Chỉ tốn thời gian!
Ông Vũ Thanh Long, đồng sáng lập eDoctor (ứng dụng chăm sóc sức khoẻ tại nhà, chạy trên các thiết bị di động) xác nhận: “Chưa bao giờ nghĩ đến việc phải tìm nguồn vốn tài trợ từ các quỹ hỗ trợ của nhà nước”. Theo lời ông Long, để “nuôi” dự án khởi nghiệp này, những cổ đông sáng lập phải xoay xở nguồn tiền từ những nguồn kinh doanh khác.
Ông Long xác nhận là có nghe đến những chính sách hỗ trợ vốn của các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp do nhà nước quản lý qua kênh báo chí nhưng “thật lòng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc làm hồ sơ, chạy tới chạy lui để làm thủ tục. Chỉ nghĩ tới cảnh đó là tôi đã sợ rồi. Thà để khoảng thời gian đó mình kiếm việc gì làm hoặc lo cho chính dự án khởi nghiệp của mình có khi đem lại nhiều tiền hơn”, ông Long tâm sự như vậy. Cũng theo nhà sáng lập eDoctor, sau hơn ba năm (thành lập từ tháng 10.2014), số tiền đã chi để eDoctor tồn tại cho đến ngày hôm nay khoảng 24 tỷ đồng. Từ năm 2017, dù có doanh thu dao động từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng/ tháng, nhưng nguồn thu không đủ chi để phát triển sản phẩm, dịch vụ và mở rộng thị trường.
Ông N.H.Th, phụ trách một dự án khởi nghiệp thuộc nhóm công nghệ cao kể tiếp câu chuyện gian nan tìm vốn hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ công nghệ hoặc những quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM. Theo vị phụ trách dự án này, nghe lời chỉ dẫn của một giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học vào hàng lớn của một trường đại học danh giá, sau khi ra mắt, doanh nghiệp này đã dành thời gian và công sức để tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ. “Nhưng từ đó đến nay gần một năm rồi, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí là ngày càng lún sâu vào đất! Họ đòi nhiều yêu cầu mà chúng tôi không thể đáp ứng nên cuối cùng hồ sơ của dự án phải gác lại”, vị phụ trách dự án này cho biết.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi tìm vốn ở ngân hàng. Ảnh: Mỹ Thạch
Tại vòng chung kết cuộc thi Vietnam IoT Hackathon 2017 do Viettel Telecom tổ chức vào đầu tháng 10.2017 (tại TP.HCM), đội trưởng một đội thi cũng là giám đốc doanh nghiệp khởi nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho biết, đăng ký dự thi các cuộc thi khởi nghiệp để tìm phần thưởng như là cách tìm vốn cho dự án còn “sướng” hơn là tìm vốn hỗ trợ từ các quỹ! Vị giám đốc trẻ này trần tình: “Muốn tìm được nguồn vốn từ các quỹ chua lắm. Nhiều giấy tờ từ trước giờ chưa biết mặt mũi như thế nào thì sao mà đáp ứng? Tốt nhất là không nên gõ những cánh cửa ấy làm gì cho tốn thời gian”.
Cũng có nhiều nguồn tin cho rằng, dù có chủ trương cho các dự án hoặc doanh nghiệp công nghệ, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ được tài trợ vốn hoặc vay vốn ưu đãi về lãi suất nhưng để được hưởng, người vay vốn phải “chung chi, lót tay” cho bộ phận chịu trách nhiệm mới được giải ngân nhanh hơn, còn nếu không có, phải chờ!
Tìm các nhà đầu tư cá nhân – khó nhưng vui!
Nhiều chuyên gia đã nói như vậy. TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM (viết tắt là SHTP) đã nhiều lần đi tìm những “bà đỡ” về tài chính cho các dự án khởi nghiệp của giới trẻ đang hoạt động tại các trung tâm R&D, vườn ươm... “Tìm được nhà đầu tư đã khó, nhưng khó hơn là thuyết phục để họ chịu đầu tư vào những dự án mà mình giới thiệu. Để được nhà đầu tư chịu chi tiền, đòi hỏi những dự án đó phải có giá trị về công nghệ và thị trường”, TS Quốc phân tích.
Ông Lê Thành Nguyên, giám đốc Vườn ươm (trực thuộc SHTP) cho biết, có một nhà đầu tư (ông đề nghị không nêu tên) đã theo dõi các dự án khởi sự của Vườn ươm từ hai năm nay, nhưng gần đây mới ký biên bản ghi nhớ với cam kết sẽ tài trợ khoản tiền là 500 triệu đồng cho một dự án. “Muốn đầu tư vào một dự án nào, các ông chủ vốn xem xét rất kỹ dự án, vì đó là tiền của họ nên thời gian có kéo dài cũng là chuyện thường tình”, ông Nguyên nói thêm. Cũng theo vị giám đốc Vườn ươm, đã có nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước đang thăm dò các dự án tại đây nhưng kết quả ban đầu chỉ là… tìm hiểu, còn bao giờ đầu tư và đầu tư như thế nào phải mất nhiều năm.
