Là một ví dụ điển hình về việc một quốc gia nhỏ có thể nắm lấy vận may từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và hoạch định tốt các chính sách quốc gia nhưng ngày nay, Estonia cần có những thay đổi trong chính sách đầu tư cho nghiên cứu để giữ vững sự phát triển của mình.
Với Estonia, tất cả không phải màu hồng: kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu trong ngành công nghiệp và R&D nói chung của Estonia vẫn còn thấp, triển vọng của khoa học ở đất nước này đều gắn chặt với EU.
Phụ thuộc quá nhiều vào EU
Một vài năm trở lại đây, lo ngại trong cộng đồng nghiên cứu Estonia đã dấy lên khi kinh phí đầu tư cho R&D của chính phủ đã sụt giảm, ví dụ đầu tư công cho khoa học của Estonia chiếm 2,3% GDP năm 2011 và sau đó sụt giảm xuống 1,3% năm 2017. “Các nguồn đầu tư của quốc gia cho khoa học không theo kịp với tốc độ lớn mạnh của nền kinh tế,” Jaak Aaviksoo, hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Tallinn, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học Estonia và gần đây là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa nhận. “Đây là thách thức mà chính phủ cần giải quyết.” Một nhà nghiên cứu cho biết thêm, nếu so với nơi mà họ bắt đầu thì kết quả đạt được rất tốt nhưng sự thật mà họ nhận thấy là về lâu dài thì điều đó không tốt cho tương lai.
Có lẽ một nguyên nhân khác khiến chính phủ đã tạm “lơ là” trong đầu tư cho khoa học là vì phần kinh phí phân bổ của EU cho khoa học Estonia đã tăng lên, nếu năm 2008 chiếm 20% tổng kinh phí đầu tư cho khoa học của quốc gia này thì tới năm 2017, con số này đã là 30%.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại của Estonia, bao gồm cả ngân hàng sinh học, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của EU. Conor O’Carroll – một nhà nghiên cứu độc lập về chính sách khoa học và cố vấn về đầu tư cho nghiên cứu ở Ireland, nhận xét: Estonia đã nhận được những cơ hội đầu tư cho khoa học của EU nhiều nhất trong số các quốc gia Trung và Đông Âu. Một nửa ngân sách đầu tư cho khoa học của Estonia hiện tại từ kinh phí của EU – tiền được phân bổ tới các vùng còn chậm phát triển của EU. Quốc gia này đã phân bổ cho khoa học khoảng 15% trong các khoản đầu tư trị giá 4,4 tỷ euro sẽ nhận được từ EU trong suốt giai đoạn 2014-2020. Estonia không chỉ dẫn đầu về số lượng kinh phí nhận được mà còn dẫn đầu về việc trích ngân quỹ đầu tư cho khoa học, ví dụ trong cấu trúc đầu tư của Slovakia – quốc gia đứng sau Estonia, phần dành cho khoa học cũng chỉ là 12%).
Cũng phải thừa nhận, các nhà khoa học Estonia cũng có sức cạnh tranh lớn nhất trong “cuộc chạy đua” xin tài trợ của EU, đặc biệt với các chương trình nghiên cứu dài hạn. Indrek Reimand – Phó tổng thư ký Bộ Đại học và Khoa học Estonia, cho rằng, số tiền Estonia nhận được từ Horizon 2020 - chương trình đầu tư cho nghiên cứu chính của EU với 80 triệu euro - cao hơn mức trung bình của các quốc gia châu Âu tới 40% và nhiều hơn 3 lần mức trung bình của 13 quốc gia cùng gia nhập EU vào năm 2004.
Cần thay đổi từ chính sách đầu tư
Tuy nhiên tất cả những điều này khiến cho tương lai của khoa học Estonia không xác định. “Việc phụ thuộc quá nhiều vào tiền của EU cũng tiềm tàng sự nguy hiểm,” O’Connor nói.
Những quốc gia sử dụng các nguồn đầu tư hào phóng của EU để hiện đại hóa cơ sở nghiên cứu khoa học như Estonia cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. “Chúng tôi không thể sử dụng các khoản đầu tư này để định hướng phát triển các nghiên cứu đỉnh cao”, Maciej Żylicz – giám đốc Quỹ đầu tư Khoa học Ba Lan ở Warsaw, thừa nhận. “Đây thực sự là một tình thế nan giải”.
Tình thế này khiến nhiều nhà khoa học Estonia lo ngại cho tương lai. Ülo Niinemets - nhà thực vật học và là một trong những nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất Estonia, tuy đã nhận được khoản tài trợ trị giá 2,26 triệu euro trong vòng 5 năm từ Hội đồng khoa học châu Âu nhưng dự án này của ông sẽ kết thúc vào tháng 4/2019, vì thế ông sợ hãi là mình có thể cần phải rút bớt số lượng nhóm nghiên cứu của mình xuống cho đến khi nhận được khoản đầu tư tiếp theo của EU. Số lượng thành viên trong phòng thí nghiệm của ông gồm cả tá nghiên cứu sinh tiến sĩ và postdoc, trong đó 7 người nước ngoài. Ông cần họ hằng ngày để vận hành các thiết bị phức tạp trong phòng thí nghiệm, trong đó có cả một tháp đo đạc thông lượng khí quyển cao 150m, mà ông đã có được trong nhiều năm qua. “Những chính sách đúng đắn đã đưa chúng tôi gia nhập một mạng lưới nghiên cứu quốc tế xuất sắc. Để giữ vững khoa học và tự do học thuật, tôi hi vọng Estonia sẽ tiếp tục theo đuổi con đường này bằng các chính sách đầu tư cho khoa học mới”.
Để giữ vững được năng lực nghiên cứu trong dài hạn, O’Connor cũng cho rằng, cách làm hiệu quả nhất vẫn là việc Estonia phải thay thế nguồn tài trợ của EU bằng những quỹ đầu tư với phần kinh phí cốt yếu từ các nguồn trong nước.