một ngày hai được”. Do đó, chúng ta cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như thúc đẩy các thỏa thuận giữa chủ sở hữu bằng sáng chế vaccine với các doanh nghiệp sản xuất trong nước; gỡ bỏ rào cản xuất khẩu vaccine; triển khai cơ chế COVAX (cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy tiếp cận vaccine COVID-19 trên toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh vaccine điều phối),…

Cơ chế li xăng không tự nguyện thường áp dụng trong trường hợp đặc biệt liên quan đến lợi ích của xã hội, chẳng hạn như trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất thuốc không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, gây thiếu hụt hoặc đẩy giá bán lên quá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.