Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết, khi dự án cơ sở hạ tầng hoàn thành đầu năm 2019, Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc sẽ trở thành thành phố thông minh. Sự cải tiến về thủ tục hải quan gần đây được doanh nghiệp coi là một dấu hiệu của xu thế đó.

Với việc giải quyết thành công các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, xây dựng chính sách ưu đãi, thẩm quyền của ban quản lý…, các điều kiện khách quan cơ bản cho việc phát triển Khu CNC Hòa Lạc đã được đáp ứng, đánh dấu bước chuyển mình của Khu CNC Hòa Lạc trong năm 2016 để chuyển sang giai đoạn tập trung thu hút đầu tư CNC và phát triển tiềm lực KH&CN.

Một diện mạo mới

Ông Phạm Hoàng Quân - trưởng phòng cấp cao, Công ty Insen Logistic Nhật Bản - cho biết, doanh nghiệp ông đang đầu tư một trung tâm tiếp vận nhằm phục vụ các doanh nghiệp sản xuất tại Khu CNC Hòa Lạc. “Chúng tôi sẽ có hệ thống kho bãi, hải quan và dịch vụ vận tải để làm công tác hậu cần cho doanh nghiệp” - ông Quân nói và cho biết ngành logistic có liên hệ chặt chẽ với thủ tục hải quan và dịch vụ hành chính - một khâu vốn khó khăn, nhưng hiện đã được cải thiện rất nhiều.

Một giải pháp giám sát mật độ giao thông được giới thiệu tại phòng thí nghiệm IoT đặt tại Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: Lệ Hằng

“Hải quan tại Khu CNC Hòa Lạc đã có sự thay đổi lớn về thủ tục hành chính, đặc biệt việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng, giúp doanh nghiệp nhanh đi vào sản xuất. Ban quản lý hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, thường xuyên tổ chức hội thảo để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào khu CNC” - ông Quân chia sẻ.

Ông Lee Jang Hyoung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghệ cao SDS Hà Nội, hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc từ tháng 6/2016 - cho biết, trước đây công ty ông gặp không ít khó khăn trong việc chuẩn bị đầu tư do nhiều thủ tục và thiếu thông tin.

Hiện công ty đã vượt qua khó khăn ban đầu và hoàn thành thủ tục đầu tư nhờ được ban quản lý cung cấp thông tin, hướng dẫn về thủ tục hành chính và đơn giản hóa các thủ tục này. SDS Hà Nội có kế hoạch xây dựng tại đây một viện nghiên cứu phát triển kỹ thuật và nuôi dưỡng tài năng trẻ Việt Nam. “Chúng tôi muốn đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, của nền khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc” - ông Lee Jang Hyoung nói.



Sẵn sàng đáp ứng nhà đầu tư

Kinh nghiệm thực tế của các khu CNC đã thành công cho thấy, nhà đầu tư rất quan tâm đến môi trường đầu tư và các yếu tố như vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng… Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương - Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, các điều kiện này đã được đáp ứng. Hệ thống đường giao thông từ Khu CNC Hòa Lạc đến Hà Nội và các sân bay, bến cảng đã rất thuận lợi.

“Chúng tôi đang trình Chính phủ cơ chế ưu đãi đầu tư và đang làm việc với thành phố Hà Nội để tăng các chuyến xe bus nhanh từ Hà Nội đến Khu CNC. Việc nghiên cứu hiện trạng, lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng bằng vốn ODA cũng đã được Nhật Bản hỗ trợ. Tất cả các điều kiện khách quan đã được đáp ứng.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2018 - đầu năm 2019, dự án cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc bằng nguồn vốn ODA sẽ hoàn thành. Tại thời điểm đó, Khu CNC Hòa Lạc sẽ đúng với tầm vóc của nó - trở thành một thành phố thông minh với môi trường thuận lợi nhất” - Thứ trưởng Phạm Đại Dương kỳ vọng.

Năm 2016, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu CNC, cung cấp dịch vụ... với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.330 tỷ đồng trên tổng diện tích 15,23ha, nâng tổng dự án tại đây lên con số 78, tổng vốn đầu tư đăng ký 60.019 tỷ đồng, tổng diện tích 348ha; trong đó có 36 dự án đang hoạt động với trên 10.000 người làm việc và học tập trong Khu CNC Hòa Lạc.