Nhu cầu về các sản phẩm động vật hoang dã ngày càng tăng và gây áp lực lên dân số vốn ít ỏi của các loài động vật quý hiếm. Người mua bán động vật hoang dã đang tìm mọi kẽ hở để kiếm lời từ nhu cầu này.

Ngày 27/8/2018, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện 126 con rắn hổ chúa, rùa, ba ba… bị mua bán và tàng trữ trái phép. Ảnh: VTC news.

Nhu cầu tăng, đẩy giá động vật hoang dã lên cao dẫn đến tình trạng buôn bán động vật bất hợp pháp, đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của nhiều loài vốn đang trong nguy cấp trong khu vực. Từ năm 2013 đến 2015, giá rùa hộp trán vàng miền Bắc đã tăng gấp năm lần từ 31,70 USD/kg lên 164,96 USD/kg và giá rùa đất Spengle siêu nhỏ tăng từ khoảng 2 USD lên 105 USD cho một cá thể. Năm 2015, rùa bốn mắt có giá từ 130 đến 250 USD/kg, gấp đôi giá trung bình năm 2013.

Trong số các động vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng gia tăng thì rùa đứng đầu bảng. Loài này suy giảm nhanh đến mức các nhà bảo tồn gọi tình trạng này là “Cuộc khủng hoảng rùa Châu Á” (17/25 loài rùa đang trong tình trạng nguy cấp nhất sống ở châu Á). Nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm từ rùa để làm trang sức và sử dụng trong y học cổ truyền trên khắp Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ rùa lớn nhất thế giới – gây ra nạn buôn bán rùa tràn lan. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, kéo theo sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, khiến việc tiêu thụ rùa ngày càng trở nên không bền vững.

Do gần gũi về địa lý và có hệ động vật rùa phong phú, các quốc gia trong khu vực Mê Công là các nhà cung cấp rùa quan trọng cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhu cầu về rùa cũng đến từ thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển.

Đã có rất nhiều những nỗ lực ở các quốc gia để bảo tồn rùa, nhưng luật pháp nhiều nước đang để lại kẽ hở cho buôn bán rùa bất hợp pháp.

Kẽ hở giữa "nuôi" và "hoang dã"

Để chống lại sự khai thác quá mức và sự suy giảm nhanh chóng của quần thể rùa ở khu vực sông Mê Công, báo cáo của Đại học Duke tìm hiểu một nhân tố cụ thể thúc đẩy thương mại rùa bất hợp pháp: kẽ hở giữa "nuôi" và "hoang dã", và vạch ra các can thiệp tiềm năng nhằm giảm hoạt động mua bán động vật hoang dã, đặc biệt là ở Việt Nam và Lào.

Đó là tình huống các trang trại lấy động vật hoang dã về để thay thế hoặc bổ sung vào số các cá thể được nuôi. Mặc dù luật pháp ở Việt Nam, Lào và Campuchia không cho phép săn bắn và buôn bán các loài quý hiếm, nhưng chỉ áp dụng cho những cá thể bị bắt trong tự nhiên chứ không áp dụng cho các cá thể được nuôi trong các trang trại thương mại. Do đó, người nuôi có thể bán các cá thể bắt từ tự nhiên, sau đó tuyên bố (một cách bất hợp pháp) rằng những cá thể đó được nhân giống thương mại trong các trang trại.

Các cơ cấu quản trị đang gây khó khăn cho việc loại bỏ kẽ hở này.

Ở Việt Nam, các chủ trang trại phải được sự chấp thuận của cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và tuân theo hai thủ tục khác nhau. Giấy phép từ hai cơ quan khác nhau chất thêm gánh nặng pháp lý lên các công tố viên - những người phải xử lý các vụ kiện những người vi phạm theo các tiêu chuẩn của cả hai cơ quan này.

Hơn nữa, sự chồng chéo giữa luật và nghị định ở Việt Nam làm cho các cơ quan thực thi khó hành động, khiến thủ phạm dễ dàng lách luật hơn. Sự phức tạp trong việc xin giấy phép cũng có thể khiến các chủ trang trại có thiện chí bỏ qua quy trình rườm rà và lựa chọn nuôi bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, việc phân cấp không hoàn chỉnh và tình trạng chính quyền chồng chéo ở cấp địa phương tại Việt Nam và Lào cũng làm tăng cơ hội tham nhũng trong buôn bán động vật hoang dã. Báo cáo cho biết tình trạng giấy phép giả và can thiệp số liệu quần thể động vật là phổ biến ở cả hai quốc gia.

Một trở ngại khác là lực lượng kiểm lâm và viên chức nhà nước thiếu kiến thức sinh học. Ở cả Việt Nam và Lào, khá phổ biến việc cán bộ nhầm lẫn về loại động vật nào có thể được nhân giống, buôn bán, vận chuyển và xuất khẩu hợp pháp. Ngay cả khi lực lượng thực thi thống nhất về những loài nào được bảo vệ, các viên chức hạn chế về kiến thức sinh học và công nghệ ở thực địa có thể không thể phân biệt được giữa động vật hoang dã và động vật nuôi, và đánh giá xem các loài bị bắt thuộc nhóm quý hiếm hay bị đe dọa hay không.

