Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hoàn thành khung Warsaw và đủ điều kiện để có thể nhận được các khoản chi trả dựa trên kết quả từ Chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng REDD+ của Liên hợp quốc .
Năm 2009, Việt Nam trở thành một trong chín quốc gia đầu tiên được lựa chọn thí điểm Chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng REDD+ của Liên hợp quốc và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên nhận được phê duyệt cho Đề xuất Sẵn sàng thực hiện REDD+ (R-PIN) thuộc Quỹ đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới.
Bên cạnh các chương trình này, nhiều hoạt động thuộc dự án REDD+ khác đã được các tổ chức quốc tế và trong nước thực hiện ở nhiều địa phương với mục tiêu đảm bảo cho sự sẵn sàng tham gia và thực hiện hiệu quả REDD+ của Việt Nam trong tương lai.
Con đường đến với các mục tiêu xác định trong Chiến lược Quốc gia về REDD+ (NRAP) và cụ thể hóa thành các Chương trình REDD+ cấp tỉnh (PRAP) cũng đã được xây dựng rõ ràng với rất nhiều kỳ vọng đối với rừng và ngành lâm nghiệp, trong đó bảo vệ và phục hồi rừng, đi cùng với các giải pháp tích hợp sử dụng đất, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an toàn môi trường – xã hội là những nội dung quan trọng.
Bản chỉnh sửa Chương trình quốc gia về REDD+ (NRAP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/4/2017. Mục tiêu chung của NRAP giai đoạn 2017-2020 là “Góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ các-bon; nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước.”
Qua 10 năm chuẩn bị cho sự sẵn sàng và thực thi REDD+, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong tăng cường năng lực cho các bên tham gia, thiết kế chia sẻ lợi ích, đảm bảo an toàn và giám sát, báo cáo, thẩm định. Đặc biệt, cuối năm 2018, Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới (sau Mexico) và là quốc gia đầu tiên của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được công nhận đủ
điều kiện để có thể nhận được các khoản chi trả dựa trên kết quả từ REDD+, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.
Từ 2009 đến nay Việt Nam tham gia vào sáng kiến REDD+ với 44 dự án lớn nhỏ, tổng giá trị tài trợ khoảng 84 triệu USD hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, thí điểm một số hoạt động, mô hình và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam. Có 19 tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động REDD+ (PRAP) đến năm 2020. Có 12 tỉnh đã có ban chỉ đạo REDD+ cấp tỉnh.
Việt Nam cũng đã triển khai đáng kể các can thiệp REDD+ ở cấp hiện trường như là một phần của PRAP, tạo ra nhiều mô hình (cải thiện rừng trồng, quản lý hợp tác, hợp tác với lĩnh vực kinh doanh về chuỗi giá trị LSNG, nông nghiệp không có rừng phá rừng…) và góp phần vào kết quả REDD+ quốc gia.
Bên cạnh những thành quả đạt được, Chương trình đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức và tồn tại như: việc lồng ghép các nội dung REDD+ và kết nối các hợp phần của hệ thống chính sách ngành lâm nghiệp, việc đảm bảo hài hòa mục tiêu REDD+ với các mục tiêu kinh tế - xã hội khác, hay sự phối kết hợp giữa các bên liên quan để đạt được mục tiêu chung. Vẫn còn những câu hỏi về khả năng và hiệu quả của REDD+, những vướng mắc, chậm trễ. REDD+ là vấn đề mới, nhiều yêu cầu phát sinh khi thực hiện REDD+ mà Việt Nam chưa thể đáp ứng được trong thời gian ngắn do thiếu cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực REDD+, phải nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế nên việc triển khai bị chậm trễ.
Thời gian gần đây, không chỉ ở các quốc gia thực hiện REDD+ trên thế giới mà cả ở Việt Nam đều có những thay đổi trong cách tiếp cận thiết kế và thực hiện REDD+. Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của cách tiếp cận cảnh quan cấp vùng sinh thái (Regional Landscape Approach) và quản trị chia sẻ thích ứng (Adaptive Collaborative Management Approach – ACMA) thuộc Chương trình Giảm Phát thải vùng Bắc Trung Bộ (FCPF/REDD+) nhằm thúc đẩy các cơ chế phối hợp thực chất và hiệu quả giữa các bên liên quan để cùng hỗ trợ “hoạt động sử dụng đất tích hợp, giải quyết vấn đề phá rừng dưới sức ép của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời giải quyết tình trạng nghèo đói của người dân vùng rừng” (FCPF, 2015).
Những đổi mới này, do đó, cũng đặt ra yêu cầu đối với không chỉ các cơ quan nhà nước, ban quản lý dự án mà cả các tổ chức xã hội dân sự khi tham gia vào tiến trình REDD+ cùng thảo luận để thống nhất một cách hiểu chung, thiết kế được một cách tiếp cận tổng thể, phù hợp với tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp độ như REDD+ trong bối cảnh Việt Nam, từ đó kế thừa và tiếp tục phát huy được hiệu quả của Chương trình REDD+ 10 năm qua.