Ngay cả khi các nước phát triển có thể tiêm chủng cho toàn bộ người dân của mình trong một năm thì họ cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ những nơi mà virus vẫn tiếp tục lan rộng.
Isabel Rodriguez-Barraquer là nhà dịch tễ học của Đại học California, hiện đang làm việc từ xa ở Colombia. Đồng nghiệp của cô ở San Francisco đã bắt đầu được tiêm vaccine, nhưng tình hình ở Colombia thì rất khác.
Colombia đang hứng chịu một đợt bùng phát Covid và vẫn đang chờ đợi những liều vaccine đầu tiên: dự kiến họ sẽ có 50.000 liều từ Pfizer và AstraZeneca vào tháng Hai, và vài trăm nghìn liều vào tháng Ba. Nước này đã và đang trực tiếp ký các hợp đồng vaccine với các nhà sản xuất khác nhau, bao gồm cả Sinovac của Trung Quốc, và làm việc thông qua các quan hệ đối tác quốc tế để có được nhiều vaccine hơn. Nhưng Rodriguez-Barraquer e rằng tất cả những nỗ lực này sẽ là quá muộn.
Ở các nước giàu nhất thế giới, chương trình tiêm chủng Covid đều đang được triển khai. Gần 1/4 dân số trưởng thành của Vương quốc Anh đã được tiêm liều vaccine đầu tiên. Mỹ, mặc dù không nhanh như Anh, cũng đã có hơn 35 triệu người được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập thấp vẫn đang chờ những liều vaccine đầu tiên. Economist Intelligence Unit (bộ phận nghiên cứu và phân tích của tập đoàn Economist Group, cung cấp các dịch vụ dự báo và tư vấn) ước tính, khoảng 85 quốc gia đang phát triển sẽ không được tiêm chủng đầy đủ trước năm 2023, thậm chí có thể cònmuộn hơn nữa. Vào tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, Guinea là quốc gia có thu nhập thấp duy nhất ở châu Phi bắt đầu tiêm vaccine nhưng chỉ tiêm... 25 người (tất cả các quan chức chính phủ cấp cao, theo Associated Press đưa tin) trong tổng số dân gần 13 triệu người.
Chris Dickey, giám đốc Chương trình Sức khỏe cộng đồng toàn cầu và Môi trường tại Trường Y tế Toàn cầu thuộc Đại học New York, cho biết, một trong những vấn đề lớn là chưa có bất kỳ chương trình vaccine nào triển khai trên toàn cầu. Rodriguez-Barraquer đồng ý: “Có thể ngăn chặn gánh nặng bệnh tật và tử vong nếu có sự phối hợp mang tính toàn cầu hơn trong việc cung cấp vaccine”.
Sự mất cân bằng trong phân phối vaccine giữa các nước sẽ làm nhiều người chết và gây ra một loạt tác động về kinh tế, xã hội và sức khỏe - không chỉ ở các quốc gia không có vaccine mà trên toàn thế giới.
Anh đã triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt.
Giải quyết bất bình đẳng về vaccine
Có ít nguồn cung vaccine cho các quốc gia nghèo vì phần lớn vaccine hiện có đã được mua hoặc đặt hàng bởi các quốc gia giàu có hơn ở Bắc Mỹ và châu Âu. Để giải quyết sự bất bình đẳng về vaccine, liên minh Covax đã được Tổ chức Y tế Thế giới và các chính phủ thành lập vào tháng 4/2020 nhằm bảo đảm nguồn cung vaccine toàn cầu cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Vào tháng 12, tổ chức phi lợi nhuận này thông báo đã đảm bảo được khoảng 2 tỷ liều cho năm 2021, thông qua các khoản tài trợ và cam kết từ một số nhà sản xuất, nhưng không rõ bao nhiêu trong số đó sẽ thực sự được phân phối trong năm nay. Vấn đề không dừng lại ở đó, nhiều quốc gia vừa làm việc thông qua Covax, vừa cố gắng trực tiếp ký kết các giao dịch với các nhà sản xuất thuốc - khiến cho Covax gặp nhiều khó khăn.