Cuối cùng, do người dân làm nông nghiệp có thu nhập thấp, kể cả người nuôi động vật hoang dã, lại càng khuyến khích các trang trại nuôi tham gia vào việc buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Báo cáo của Đại học Duke đề xuất ba can thiệp chủ yếu có thể thực hành ngay để khắc phục kẽ hở về mua bán trái phép động vật hoang dã:

1. Can thiệp thay đổi hành vi nhằm vào người tiêu dùng các sản phẩm động vật quý hiếm để giảm nhu cầu tại Việt Nam;

2. Can thiệp để cải thiện việc thực thi bằng cách hoàn thành mã vạch DNA cho các loài rùa Đông Nam Á cũng như đào tạo các cán bộ thực thi và công tố viên về nhận dạng chính xác rùa. Đào tạo bằng cách sử dụng một giáo án rõ ràng, được cấu trúc hợp lý với mục tiêu học tập có thể xác định được;

3. Can thiệp vào chăn nuôi bền vững, đào tạo người nuôi về sinh sản và trách nhiệm pháp lý phù hợp; cho phép bán một số động vật hoang dã để bổ sung thu nhập.

Trước tiên, để giải quyết nhu cầu rất cao về rùa, nhóm nghiên cứu đề xuất biện pháp can thiệp thay đổi hành vi: nâng cao nhận thức của các chủ nhà hàng, chủ cửa hàng và người tiêu dùng nói chung về tính bất hợp pháp của buôn bán rùa. Bằng cách giải thích về hậu quả của việc tiêu diệt quần thể rùa bản địa và tác động tiêu cực đến di sản văn hóa Việt Nam, can thiệp này nhằm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm rùa. Nhu cầu giảm sẽ dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp hơn cho các nhà hàng và cửa hàng, kéo theo giảm mong muốn bán các sản phẩm rùa.

Thứ hai, nhóm đề xuất can thiệp thực thi để giải quyết tình trạng thiếu kiến thức pháp lý và sinh học của các cán bộ thực thi và tòa án ở cấp địa phương. Can thiệp này bao gồm việc giới thiệu một giáo án giảng dạy mới về hình thái và nhận dạng DNA cho các cán bộ thực thi.

Chương trình giảng dạy mới nên cung cấp các kỹ năng phát hiện nguồn gốc của động vật và phân biệt giữa các loài và các chi khác nhau. Tăng hiểu biết của cán bộ kéo theo năng lực thực thi mạnh mẽ hơn, giảm động lực tham gia vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp vật hoang dã của các chủ trang trại.

Thứ ba, nghiên cứu đề xuất can thiệp thúc đẩy chăn nuôi bền vững: các chủ trang trại thương mại tham gia vào việc nhân giống động vật (các loài thích hợp). Can thiệp này sẽ cung cấp cho người nuôi các thiết bị nhân giống phù hợp và kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi an toàn, bền vững. Kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi tốt hơn và sự sẵn có của thiết bị phù hợp sẽ giảm chi phí nhân giống rùa đến mức rẻ hơn là bắt rùa hoang dã và "tẩy rửa" bất hợp pháp nguồn gốc hoang dã của chúng.

Số liệu về rùa tại Việt Nam:

- Số liệu của WWF năm 2018 cho thấy hơn 4.500 tấn sản phẩm từ động vật hoang dã được bán và tiêu thụ.

- Số liệu của WCS cho thấy gần 1/3 (8.118 bộ phận động vật hoang dã) trong số 26.221 bộ phận động vật hoang dã bị tịch thu từ năm 2013 đến 2017 là rùa. Trong số 1.504 vụ bắt giữ liên quan đến động vật hoang dã, 150 vụ (chiếm 10,31%) liên quan đến rùa, và rùa trở thành nhóm loài lớn thứ hai trong số các vụ bắt giữ động vật hoang dã ở Việt Nam.

- Phần lớn rùa ở Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc – nước có thị trường rùa lớn nhất thế giới, ước tính trị giá 750 triệu USD/năm với hơn 300 triệu con rùa được bán hàng năm.

- Tuy nhiên vẫn có một thị trường đáng kể về rùa quý hiếm ở Việt Nam phục vụ nhu cầu làm thú cưng, đặc sản và làm thuốc, nên khi nguồn cung ngoài tự nhiên thu hẹp thì giá rùa tăng cao. Từ năm 2013 đến 2015, giá rùa hộp trán vàng miền Bắc đã tăng gấp năm lần từ 31,70 USD/kg lên 164,96 USD/kg và giá rùa đất Spengle siêu nhỏ tăng từ khoảng 2 USD lên 105 USD cho một cá thể. Năm 2015, rùa bốn mắt có giá từ 130 đến 250 USD/kg, gấp đôi giá trung bình năm 2013.

- Buôn bán, trao đổi rùa trực tuyến đang tăng nhanh. Khảo sát của nhóm nghiên cứu đại học Duke cho thấy trên Facebook tồn tại rất nhiều nhóm có hàng chục nghìn thành viên hoạt động khá tích cực như: Hội Yêu Rùa Việt Nam (11,397 thành viên), Hội Yêu Rùa Cạn (10,784 thành viên), Hội Yêu Rùa Kiểng Việt Nam (9,462 thành viên).

Nguồn:

PanNature