Khoa học Ukraine đang ở trong trạng thái bấp bênh, bất chấp những cải thiện được hứa hẹn sau cuộc cách mạng 5 năm trước đưa đất nước này về hướng châu Âu.
Chính phủ mới đã hứa hẹn sẽ chỉnh đốn lại hệ thống khoa học vốn tồn tại theo kiểu Xô viết lạc hậu, đồng thời thúc đẩy chi tiêu cho R&D. Năm 2015, Ukraine bắt đầu tham gia các chương trình nghiên cứu của EU và được trao quyền tương tự như một thành viên khi nộp đơn xin tài trợ của EU. Đầu năm 2016, nghị viện Ukraine đã thông qua điều luật tăng cường sức mạnh KHCN và đổi mới sáng tạo. Nhưng theo các nhà khoa học, những nỗ lực ban đầu này không cải thiện được điều gì. Chính phủ vẫn dành cho khoa học một mức kinh phí thấp 0,16% GDP vào năm 2016 và từ đó không có xu hướng gia tăng. “Chúng tôi đã được hứa hẹn về sự thay đổi nhiều năm trước nhưng những gì diễn ra vẫn chưa phải là một cuộc cải cách thực sự”, Nataliya Shulga – chủ tịch ban điều hành câu lạc bộ khoa học Ukraine, một nhóm tư vấn khoa học ở Kiev, nói.
Trên thực tế, chỉ có một ít đầu tư công là được rót vào 160 viện nghiên cứu với 15.000 nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KH Ukraine (NASU). Năm 2019, viện sẽ nhận được gần 5 tỷ hryvnia (tương đương 183 triệu USD) từ chính phủ, gần như gấp đôi những gì họ nhận được vào năm 2016. Tuy nhiên, Shulga nói ngần ấy vẫn không đủ để các viện nghiên cứu này mua các trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi điện tử và máy đo phổ. Điều này đã làm giới hạn năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Ukraine, khiến họ khó cạnh tranh với đồng nghiệp ở các quốc gia giàu.
Tái cơ cấu viện hàn lâm
Một số vấn đề mới đã bắt đầu xuất hiện, tuy chậm chạp. Quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia Ukraine đang được chờ đợi hoạt động vào năm nay với mục tiêu cấp kinh phí cho các nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học trên cơ sở bình duyệt độc lập. Vài năm tới, kinh phí đầu tư cho khoa học sẽ được phân bổ trên cơ sở cạnh tranh và được tăng gấp đôi, theo nhà vật lý Anatoly Zagorodny, phó chủ tịch NASU.
Nhưng nhiều nhà khoa học Ukraine muốn thay đổi nhiều hơn nữa và nhanh hơn nữa. Trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2019 và bầu cử nghị viện vào cuối năm nay, các nhà khoa học hàng đầu đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho khoa học. Ukraine “xứng đáng có một nền khoa học như ở một quốc gia phát triển”, Yulia Bezvershenko một nhà vật lý tại Viện nghiên cứu vật lý lý thuyết Bogolyubov ở Kiev và đồng chủ tịch Hội đồng các nhà khoa học trẻ của NASU, nhận xét. “Không có cách nào để hiện đại hóa nền kinh tế Ukraine mà lại thiếu đi việc tăng cường năng lực R&D của đất nước”.
Những nỗ lực đang được thực hiện để sắp xếp lại theo hướng hiện đại hóa NASU, một tổ chức khoa học lớn đã tồn tại hàng thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Boris Paton, nhà luyện kim đạt ngưỡng 100 tuổi từ năm ngoái. Cũng giống như nhiều quốc gia thành viên Liên Xô cũ, ở Ukraine, số lượng các nhà nghiên cứu ở NASU nhiều hơn ở trường đại học và chủ yếu là nghiên cứu cơ bản.
Alexej Verkhratsky, nhà khoa học thần kinh từng dẫn dắt một nhóm nghiên cứu tại Viện Vật lý Bogomoletz vào những năm 1990 và nay làm việc tại trường Đại học Manchester, Anh, miêu tả NASU như một nơi lỗi thời, cần phải xây dựng lại từ đầu. Dĩ nhiên vẫn có một số nhà nghiên cứu có sản phẩm tốt như trong vật lý thiên văn, vật lý lý thuyết và toán học, Verkhratsky nhận xét. Tuy có một số cá nhân xuất sắc nhưng NASU không có kinh phí đầu tư cho các hoạt động cần thiết như cử họ tham dự hội nghị quốc tế, mua thiết bị thí nghiệm. Giải pháp cho tình trạng này là các phòng thí nghiệm của NASU có thể phải sáp nhập với các trường đại học Ukraine để xây dựng các trường đại học nghiên cứu theo kiểu châu Âu, kết hợp nghiên cứu với giảng dạy, Verkhratsky đề xuất.