Covax đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 20% dân số trên thế giới, tập trung vào những nhóm dân số nghèo ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á. Để làm được như vậy, liên minh này cần thêm 4,9 tỷ USD bổ sung cho 2,1 tỷ USD đã huy động được. Và giá cả lại là một vấn đề khác. Các loại vaccine rẻ hơn và dễ vận chuyển hơn, chẳng hạn như loại mà AstraZeneca cam kết sẽ cung cấp cho Covax,
đang tỏ ra không hiệu quả trong việc chống lại chủng biến thể mới và không được một số quốc gia chấp thuận. Trong khi đó, các công ty với vaccine thành công hơn thì dường như ít quan tâm đến việc bán hàng cho Covax: Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết, chỉ có 2% tổng số vaccine của Pfizer được cấp cho Covax, còn Moderna thì vẫn đang trong quá trình “đàm phán”.
Chương trình tiêm chủng Covid ởTallahassee, Florida, Mỹ.
Cả thế giới sẽ bị nguy hiểm
Động cơ để đưa vaccine đến các nước nghèo không chỉ là lòng vị tha. SARS-CoV-2 đã đột biến thành các chủng biến thể mới đáng lo ngại và quá trình này sẽ tiếp tục. Nếu các quốc gia có dân số lớn phải chờ nhiều năm mới được tiêm chủng xong, virus sẽ tiếp tục lây lan và biến đổi - đến mức những vaccine thế hệ đầu có thể mất tác dụng. Điều này sẽ có hại cho cả thế giới, nhưng các nước nghèo hơn, ít được tiếp cận với các loại vaccine thế hệ mới, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Judd Walson, nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Đại học Washington, lo lắng nhiều hơn về những tác động gián tiếp của đại dịch ở các nước đang phát triển - ở nhiều nước, Covid-19 thậm chí không được xếp hạng trong 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Các hệ thống y tế của họ đang mất rất nhiều nhân sự và nguồn lực để đối phó với đại dịch - thiết lập các trung tâm cách ly, giám sát, và buộc phải lơi là các mối nguy khác. Ngoài ra, các nhà tài trợ và các cơ quan quản lý bị đánh lạc hướng khỏi bệnh tiêu chảy, sốt rét và các nguyên nhân tử vong người khác.
Kết quả là, ở các nước đang phát triển, các chương trình y tế khác đang gặp khó khăn: tỷ lệ tiêm chủng cho các bệnh như sởi, bạch hầu, uốn ván và ho gà giảm do thiếu vật tư, nhân sự và vì người dân ngại đến các trung tâm y tế. Nếu không có vaccine Covid, các chính phủ không thể quay trở lại các ưu tiên y tế như trước khi xuất hiện đại dịch này.
Và sự bất ổn về kinh tế sẽ lan rộng. Trong một bài báo gần đây do Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ xuất bản, Sebnem Kalemli-Özcan, nhà kinh tế học tại Đại học Maryland, và các đồng nghiệp đã phân tích sự chậm trễ trong việc phân phối vaccine toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế ở các quốc gia có dân số đã được tiêm chủng.
Theo đó, nếu các quốc gia nghèo chậm được tiêm phòng, thế giới sẽ bị thiệt hại kinh tế khoảng 9 nghìn tỷ USD trong năm nay, và các nước giàu hứng chịu gần một nửa số thiệt hại đó do thương mại giảm sút và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đảm bảo phân phối công bằng vaccine cũng là phục vụ tốt nhất lợi ích của các nước giàu, Kalemli-Özcan nói, tác động với các nước nghèo cũng sẽ quay lại ảnh hưởng đến các nước giàu.
Cấp vốn cho Covax là giải pháp tức thời nhất. Ngoài ra, các nước giàu cũng có thể cấp phép công nghệ vaccine hoặc giảm bớt quyền sở hữu trí tuệ để các quốc gia đang phát triển có thể phát triển năng lực sản xuất vaccine của riêng họ hoặc hoàn thành các bước sản xuất cuối cùng. Nhưng thời gian là điều cốt yếu. Với tốc độ lây truyền hiện nay, có lẽ 50% người dân Colombia sẽ bị nhiễm bệnh vào thời điểm bắt đầu được tiêm chủng hàng loạt. Rodriguez-Barraquer lo ngại rằng, đến khi có vaccine thì cũng là “quá ít, quá muộn và dịch bệnh đã hoành hành”.
Nguồn: