Cuốn sách của GS Levy Daniel chứa đựng nhiều thông tin toàn diện và phong phú về giáo dục đại học tư ở Đông Á; hơn thế nữa, chứa đựng những phân tích chính sách và khuyến nghị hết sức quý giá cho Việt Nam.
Tư nhân hóa giáo dục đại học là một trong những xu hướng mới tác động lớn đến hệ thống đào tạo đại học ở nhiều nước, thậm chí có thể làm thay đổi nhiều quan niệm truyền thống về đại học.
Trong khi ghi nhận và trân trọng những đặc điểm đã làm nên sự ưu tú của các trường đại học phương Tây, chúng ta thường ít lưu ý đầy đủ đến những đặc điểm của khu vực, của quốc gia và văn hóa, là điều có tác dụng rất lớn và rất trực tiếp đến sự phát triển của giáo dục đại học.
Do sự khác biệt đáng kể về truyền thống văn hóa và lịch sử, về hệ thống chính trị, những kinh nghiệm của phương Tây, về mặt nào đó, có thể có ý nghĩa ít quan trọng hơn đối với Việt Nam so với những gì đang diễn ra ở Đông Á. Bài học của phương Tây là quan trọng, nhưng bài học quan trọng hơn là những nước Đông Á có truyền thống và nhiều đặc điểm gần gũi với chúng ta đã học hỏi những bài học phương Tây ấy như thế nào để đạt được thành tựu ngày nay.
Cuốn sách “Giáo dục đại học tư ở Đông Á –thực tiễn và chính sách” là bản dịch tiếng Việt của báo cáo do GS Levy Daniel, ĐH Albany, thực hiện năm 2010 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Cuốn sách gồm ba phần chính: Phần 1 nói về quy mô, định dạng và sự tăng trưởng; phần 2 nói về tài chính; và phần 3 nói về chính sách quản lý.
Trong lời mở đầu cho bản dịch tiếng Việt, GS Levy viết: “Không chỉ Việt Nam xuất hiện trong báo cáo này như một phần của bối cảnh khu vực mà cả khu vực Đông Á cũng được đặt trong bối cảnh toàn cầu. Độc giả sẽ nhận thấy những khuynh hướng quan trọng nhất định và thậm chí là mạnh mẽ trong các lĩnh vực tài chính, quản trị và đặc điểm của giáo dục đại học tư. Đồng thời, bạn đọc sẽ được thấy phông nền để xác định những đặc thù nổi bật của thực tế nước mình, và khi tiếp cận một thực tế xuyên quốc gia điển hình nào họ sẽ cần đặt ra câu hỏi tình huống quốc gia của mình có thể khẳng định một cách mạnh mẽ hay hạn chế thực tế rộng lớn hơn của khu vực.
Công trình này được thực hiện dưới hình thức báo cáo chính sách, và do đó, tôi thực sự hy vọng nó sẽ cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Tuy nhiên, việc trích lọc những công thức thích hợp từ học thuật về một chủ đề phức tạp là không hề dễ dàng (mặc dù có thể dễ dàng xác định được những sai lầm có thể tránh được). Việc phục vụ các nhà hoạch định chính sách bản thân nó không phải là mục đích cuối cùng của học thuật; không học giả nào muốn phục vụ những người làm chính sách hoặc yếu kém hoặc chỉ muốn nắm lấy những thông tin có lợi cho một mục đích đã xác định từ trước. Ngược lại, tác giả hy vọng rằng các nhà làm chính sách có kiến thức sẽ tiếp cận và sử dụng báo cáo này với tinh thần cởi mở và không có định kiến làm sai lệch. Thế nhưng, trên hết, tác giả cũng hy vọng báo cáo này sẽ tiếp cận được giới độc giả ngoài các nhà làm chính sách, gồm các nhóm liên quan hay cá nhân có quan tâm chính đáng đến giáo dục đại học và xã hội.”
Tác giả cho rằng, mặc dù hiểu biết của chúng ta về giáo dục đại học tư thục không ngừng được mở rộng, những nghiên cứu về giáo dục đại học tư trong những bối cảnh bên ngoài Hoa Kỳ mới chỉ được thực hiện gần đây, và hầu hết mới chỉ mang tính mô tả mà chưa có nhiều khái niệm, lý thuyết hay nghiên cứu mang tính học thuật dẫn dắt. Những giả định về giáo dục đại học tư thục xuất phát từ những quan sát (có thể chính xác và cả chưa chính xác) về tình huống Hoa Kỳ thường rất dễ gây hiểu lầm đối với phần lớn thế giới, trong đó có Đông Á và Việt Nam.
GS Levy đã đưa ra hai ví dụ điển hình về trường hợp này. Một là, trong hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ, khu vực tư là nơi tập trung sinh viên thuộc tầng lớp kinh tế xã hội quyền thế và cũng là nơi tập trung các trường đại học nghiên cứu học thuật hàng đầu. Hai là, trường đại học tư ở Hoa Kỳ phần lớn là các trường không vì lợi nhuận và được sự tài trợ lớn của nhiều tổ chức và cá nhân. Điều này rất khác với nhiều nước trên thế giới. Trước đây, khi quy mô giáo dục đại học tư ở các nước còn chưa đáng kể, thì việc hiểu sai về mô hình Hoa Kỳ và áp dụng mô hình đó không có tác hại như khi khu vực tư đã chiếm tỷ trọng lớn hơn. Tính đến 2010 trên thế giới có khoảng 3/10 sinh viên đại học thuộc khu vực tư, ở Đông Á con số này là gần 4/10. Còn theo phân tích mới đây của GS Levy, tính đến năm 2018, trong số 179 quốc gia được khảo sát, chỉ 10 nước không có giáo dục đại học tư. Các nước đang phát triển chiếm 69,8% tổng số sinh viên trường tư trên thế giới.
Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hiểu biết về sự tăng trưởng mạnh mẽ của giáo dục đại học tư và những vấn đề mà nó đặt ra. Vì thế quyển sách của GS Levy sẽ giúp các nhà quản lý có thêm thông tin để đánh giá đúng tình hình của Việt Nam trong xu thế quốc tế và trong bức tranh chung của khu vực Đông Á, từ đó có những bước đi phù hợp nhằm phục vụ sự phát triển chung của cả hệ thống giáo dục đại học.