Bản thân NASU cũng muốn thay đổi. Một cuộc đánh giá do 440 chuyên gia Ukraine thực hiện tại 94 viện nghiên cứu của NASU vào năm 2016 và 2018 cho thấy 21 viện đã lạc hậu hoặc ở mức trình độ nghiên cứu thấp. Kết quả là 200 bộ phận nghiên cứu bị đóng cửa, Zagorodny thừa nhận. Ông cũng hiểu rằng việc viện thiếu kinh phí đầu tư, lực lượng thừa thãi là một phần nguyên nhân khiến nền khoa học giảm sức cạnh tranh.
Tuy nhiên nhiều ý kiến chỉ trích, việc đánh giá này cũng chưa hẳn đã chính xác khi có quá ít chuyên gia nước ngoài tham gia. Giải thích về vấn đề này, ông cho biết, kinh phí cho dự án đánh giá quá ít, không đủ mời số chuyên gia nước ngoài nhiều hơn.
Tỏ ra cởi mở nhưng Zagorodny không đồng ý với giải pháp tái cơ cấu hoàn toàn hoặc sáp nhập với các trường đại học. Với mục tiêu tái cơ cấu, NASU sẽ tập trung vào các vấn đề công nghệ và kinh tế xã hội ưu tiên, bao gồm công nghệ truyền thông, năng lượng, quản lý môi trường, khoa học sự sống và khoa học vật liệu. “Nhiều viện nghiên cứu và bộ phận nghiên cứu phải thay đổi sâu sắc và một vài thay đổi như vậy đang được tiến hành”, ông nói. Viện cũng lập một chương trình dành 1 triệu hryvnia đầu tư cho các nhà nghiên cứu trẻ vào năm 2018 để ngăn các tài năng rời khỏi đất nước.
Không dễ thay đổi
Khoa học Ukraina đã phải vật lộn với giới hạn trong cuộc cạnh tranh kinh phí đầu tư từ EU. Vào tháng 2/2019, các nhà nghiên cứu Ukraine nhận được một khoản khiêm tốn là 19 triệu euro (24 triệu USD) từ chương trình Horizon 2020 có tổng kinh phí 80 tỷ euro của châu Âu, thấp hơn nhiều so với các quốc gia nhỏ ở Đông Âu là Ba Lan và Romania khi đều nhận được lần lượt 340 triệu euro và 131 triệu euro. Chưa hết, Ukraine còn không giành thêm một khoản đầu tư nào từ Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC), nơi đầu tư cho khoa học cơ bản.
Do đó, chính quyền Ukraine vừa đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng các cơ sở nghiên cứu của EC nhằm định hình lại các cơ sở nghiên cứu hiện có và đưa ra các khuyến nghị để nâng cấp chúng. Tại một cuộc họp tại Kiev vào tháng trước, các chuyên gia chính sách khoa học đã thúc giục Ukraine tăng tốc cải cách để khoa học có mức cạnh tranh quốc tế tốt hơn. “Chính quyền Ukraine đã vạch ra các kế hoạch cải cách đầy tham vọng. Giờ phải thúc đẩy nỗ lực thực hiện các kế hoạch này”, Luca Polizzi, một chuyên gia chính sách nghiên cứu trong bộ phận nghiên cứu và đổi mới sáng tại của EC tại Brussels, nhận xét.
Nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc thay đổi sẽ được bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất. “Chúng tôi có sức mạnh để thay đổi hệ thống viện hàn lâm nhưng nếu chúng ta muốn tất cả thay đổi thì cuộc cách mạng về phẩm giá phải được tiến hành ngay trong cuộc sống”, Bezvershenko nói, hàm ý đến những vấn đề còn tồn tại của đất nước: nạn tham nhũng, thói quan liêu, thái độ thiếu tôn trọng khoa học…
Những bất hạnh của khoa học Ukraine bắt nguồn từ nhiều vấn đề sâu xa: bị cô lập, nền kinh tế lụn bại và tham nhũng lan tràn suốt thời kỳ chuyển đổi sang tư bản vào cuối những năm 1990 – những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và khiến hàng trăm nhà nghiên cứu Ukraine từ bỏ khoa học hoặc ra nước ngoài. |