Doanh nghiệp mất thời gian vì công nghệ nội
Ông Đỗ Nam Trung - Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM - cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ xếp hạng trung bình trên địa bàn là 60-70%, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 96%.
Mặc dù nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thành phố có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng công tác CGCN hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài đang là bài toán đau đầu với doanh nghiệp. (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất gốm sứ Minh Long). Ảnh: Cẩm Nhung
Theo ông Đỗ Nam Trung, nguyên nhân là doanh nghiệp còn thụ động, không có kế hoạch và lộ trình dài hạn trong đổi mới công nghệ, chưa gắn kết hài hòa giữa các thành phần thiết bị, nhân lực, quản lý và thị trường trong CGCN; thiếu thông tin và kinh nghiệm CGCN. Vì thế, kết quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh không thể sánh bằng doanh nghiệp nước ngoài cũng như sản phẩm nhập ngoại.
Ông Lương Tú Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN TPHCM - cho rằng, việc thực hiện các hoạt động CGCN hiện rất khó khăn, ngoài việc thiếu vốn, nguyên nhân lớn nhất là các công nghệ trong nước hầu hết chưa hoàn chỉnh. Viện, trường chủ yếu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, khi đưa vào thực tế thì phải sửa đổi nhiều, làm mất thời gian của doanh nghiệp mặc dù họ rất cần những công nghệ đó.
Ngoài ra, CGCN là một mạng lưới nhà nước - viện trường - doanh nghiệp - các tổ chức trung gian, tạo thành một hệ sinh thái. “Nhưng ở Việt Nam, sự phát triển thị trường công nghệ mới bắt đầu, hệ sinh thái chưa hình thành, các đơn vị trung gian chưa nhiều. Nhà nước đã nhận thấy điều đó và có chính sách thành lập các tổ chức trung gian để phát triển thị trường công nghệ. Các chính sách hỗ trợ trong CGCN rất nhiều, nhưng chưa đi vào cuộc sống” - ông Sơn nói.
Vướng mắc không phải chỉ ở luật
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN, các bên khi CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao trong nước và từ Việt Nam ra nước ngoài phải đăng ký chứng nhận hợp đồng với cơ quan chức năng để bảo đảm kiểm soát được các luồng CGCN, đặc biệt là với việc CGCN trong nước có giá trị hợp đồng từ 1 tỷ đồng trở lên. Luật sửa đổi cũng quy định hợp đồng CGCN chỉ có hiệu lực sau khi đăng ký.
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch TPHCM - cho rằng, với quy định này luật sửa đổi đang chuyển từ trạng thái cởi mở sang siết khá chặt và điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động CGCN thời gian tới: “Bởi khi doanh nghiệp CGCN phải mất thời gian đi đăng ký, chỉnh sửa, rồi không biết có đăng ký được không, đối tác sẽ bỏ hợp đồng vì không hiểu tại sao khó chuyển giao khi đang có nhu cầu về công nghệ đó. Điều này làm quay trở lại tình trạng giấy phép con”.
Trái với lo lắng của ông Hoàng, ông Dương Minh Tâm - Phó ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM - cho biết, việc đăng ký chứng nhận hợp đồng CGCN diễn ra tại sở KH&CN và quy trình thực hiện các thủ tục diễn ra rất nhanh, chỉ mất khoảng 1 tuần. “Việc này giống như hôn nhân được pháp luật bảo hộ, vì vậy những sửa đổi trong Luật CGCN là cần thiết” - ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, các đơn vị gặp phải vướng mắc trong CGCN không phải do luật mà do việc soạn hợp đồng không rõ ràng. Phần lớn các đơn vị Việt Nam còn rất yếu kém trong khâu soạn hợp đồng CGCN. Nhiều hợp đồng không đưa ra thời hạn chuyển giao, không ghi những thông số quan trọng nhất. Các doanh nghiệp khi làm hợp đồng CGCN ít mời luật sư, nên trong trường hợp xảy ra tranh chấp rất khó giải quyết.
Trong khi đó, các công ty nước ngoài khi xây dựng hợp đồng thường có lực lượng luật sư làm rất kỹ lưỡng. Hợp đồng của họ rất chặt chẽ - thường 100-200 trang, trong khi hợp đồng CGCN của Việt Nam nhiều lắm cũng chỉ 10 trang.
Đồng tình với điều này, bà Lê Thu Hiền - Trưởng ban pháp chế Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn - cho rằng, khi xây dựng một hợp đồng CGCN, doanh nghiệp cần phải hiểu biết thật rõ về công nghệ đó và “bẻ” từng chữ trong hợp đồng để tránh rủi ro, đặc biệt là các hợp đồng có sử dụng tiếng Anh.