TS Đặng Hoàng Vũ, chuyên gia ban công nghệ của tập đoàn FPT nói thêm, việc chọn lựa dự án để đầu tư không hề đơn giản nếu không muốn nói là quá khó khăn cho nhà đầu tư. “Họ mang tiền đi ra ngoài đầu tư vào những dự án khởi nghiệp, coi như là đầu tư mạo hiểm, nên phải thận trọng và cân nhắc nhiều giá trị khác nhau. Có tỷ lệ rủi ro, nhưng an toàn đồng vốn luôn là tiêu chí quan trọng”, TS Vũ nói.
Sản phẩm của Moria Phương Vy tại hôi chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Mỹ Thạch
Ông Vũ Thanh Long chia sẻ: “Dù không tìm nguồn tiền từ các quỹ đầu tư công nghệ do nhà nước quản lý, nhưng dự án của chúng tôi đã được các quỹ đầu tư mạo hiểm chú ý. Điểm khó của dự án này là giá trị nhân đạo cao hơn giá trị kinh tế, nên các bước đàm phán đòi hỏi nhiều thời gian hơn”. Nhưng theo lời ông Long, mức độ tiến triển với các nhà đầu tư đang thuận lợi.
Nhưng không chỉ ông Long, nhiều dự án khởi nghiệp tại các cuộc thi khởi nghiệp đều cho rằng, nếu dự án nào tìm được các nhà đầu tư tài chính bên ngoài là “may mắn cho những ông chủ trẻ, không chỉ được tiền mà còn được học nhiều kinh nghiệm thực tế”. Ông Đ.H, một doanh nhân đang sở hữu nhiều doanh nghiệp khởi sự tại TP.HCM tiết lộ, một trong ba doanh nghiệp của ông vừa được một cá nhân đầu tư 10 tỷ đồng mà thời gian kiểm xét dự án chỉ trong vài tuần, vì họ hiểu được tiềm năng của dự án này. “Trong khi các quỹ đầu tư của nhà nước rườm rà với thủ tục, các nhà đầu tư cá nhân lại rất nhẹ nhàng, thoải mái, tạo sự thân thiện dù họ là ông chủ đích thực”, ông H. bình luận.
Theo thông tin từ TS Vũ, FPT hiện đã và đang đầu tư vào các dự án khởi nghiệp với hai hình thức tách bạch: đầu tư vào các dự án khởi nghiệp và huấn luyện các nhà khởi nghiệp bài bản hơn. “Nếu bạn trẻ hoặc doanh nghiệp nào cần nhà đầu tư, cứ liên hệ với quỹ đầu tư của FPT để hai bên cùng thảo luận, tìm cơ hội thăng tiến nhanh hơn trong thị trường”, TS Vũ nói thêm.
Cách làm riêng của SHTP
Gọi là hỗ trợ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu thành những sản phẩm thương mại trên thị trường, nhưng thực chất là “tạo thêm vốn để doanh nghiệp hoàn thiện những nghiên cứu, sáng tạo thành những thương phẩm có giá trị”, trong năm 2017, SHTP đã “gọi” được 27 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM để hỗ trợ bảy dự án của các trung tâm và doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, thuộc các lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ bán dẫn (MEMs) và công nghệ cơ điện tử, tự động hoá (robot). Mục tiêu của chương trình này là hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ sớm thương mại hoá các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu thị trường trong nước.
Theo TS Quốc, từ năm 2016, ban quản lý SHTP đã trình lãnh đạo TP.HCM chương trình “Thí điểm hỗ trợ thương mại hoá các sản phẩm công nghệ cao trong giai đoạn 2017 – 2018”. Cũng phải chờ đợi ,nhưng giữa năm 2017 đã được phê duyệt. Chương trình này triển khai trong vòng ba năm: mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ hai dự án, mỗi dự án không quá 3 tỷ đồng; tổng ngân sách chi ra không quá 50 tỷ đồng/năm; những doanh nghiệp được duyệt vốn phải dùng số tiền hỗ trợ này để hoàn thiện: thiết kế, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ khâu phân phối, tiếp thị sản phẩm. Ban quản lý SHTP còn hỗ trợ trang thiết bị, phòng thí nghiệm… cho các doanh nghiệp.
TS Quốc cho biết, hiện đã giải ngân cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách được duyệt khoảng 10 tỷ đồng. Ông giải thích: “Để quản lý đồng tiền của nhà nước, hội đồng chỉ giải ngân cho doanh nghiệp theo lộ trình của các đề tài. Họ làm được tới đâu, chúng tôi cấp vốn tới đó. Không thể cấp một cục, sau này khó nói chuyện với nhau lắm”.
7 Sản phẩm được chương trình cấp vốn
1. Miếng đắp giúp làm lành vết thương có chiết xuất nhung hươu gắn kết quy trình công nghệ tạo vật liệu nanocellulose (Thế giới Gen).
2. Sản phẩm công nghệ cao y sinh học ứng dụng trong điều trị chấn thương chỉnh hình: nẹp ốc cho gãy xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay… (USM Healthcare).
3. Bột nanolycopene 5 – 10% hướng đến ứng dụng viên nang chống nắng (Thế giới Gen).
4. Dung dịch thuốc tiêm Stimus (Nanogen).
5. Keo tản nhiệt từ nền vật liệu carbonnanotube và graphen ứng dụng trong các thiết bị điện tử (Neetech).
6. Sản phẩm ứng dụng công nghệ MEMS trong chế tạo linh kiện cảm biến áp suất đo mực nước (Memsitech). |