“Chảy máu chất xám” là chuyện tuy biết rõ nhưng không dễ giải quyết khi nguồn lực có hạn.

Một kỹ sư thiết kế vi mạch được trả 20 triệu đồng/tháng tưởng đã là cao, nhưng doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả họ mức lương 3.000-4.000USD/tháng (tương đương 67-90 triệu đồng). “Chảy máu chất xám” là chuyện tuy biết rõ nhưng không dễ giải quyết khi nguồn lực có hạn.

Người tài “bốc hơi”

Tại phiên họp về chính sách đào tạo, sử dụng, phát triển nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) do Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia tổ chức ngày 18-19/11 tại Hà Nội, thạc sỹ Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TPHCM - kể câu chuyện của chính đơn vị mình: Khi thành lập vào năm 2007, ICDREC chỉ có hơn chục người, đến năm 2015 tăng lên thành 150 người; nhưng chỉ trong vòng 1 năm sau đó, số nhân sự giảm 40 người.

“Hiện ở TPHCM có sự cạnh tranh nhân lực rất lớn, đẩy giá lương lên cao. Trong tình hình đó, ICDREC không giữ được người. Chúng tôi sẵn sàng trả 20 triệu đồng/tháng cho một kỹ sư, nhưng các công ty liên doanh nước ngoài sẵn sàng trả cho họ 3.000-4.000USD/tháng. Tình trạng chảy máu chất xám hiện nay rất khó cản lại” - ông Hoàng nói và cho biết, tất cả 500 kỹ sư, kỹ thuật viên vi mạch mà trung tâm đào tạo theo cơ chế tài trợ 50% kinh phí trong giai đoạn 2013-2016 đều đã đầu quân cho các công ty nước ngoài, 10% trong số đó sang Singapore hoặc Mỹ.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Dũng tại phòng thí nghiệm hiển vi điện tử và vi phân tích, Viện Tiên tiến công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh

Việc thu hút chuyên gia cũng gặp lực cản lớn do vấn đề kinh phí. “Hiện ICDREC có cả chuyên gia trong nước và nước ngoài. Các chuyên gia lớn tuổi và tâm huyết mong muốn về Việt Nam không đặt vấn đề kinh phí, nhưng vẫn phải chi 1.000-2.000USD/tháng. Với các chuyên gia ở tuổi sung sức thì chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc là một vấn đề.

Hiện TPHCM cho phép đơn vị trả lương cho mỗi chuyên gia đến 150 triệu đồng/tháng. Con số này nghe có vẻ lớn, nhưng thực ra cũng không thấm gì. Nhiều ngành đang phải đối diện với thực trạng này và khó tìm cách giải quyết” - thạc sỹ Ngô Đức Hoàng nói. Theo ông, áp lực toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế khiến việc sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN càng gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo tổng quan của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Ngân hàng Thế giới năm 2014 về KH&CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, năm 2000 có tới 40% số lao động Việt Nam tay nghề cao (sau trung học phổ thông) di cư; năm 2003 có 80,8% số cán bộ nghiên cứu Việt Nam di cư sang Mỹ.

Quy định chức danh chưa hợp lý

Theo TS Nguyễn Đình Minh - Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia, một trong các nguyên nhân gây thiếu nhân lực nghiên cứu và phát triển (R&D) là quy định chức danh của nhân lực KH&CN còn thiếu cụ thể và hợp lý: “Cơ chế, chính sách về lương và điều kiện làm việc của cán bộ R&D - đặc biệt là đội ngũ nghiên cứu cơ bản trong các tổ chức KH&CN công lập, doanh nghiệp nhà nước - không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của hoạt động KH&CN...”.

Ông Đỗ Việt Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) - cho biết, hiện hệ thống thang, bảng lương cho cán bộ KH&CN chủ yếu căn cứ vào thâm niên, chưa chú trọng trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc. Môi trường làm việc và sinh hoạt học thuật chưa phát huy hiệu quả; khả năng khích lệ, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo của Nhà nước đối với cộng đồng khoa học còn mờ nhạt.

Thạc sỹ Hoàng cũng cho biết, các chuyên gia phản ánh rằng chính sách thu hút, sử dụng nhân tài còn “giật cục” theo quan điểm nhiệm kỳ: “Chính sách của thế hệ lãnh đạo này có thể khiến nhiều chuyên gia muốn về Việt Nam, nhưng thế hệ sau có thể không kế thừa mà tạo ra chính sách mới mang dấu ấn riêng. Vì vậy, chuyên gia lo rằng lúc được mời về thì rất ổn nhưng vài năm sau họ có thể thành lạc lõng. Do đó, ngay cả kêu gọi được họ về thì việc giữ chân cũng không đơn giản”.

Để có thể thu hút và giữ chân nhân lực KH&CN chất lượng cao, Bộ KH&CN đang xây dựng các tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu khoa học (gồm trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp) và chức danh công nghệ (gồm kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ sư chính, kỹ sư cao cấp) cùng 4 hạng chức danh nghề nghiệp.

Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng sẽ quy định tiêu chuẩn chức danh công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thuộc thẩm quyền mình quản lý, tương đương với các chức danh công nghệ nói trên.

Căn cứ tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ và các hạng chức danh nghề nghiệp, Bộ KH&CN cũng đang xây dựng để ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN được quy định tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ.