Đưa ví dụ về sự giàu có của các nhà sáng chế xuất sắc của Apple, Facebook, nguyên Phó chủ tịch tập đoàn FPT Hoàng Minh Châu nhấn mạnh, chỉ cần tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội thì nhà khoa học hay doanh nhân đều sẽ đạt được sức mạnh kinh tế.
Ông Hoàng Minh Châu là một trong các khách mời của buổi tọa đàm “Chân dung nhân sự trẻ ngành khoa học công nghệ” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, kênh truyền hình FBNC và Tạp chí Khám phá phối hợp tổ chức ngày 15/10, cùng với GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó giám đốc Sở KH&CN TPHCM, PGS-TS Nguyễn Anh Thi - Giám đốc khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM.
GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng (trái), ông Hoàng Minh Châu (thứ hai từ trái sang) và PGS-TS Nguyễn Anh Thi (thứ ba từ trái sang) chia sẻ với các sinh viên về KH&CN. Ảnh: Ngọc Lý
Vốn theo ngành toán trước khi tham gia tập đoàn FPT, ông Hoàng Minh Châu cho biết, người làm kinh doanh xuất thân từ khoa học sẽ có lợi thế hơn vì có thể tự nghiên cứu, tự đưa ra được những phương án, công nghệ với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. “Nhìn ra thế giới, những nhà khoa học có phát minh xuất sắc đều trở nên giàu có, như Apple, Facebook. Rõ ràng, chỉ cần tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội thì nhà khoa học hay doanh nhân sẽ đạt được sức mạnh kinh tế” - ông Châu nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Anh Thi (áo kẻ) và GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng (áo trắng) trao đổi với nhau về chủ đề chương trình. Ảnh: Ngọc Lý.
GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, người có gần 30 năm làm nghiên cứu,cho rằng: “Với các nhân sự đang làm nghiên cứu thì động lực chính là đam mê. Với họ, kết quả của các nghiên cứu không phải cho mình mà để truyền cho thế hệ sau, từ đó giúp ngành KH&CN phát triển”.
PGS-TS Nguyễn Anh Thi nhận định: “Doanh nhân và nhà khoa học có vai trò, vị trí khác nhau trong xã hội. Nhà khoa học khám phá tri thức, công nghệ mới để đưa vào thực tiễn cuộc sống, còn việc ứng dụng chúng để tạo ra giá trị xã hội là trách nhiệm của doanh nhân. Nhất là khi nguồn lực dành cho khoa học từ ngân sách nhà nước còn hạn chế (chiếm 2% GDP), cần có sự đầu tư từ phía các doanh nghiệp”.
Sinh viên ĐH Bách Khoa TP HCM hào hứng đặt câu hỏi với các diễn giả. Ảnh: Ngọc Lý.
Ông Phùng trăn trở: “Đến năm 2020, thị trường lao động của Việt Nam sẽ đứng thứ hai trong khối ASEAN, nhưng lại xếp thứ 11/12 về số doanh nghiệp, công ty nước ngoài thuê chất xám. Điều này chứng tỏ KH&CN của nước ta còn khá hạn chế và cần phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy ngành KH&CN phát triển”.
Vấn đề chảy máu chất xám mà ông Phùng đưa ra cũng được các sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM nhắc tới. Làm việc tại FPT nhiều năm, ông Châu cho rằng nguyên nhân là thiếu sự liên lạc giữa môi trường đào tạo và doanh nghiệp, là khoảng cách của chương trình đào tạo với nhu cầu nhân sự của các công ty.
Ông Châu nêu ví dụ cụ thể: “Trước đây, ngành CNTT từ một nghiên cứu để ra thị trường cần vài năm thì bây giờ chỉ cần 3 tháng. Trong khi đó, chương trình dạy không cập nhật các vấn đề của đời sống sẽ rất dễ lạc hậu và doanh nghiệp luôn phải tái đào tạo”.
“Luôn có một khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp. Khoảng cách này không bao giờ về 0, mà chỉ có thể thu hẹp lại, muốn làm được, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự hợp tác, trao đổi qua lại lẫn nhau. Làm được việc này, sinh viên ra trường có đủ kiến thức để làm việc còn doanh nghiệp cũng sẽ đỡ mất công đào tạo lại, vừa đỡ tốn tiền, vừa đỡ tốn thời gian” - ông Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.